Thứ Hai, 16/07/2012 10:22

Khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp quay trở lại?

Đây là một câu hỏi khá quen thuộc và nhức nhối. Với đà tăng giá mạnh mùa hè thứ 3 trong 5 năm trở lại đây của các nông sản thiết yếu như ngô, đậu nành và lúa mì; mối lo ngại về nguy cơ xảy ra cú sốc giá một lần nữa lại xâm chiếm tâm trí của giới đầu tư cũng như các chính trị gia.

Mối lo ngại này đã đánh dấu sự dịch chuyển tâm lý đáng kể so với cách đây một vài tuần. Khi đó, các chuyên viên giao dịch dự báo về một vụ mùa bội thu và các nhà làm chính sách cũng tự trấn an rằng giá hàng hóa suy giảm sẽ giúp kinh tế toàn cầu bớt khó khăn.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, nắng gắt và lượng mưa ít ỏi tại Mỹ đã khiến các cánh đồng ngô và đậu nành khô héo. Do đó trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm dự báo sản lượng ngô quý 2 mạnh nhất trong một thế kỷ.

Mỹ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho thế giới: nước này là nhà xuất khẩu ngô, đậu nành và lúa mì lớn nhất thế giới khi chiếm hơn 30% ngũ cốc cơ bản giao dịch trên thị trường toàn cầu. Trong vụ mùa năm nay, hợp đồng ngô giao tháng 12 nhảy vọt 44% trong một tháng, giá lúa mì tăng 45% và giá đậu nành tiến 17%.

Đà leo thang của giá ngũ cốc khiến người ta liên tưởng đến đợt tăng giá năm 2007-2008. Khi đó, đà tăng vọt của giá ngũ cốc đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn tại hơn 30 quốc gia từ Bangladesh cho đến Haiti. Trong năm 2010, Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc khiến giá tăng vọt và nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội tại thế giới Ả-rập trong năm ngoái.

Ông Luke Chandler, Trưởng nhóm nghiên cứu nông sản của Rabobank, cho rằng: “Rất có khả năng chúng ta sẽ quay trở lại kịch bản năm 2008”. Đà tăng mạnh của giá thực phẩm là rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu vì hai lý do. Lý do đáng sợ nhất là điều này có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội và chính trị tương tự như cuộc nổi loạn năm 2011 tại Ả-rập.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng đà tăng giá trong năm nay không nghiêm trọng đến mức có thể dẫn đến sự sụp đổ của các Chính phủ. Dù dự trữ ngô và đậu nành còn rất thấp, đặc biệt là tại Mỹ nhưng tình hình ít nghiêm trọng hơn đối với lúa mì và gạo – hai loại lương thực quan trọng đối với hầu hết người nghèo trên thế giới. Ngược lại, ngô và đậu nành được sử dụng để làm thức ăn cho động vật, sản xuất ethanol hoặc làm dầu ăn.

Dù giá ngô đang giao dịch trên các mức đỉnh 2008 và trong tuần qua giá đậu nành đã vượt các mức cao năm 2008 để chạm kỷ lục nhưng giá lúa mì và gạo vẫn chưa lên kỷ lục.

Hơn nữa, dù giá lúa mì đã phục hồi lên trên 8.4 USD/bushel – mức mà hàng hóa này xác lập ngay sau lệnh cấm năm 2010 của Nga – nhưng vẫn còn thấp hơn mức kỷ lục 13.345 USD/bushel trong năm 2008. Tương tự, hiện giá gạo cũng còn thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2008.

Ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao về ngũ cốc của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng: “Chúng ta sẽ không rơi vào một cuộc khủng hoảng thực phẩm khác. Nguồn cung gạo vẫn còn dồi dào và nguồn cung lúa mì cũng khá đầy đủ”.

Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá ngũ cốc trong những tuần gần đây có thể khiến giá thực phẩm gia tăng và gây ra những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu thông qua việc châm ngòi cho lạm phát. Đây là mối lo ngại lớn của các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi vì giá thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chuyên gia kinh tế cấp cao Karen Ward của HSBC nhận định: “Những gì mà nền kinh tế thực sự cần ngay lúc này là “sự nghỉ ngơi”. Bất kỳ tín hiệu nào về sức ép lạm phát cũng có thể gây ra khó khăn rất lớn, đặc biệt là khi điều này khiến các thị trường mới nổi ngừng nới lỏng chính sách và ngừng áp dụng các biện pháp thúc đẩy kinh tế.

Jeffrey Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa lạm phát thực phẩm của Trung Quốc và giá đậu nành vì cho tới nay Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Ông nói: “Thế giới đang phụ thuộc vào gói kích thích của Trung Quốc nhưng yếu tố thôi thúc nước này kích thích kinh tế lại là sự vắng mặt của lạm phát”.

Trong khi đó, ông cho biết những gì diễn ra tại Mỹ đang gây sức ép lên giá đậu nành và có nguy cơ đẩy sang giá tiêu dùng. Hơn nữa, dự trữ toàn cầu của một số ngũ cốc vẫn còn thấp đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự trữ ngô toàn cầu sẽ giảm xuống mức chỉ còn đáp ứng được 15% nhu cầu hàng năm, tức gần sát mức thấp kỷ lục.

Hussein Allidina, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Morgan Stanley tại New York cho biết: “Tôi cho rằng vẫn chưa cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng không giống như các năm trước, chúng ta không có nguồn dự trữ đệm để phòng ngừa việc cắt giảm dự báo sản lượng”.

Trước khả năng xuất hiện trở lại của El Niño – hiện tượng từng gây ra hạn hán tại Argentina, Australia và là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng 2007-2008 – vào cuối năm nay, kinh tế thế giới một lần nữa lại phụ thuộc vào thời tiếc.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Tiền Giang: Một số nông dân có nguy cơ mất tiền tỷ (15/07/2012)

>   "Sản lượng càphê toàn cầu sẽ tăng những năm tới" (13/07/2012)

>   THV hợp tác đầu tư trồng 100.000ha cà phê tại Angola (13/07/2012)

>   Cà phê tăng giá nhờ thời tiết xấu (12/07/2012)

>   Atisô Đà Lạt trước nguy cơ xóa sổ (11/07/2012)

>   Doanh nghiệp thực phẩm kêu cứu vì thiếu đường (11/07/2012)

>   Tạm trữ hay dự trữ lúa gạo? (10/07/2012)

>   Ngăn chặn thương lái nước ngoài thao túng nông sản (10/07/2012)

>   Thị trường đường bị làm giá (09/07/2012)

>   Giá gạo xuất khẩu xuống thấp: Không để nông dân thua lỗ (06/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật