ECB sẽ hạ lãi suất tiếp sau thỏa thuận của EU?
Sau phiên tăng điểm ngoạn mục cuối tuần trước, tâm điểm của chứng khoán Mỹ trong tuần này chính là cuộc họp thượng đỉnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và báo cáo việc làm tháng 6.
Bất kỳ phản ứng nào của thị trường trong tuần tới cũng sẽ trở nên trầm trọng thêm bởi khối lượng giao dịch thấp hơn so với bình thường do thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày thứ Tư (04/07) nhân lễ Quốc khánh.
* Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ hơn 2% nhờ thỏa thuận của EU
* EU phê chuẩn hiệp ước tăng trưởng 149 tỷ USD
* Eurozone nhất trí thành lập cơ chế giám sát ngân hàng chung
* Gần 8 tỷ USD bốc hơi khỏi TTCK toàn cầu trước cuộc họp EU
Chủ tịch ECB Mario Draghi
|
Nhà đầu tư sẽ dõi xem liệu ECB có hạ lãi suất sau khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí với các biện pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và hạ chi phí vay mượn cho Tây Ban Nha và Ý. Hầu hết các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo ECB sẽ hạ lãi suất vào ngày thứ Năm (05/07) do bức tranh kinh tế ngày càng u ám.
Tuy nhiên, tỷ lệ phản đối chương trình mua trái phiếu trong nội bộ ECB vẫn còn cao. Được biết trước đó ECB đã nới lỏng các quy định thế chấp để các ngân hàng Tây Ban Nha có thể dễ dàng tiếp cận được tới nguồn vốn của ECB.
Đầu tháng 6, các thị trường chứng khoán cầu cũng bứt phá mạnh nhờ kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ áp dụng thêm một số biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng. Hôm 20/06, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mở rộng chương trình hoán đổi trái phiếu “Operation Twist” nhằm hạ thấp chi phí vay mượn dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư thất vọng khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về việc sớm kích thích tiền tệ.
Tuần này, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sự biến động của lợi suất trái phiếu châu Âu. Tây Ban Nha sẽ tổ chức đấu giá số trái phiếu kỳ hạn 3 năm, 4 năm và 10 năm vào ngày thứ Năm. Đây được xem là một phép thử quan trọng khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha sắp chạm 7%. Pháp cũng sẽ chào bán từ 7-8 tỷ EUR trái phiếu dài hạn vào ngày thứ Năm.
Liên quan đến tình hình vĩ mô, các số liệu kinh tế trong tuần này bao gồm chỉ số sản xuất của Viện quản lý Nguồn cung (ISM) và chi tiêu xây dựng được công bố vào ngày thứ Hai. Tiếp đó là số đơn đặt hàng nhà máy và doanh số bán xe ôtô vào ngày thứ Ba.
Sau lễ Quốc khánh vào ngày thứ Tư, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận một loạt số liệu kinh tế. Cụ thể là số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp, báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân của ADP và chỉ số lĩnh vực dịch vụ của Mỹ vào ngày thứ Năm.
Ngày thứ Sáu, Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 6. Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo nền kinh tế tạo 90,000 việc làm trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp cùng tháng sẽ duy trì ở mức 8.2%.
Chứng khoán Mỹ khép lại 6 tháng đầu năm bằng phiên tăng điểm bùng nổ trong ngày thứ Sáu khi nhà đầu tư chào đón thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 30 tháng qua tại Eurozone. Kết thúc phiên giao dịch cuối quý 2, chỉ số Dow Jones tăng vọt 2.2% lên 12,880.09 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 2.49% lên 1,362.16 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite leo 3% lên 2,935.05 điểm.
Theo đó, dưới áp lực ngăn chặn sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung Eurozone, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí cho phép hai quỹ giải cứu khu vực bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng yếu kém bắt đầu từ năm 2013 và can thiệp vào thị trường trái phiếu nhằm hỗ trợ các quốc gia khó khăn.
Thông báo chung sau cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày cho thấy, EU sẽ sử dụng linh hoạt và hiệu quả Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) để bình ổn các thị trường và hỗ trợ các quốc gia tuân thủ theo quy định ngân sách của EU.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng chung đối với các ngân hàng Eurozone, một bước đi quan trọng nhằm tiến đến việc thành lập liên minh ngân hàng và giúp đỡ thành viên đang lâm vào khó khăn của khu vực này là Tây Ban Nha.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|