Trung Quốc muốn thu gom lương thực toàn vùng Nam Mỹ
Trung Quốc mới đây đề xuất các nước Nam Mỹ xây dựng các kho lương thực khẩn cấp 500.000 tấn để cung cấp cho nhu cầu lương thực trong nước ngày càng tăng. Lại một bước lấn mới khiến Mỹ không khỏi lo ngại một ngày nào đó sân sau của họ sẽ mất hết vào tay Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thăm trụ sở Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribê (ECLAC) ngày 26-6.
|
Đề xuất này được Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra ngày 26/6 khi thăm trụ sở Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribê (ECLAC). Chi tiết kế hoạch dự trữ lương thực sẽ được tiếp tục bàn thảo, song có thể hình dung rằng nó sẽ hoạt động theo hình thức các nước Nam Mỹ sẽ tích trữ 500.000 tấn lương thực gồm ngô, đậu nành và lúa mì để cung cấp cho Trung Quốc.
Giả sử toàn bộ 500.000 tấn lương thực được qui đổi ra ngô thì sẽ chiếm 28% tổng số lượng nhập khẩu ngô năm 2011 của Trung Quốc, hoặc 39% lượng nhập khẩu lúa mì nếu được tích trữ dưới dạng lúa mì.
Do lo ngại sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức 500.000 tấn trong thời gian đầu, nhưng sẽ tìm cách đẩy mạnh mở rộng qui mô tích trữ trong thời gian tiếp theo.
Đổi lại, Ngân hàng Phát triển Quốc gia Trung Quốc sẽ đầu tư 10 tỷ USD để hỗ trợ khu vực phát triển hạ tầng cơ sở.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng bày tỏ mong muốn tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và khu vực Nam Mỹ lên mức 40 tỷ USD, gấp 2 lần qui mô hiện nay.
Để bàn thảo chi tiết đề xuất này, Trung Quốc kêu gọi sớm tổ chức các phiên thảo luận cấp chính phủ định kỳ và phiên họp đầu tiên giữa hai bên có thể được tổ chức vào năm 2013. Theo một quan chức Chính phủ Trung Quốc, dường như các nước Nam Mỹ sẽ chấp thuận đề xuất của Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm các nước Nam Mỹ cuối tháng trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã ký kết các Hiệp định hợp tác nông nghiệp mở rộng với Brazil, Uruguay, Argentina và Chile; đồng thời đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác nông nghiệp với 50 triệu USD để xây dựng một số viện nghiên cứu lương thực nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp tại khu vực.
Ngoài khoản đầu tư 10 tỷ USD trên, Trung Quốc cũng sẽ thành lập quỹ đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án khác nhau tại Nam Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ bổ sung 2 tỷ USD cho dự án hiện đại hóa đường sắt nối khu vực sản xuất đậu nành lớn ở Argentina tới vùng ven biển, nơi có các cảng biển lớn dùng để xuất khẩu.
Những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm biến Nam Mỹ thành trọng điểm cung cấp lương thực cho mình, mặc dù nơi đây từng được coi là “sân sau của Mỹ”.
Trên thực tế, Trung Quốc là một nước lớn về nông nghiệp và đủ khả năng tự cung cấp lương thực, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu lương thực-thực phẩm đang tăng nhanh do có sự thay đổi về thói quen ăn uống và tiêu dùng.
Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nước này sẽ phải nhập khoảng 22,2 triệu tấn lương thực vào năm 2020, tăng mạnh so với mức 9,76 triệu tấn vào năm 2010, và sẽ vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhập nhiều đậu nành, ngô từ Mỹ trên quan điểm chú trọng cải thiện quan hệ Trung – Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các tranh chấp về thương mại và vấn đề đồng nhân dân tệ liên tục xảy ra, có nhiều ý kiến trong nội bộ Trung Quốc cho rằng cần phân tán các địa điểm nhập khẩu lương thực, tránh phụ thuộc nhiều vào Mỹ để đảm bảo an ninh lương thực.
Ngoài ra, giá lương thực của Mỹ cũng đang có chiều hướng tăng khi hạn hán liên tục xảy ra tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
Trong điều kiện đó, việc tạo ra các khuôn khổ mới cung cấp lương thực sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đạt được bước tiến lớn trong việc thúc đẩy quan hệ với Nam Mỹ và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
Tuy nhiên, việc làm này của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới hai khu vực cũng nhập khẩu nhiều lương thực từ Nam Mỹ là Trung Đông và Đông Nam Á.
H.Phan (Washington Post)
petrotimes
|