EU: Le lói hy vọng thoát khỏi khủng hoảng nợ công
Sau 18 hội nghị được coi là gây nhiều thất vọng từ khi khủng hoảng nợ công bắt đầu vì không đưa ra được những giải pháp thật căn cơ, các nhà lãnh đạo châu Âu vừa nhóm họp tại Brussels đã hoạch định một loạt biện pháp ngắn hạn và dài hạn phần nào lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư.
Điểm đáng chú ý nhất là dù được coi là đã nhượng bộ trước sức ép từ Tây Ban Nha và Italy nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn đạt được điều mà Đức kiên trì theo đuổi là phải kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính các nước trong khu vực eurozone.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần 19 của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong các ngày 28-29/6, các lãnh đạo EU đồng thuận cho phép sử dụng quỹ cứu trợ trực tiếp giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn mà không làm tăng thêm gánh nợ cho các chính phủ.
Hành động này nhằm “phá vỡ vòng lẩn quẩn” giữa ngân hàng và chính phủ và quyết định đó sẽ được áp dụng từ ngày 9/7.
Thỏa thuận mới quy định rõ quỹ cứu trợ của châu Âu EFSF sẽ cung cấp cứu trợ theo quy định hiện hành cho đến khi quỹ mới là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) bắt đầu hoạt động vào tháng tới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy gọi quyết định trên là một "bước đột phá". Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh, đồng euro cũng mạnh lên. Quyết định trên cũng là một thắng lợi của Tây Ban Nha và Italy - hai nước có chi phí đi vay đã tăng gần tới mức không bền vững, bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi tiêu và cải tổ thị trường lao động.
Trong khi đó, khi tham gia hội nghị thượng đỉnh lần 19, bà Thủ tướng Đức Merkel khẳng định mọi trợ giúp tài chính từ quỹ cứu trợ châu Âu phải đi kèm với những điều kiện khắc nghiệt. Vì vậy quyết định cho phép các quốc gia đang cải cách kinh tế tiếp cận dễ dàng hơn với quỹ cứu trợ mà không cần những điều kiện nghiêm ngặt được báo chí Đức coi là thất bại của nước này.
Các lãnh đạo EU cũng tán thành việc để quỹ cứu trợ khu vực mua lại nợ chính phủ trên thị trường nhằm tránh chi phí vay tăng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được trao quyền để giám sát hoạt động quỹ cứu trợ cho đến ngày 9/7 và giám sát các ngân hàng châu Âu cho đến cuối năm nay.
Ngoài ra, hội nghị cũng nhất trí dành ra 120 tỷ euro ngay lập tức nhằm kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.
Trong đó, 10 tỷ euro phân bổ cho Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), dự kiến sẽ thu hút thêm các nguồn vốn cho vay khác thêm 60 tỷ euro; 60 tỷ euro từ các quỹ chưa sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và tạo việc làm cho thanh niên; phát hành thí điểm trái phiếu của EU trị giá 4,5 tỷ euro nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải và viễn thông.
Một động thái quan trọng khác tại hội nghị là các lãnh đạo ủng hộ lộ trình Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiến tới liên minh tài chính. Kế hoạch 10 năm này do ông Van Rompuy trình bày, dự định xây dựng cơ quan tài chính chung của châu Âu có quyền lực với chương trình ngân sách của các nước.
Theo các nhà phân tích, châu Âu dường như đã ngăn chặn được thảm họa khủng hoảng, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, nhưng các thị trường đang chờ đợi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có những đảm bảo cho sự thành công của những thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc cuối tuần qua.
Sau khi các nhà lãnh đạo Eurozone đạt được một thỏa thuận mà họ hy vọng sẽ giảm chi phí vay mượn cho Italy và Tây Ban Nha cũng như củng cố hệ thống ngân hàng và bơm hàng tỷ euro vào nền kinh tế châu Âu, ECB tổ chức cuộc họp định kỳ hàng tháng về chính sách vào ngày 5/7 tại Frankfurt (Đức).
Theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank, "nếu kết quả của hội nghị (thượng đỉnh EU) khuyến khích ECB tiến tới hỗ trợ mạnh mẽ cho các thị trường trái phiếu quốc gia thì đây có thể là một thành công lớn."
Trong những tháng gần đây, ECB dường như ngày càng miễn cưỡng thực hiện vai trò của người "lính cứu hỏa" trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ bước sang năm thứ ba liên tiếp.
Kể từ khi khủng hoảng nợ xảy ra, ECB đã thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất và đưa phí cho vay của Eurozone xuống mức thấp kỷ lục 1% và cũng lâm vào một chương trình gây tranh cãi về mua gián tiếp các trái phiếu của những quốc gia đang "ngập trong nợ nần."
Ngoài ra, ECB cũng bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.250 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để tránh tình trạng đóng băng tín dụng nguy hiểm ở Eurozone và nới lỏng quy định về thế chấp mà các ngân hàng cần đáp ứng để vay nợ từ ECB.
Các thị trường chứng khoán châu Á đã đảo chiều đi lên mạnh mẽ trong phiên chiều cuối tuần ngày 29/6 ngay sau khi cuộc họp thượng đỉnh EU thông qua gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng và các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí sẽ sử dụng quỹ hỗ trợ của khối này để trực tiếp cứu nguy cho các ngân hàng đang gặp khó khăn và hạ bớt chi phí vay mượn cho các nước nợ nần - động thái được cho là mở ra khả năng sẽ có một gói cứu trợ khẩn cấp dành cho Tây Ban Nha và Italy.
Đồng euro cũng bật mạnh lên hơn 1,2% sau sự đồng thuận được cho là bất ngờ trên - kết quả của các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài hơn 13 giờ đồng hồ giữa các nhà lãnh đạo của EU.
Vốn không mấy hy vọng vào một kết quả tích cực từ hội nghị thượng đỉnh EU, song các thị trường cổ phiếu đã nhanh chóng bật dậy sau thông tin trên, đưa giá trị các cổ phiếu, từ vùng đỏ vào lúc mở phiên, chuyển sang vùng xanh, với hầu hết các sàn chủ chốt trong khu vực đều tăng mạnh.
Đóng cửa phiên cuối tuần trước, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng khá mạnh, thêm 132,67 điểm (1,50%), lên 9.006,78 điểm (trở lại ngưỡng 9.000 điểm); Kospi của Hàn Quốc tăng 34,83 điểm (1,91%) lên 1.854,01 điểm; S&P/ASX200 của Australia tiến thêm 49,8 điểm (1,23%), lên 4.094,6 điểm.
Anh Quân
Vietnam +
|