Thứ Sáu, 06/07/2012 16:22

Đông Nam Á: Điểm sáng niềm tin tiêu dùng

Niềm tin của người tiêu dùng tại Thái Lan và Indonesia đã tăng lên trong tháng 6, trong khi nhập khẩu của Malaysia trong tháng 5 vượt trên các dự đoán. Đó là những điểm sáng của kinh tế Đông Nam Á trong bối cảnh mây đen đang phủ bóng lên kinh tế toàn cầu. Cầu nội địa mạnh mẽ bù đắp cho sự yếu ớt của lĩnh vực xuất khẩu chính là nguyên nhân tạo nên những điểm sáng đó.

Được khích lệ bởi giá dầu giảm, lương tối thiểu tăng và căng thẳng chính trị dịu bớt, người tiêu dùng Thái Lan, trong tháng 6 vừa qua, đã tỏ ra lạc quan hơn bao giờ hết, kể từ khi cơn lũ khổng lồ “nhấn chìm” nước này vào cuối năm ngoái. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại đất nước chùa vàng đã tăng lên mức 68,5 từ mức 67,1 của tháng 5.

“Đông Nam Á là nơi thu hút sự chú ý của các nhà xuất khẩu châu Á và của các nhà đầu tư trong năm nay”, Paul Joseph Garcia, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản BPI tại Manila (Philippines) – công ty đang quản lý 17,2 tỷ USD tài sản, nhận xét. “Nếu bạn quan sát Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, bạn sẽ thấy các nền kinh tế này đang được dẫn dắt bởi thị trường nội địa”, Joseph Garcia nói.

Kinh tế Thái Lan thậm chí còn có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi mà hầu hết các lĩnh vực từng bị tấn công bởi “thủy tặc” được kỳ vọng sẽ hoàn toàn bình phục trong quý III này. Bất chấp những vấn đề của toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn tin tưởng nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng như tốc độ dự báo 6% trong năm nay, bỏ xa hầu hết các nước phát triển.

“Dường như đang ngày càng có nhiều quỹ đầu tư hơn rót tiền vào Thái Lan, dù cuộc khủng hoảng nợ châu Âu còn nan giải. Điều đó giúp mọi người bớt đi phần lo lắng và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn”, Saowanee Thairungroj, Chủ tịch Đại học Thương mại Thái Lan – tổ chức công bố các số liệu về niềm tin tiêu dùng, nhận định.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 6 cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, mặc dù giá thực phẩm được dự đoán sẽ tăng vọt sau khi tháng ramadan (tháng ăn kiêng của người Hồi giáo) kết thúc vào tháng 8 tới.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Indonesia trong tháng 6 đã tăng lên mức 114,4 từ mức 109,0 của tháng 5. Những người được hỏi tin rằng, sẽ có nhiều việc làm hơn được tạo ra từ các dự án sắp được Chính phủ triển khai.

Có một chi tiết thú vị, phần nào cho thấy người tiêu dùng tại đất nước vạn đảo này đang lạc quan hơn nhiều thị trường mới nổi khác, là có khá nhiều cư dân trẻ của Jakarta, từ đầu năm đến nay, đã đặt mua xe thể thao Lamborghini đời mới, giá đến 1,2 triệu USD.

“Các nền kinh tế Đông Nam Á có dân số rất trẻ và họ đang gia nhập ngày càng nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu. Những xáo trộn ở châu Âu, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc dĩ nhiên có ảnh hưởng, nhưng các nước này có khả năng kháng cự nhiều hơn các thị trường mới nổi khác nhờ vào cầu nội địa mạnh mẽ”, Garcia nói. “Không giống như các quốc gia túng thiếu tiền mặt ở phương Tây, hầu hết các chính phủ châu Á có hầu bao khá rủng rỉnh và nợ nần tương đối ít, nên có nhiều dư địa hơn để có thể kích thích nền kinh tế nếu nó có dấu hiệu đình trệ”, Chua Hak Bin, một nhà kinh tế của Bank of America-Merrill Lynch tại Singapore, nhấn mạnh.

Các ngân hàng trung ương ở khu vực này cũng có thể nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Điều này lại một lần nữa khác với nhiều quốc gia phát triển, nơi mà lãi suất đã gần như bằng không, không thể giảm hơn được, hoặc nếu có giảm hết thì cũng… chả bõ.

Hiệu quả của chính sách linh hoạt thể hiện rất rõ ở số liệu về thương mại của Malaysia , vừa được công bố hôm 4/7. Theo đó, trong tháng 5, nhập khẩu của nước này đã tăng 16,2% so với đầu năm, gần gấp đôi mức dự đoán của các nhà kinh tế. Cú nhảy vọt này phản ánh sức cầu rất mạnh về các tư liệu sản xuất sau khi Chính phủ Malaysia công bố một loạt các siêu dự án trong các lĩnh vực dầu khí và giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt cao tốc trị giá tới 36,5 tỷ RM (tương đương 11,57 tỷ USD). Cầu nội địa của Malaysia mạnh đến nỗi mà các nhà làm chính sách của nước này đang lo lắng về rủi ro tăng mức nợ của các hộ gia đình hơn là lo lắng về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà đầu tư địa phương cũng như nước ngoài đang thích thú với những gì họ nhìn thấy. Sau nhiều năm than phiền về thị trường chứng khoán “lờ đờ” của Malaysia , nhiều nhà quản lý quỹ đã có cái nhìn mới về nước này. Malaysia đang hứa hẹn sẽ là điểm đến của các vụ IPO hàng đầu châu Á trong năm 2012.

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Trung Quốc bắt đầu thu mua và tích trữ đất hiếm (05/07/2012)

>   Trung Quốc muốn thu gom lương thực toàn vùng Nam Mỹ (04/07/2012)

>   Lỗ nặng vì đầu tư vào tòa nhà cao nhất thế giới (03/07/2012)

>   Vì sao Airbus quyết liệt tiến quân vào đất Mỹ? (03/07/2012)

>   Lòng tin kinh tế Eurozone lại giảm trong tháng 6 (02/07/2012)

>   Khủng hoảng nợ ảnh hưởng thị trường việc làm Đức (01/07/2012)

>   Hàn Quốc xuất siêu lớn nhất trong 21 tháng (01/07/2012)

>   Indonesia giảm 15% chỉ tiêu xuất khẩu năm 2012 (01/07/2012)

>   15 thành phố 'nóng' nhất nước Mỹ trong 20 năm tới (01/07/2012)

>   Cơn bĩ cực của những thành phố phá sản (01/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật