Thứ Sáu, 06/07/2012 10:53

Doanh nghiệp: Lạc quan ít, bi quan nhiều

Nhóm phóng viên của TBKTSG đã ghi lại những suy nghĩ của giới doanh nhân vào thời điểm kết thúc hai quí đầu năm 2012. Vẫn có những cái nhìn lạc quan, tin tưởng về triển vọng sắp tới, nhưng phần lớn là sự bi quan.

Lạc quan trong khó khăn

Ông Charpentier Laurent, Tổng giám đốc Ford Việt Nam

Nửa thời gian còn lại của năm 2012 được dự báo sẽ tốt hơn nửa đầu năm nay. Nhận định này dựa trên các cơ sở là mùa bán hàng ô tô thường rơi vào những tháng cuối năm khi nhiều người chuẩn bị mua xe cho dịp Tết. Thực ra, nhu cầu mua ô tô của người dân không thay đổi (người ta chỉ thắt chặt chi tiêu thôi) trong khi các nhà sản xuất lại đang tung ra những dòng xe mới.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm xuống 13-14% từ mức 18-20% của nửa đầu năm nay. Mặt khác, Chính phủ cũng đang chi tiền cho các dự án hạ tầng và một khoản tiền được chi cho lĩnh vực bất động sản, một trong những động lực lớn nhất cho tăng trưởng.

Ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Phần mềm Global Cybersoft

Theo kế hoạch kinh doanh, năm 2012 chúng tôi dự kiến doanh thu của GSC tăng trưởng khoảng 25% so với năm trước. Tình hình kinh doanh sáu tháng đầu năm nhìn chung khá tốt, với những dự án đang thực hiện và các dự án triển vọng trong tương lai gần, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh sáu tháng còn lại sẽ đạt hoặc vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2012. Năm 2012, thị trường lớn nhất của GSC là Mỹ và Nhật Bản.

Về tình hình chung của thị trường gia công, chúng tôi cho rằng ngành gia công phần mềm sáu tháng cuối năm nay sẽ tiếp tục phát triển dù bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro.

Ông Hà Xuân Anh, Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Việt

Trong những tháng qua, để tồn tại chúng tôi đã thực hiện đồng loạt các giải pháp tái cấu trúc lại doanh nghiệp như cấu trúc lại hệ thống nhân sự, cải tiến các quy trình quản lý sản xuất, phát triển thêm nhãn hàng nhắm vào phân khúc thị trường trung bình thấp và tập trung các chính sách mở rộng thêm khách hàng mới, thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi để giải phóng hàng tồn kho.

Bước sang sáu tháng cuối năm 2012, với các gói hỗ trợ của Chính phủ, lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm dần, giá xăng dầu cũng đã giảm, tình hình khủng hoảng tài chính tại châu Âu đang có những chuyển biến tích cực, cùng với việc thị trường trong nước bước vào các dịp lễ, tết mua sắm cuối năm chúng tôi hy vọng tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn.

Bi quan vẫn chưa hết

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt

Tình hình tiêu thụ thép xây dựng trong sáu tháng cuối năm sẽ không có gì khả quan hơn bởi thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, nhiều dự án vẫn chưa thể khởi động. Đặc biệt là xuất khẩu thép sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. Những động thái vừa qua của Chính phủ chưa tạo ra nhiều chuyển biến để cứu ngành thép trong các tháng cuối năm. Do vậy giới doanh nghiệp không kỳ vọng gì nhiều cho việc tiêu thụ thép sẽ khởi sắc trong sáu tháng cuối năm 2012.

Hiện nay nhiều nhà máy thép chỉ sản xuất cầm chừng, khoảng 50% công suất, ngoài ra còn có sáu công ty phải sang nhượng nhà máy cho các doanh nghiệp khác do làm ăn thua lỗ, nợ nần.

Theo tôi, việc quan trọng nhất của Nhà nước hiện nay là làm sao để kích thích tiêu dùng, giảm bớt tâm lý lo ngại của người dân. Tập trung cứu thị trường bất động sản trước, từ đó mới tăng được sức mua cho các loại vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Sáu tháng cuối năm, đối với ngành xi măng cũng không có kỳ vọng gì lớn bởi Nghị quyết 13 (về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh) của Chính phủ cũng chưa triển khai được bao nhiêu, chắc phải hết quí 3 mới phát huy tác dụng. Đến đó, cũng là mùa mưa bão, xây dựng cũng ít đi. Chỉ còn hy vọng cho ba tháng cuối năm, nhưng vẫn không thể nào cứu vãn được tình hình ảm đạm của cả chín tháng đầu năm.

Tổng thể, cả năm 2012 dự báo ngành xi măng sẽ tiêu thụ khoảng 47 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2011. Hiện đang còn tồn khoảng 2 triệu tấn xi măng, nhưng do các nhà máy hạn chế sản xuất để bán hết hàng tồn chứ không phải do tăng cầu từ thị trường. Do sản xuất ra bị lỗ nên hầu hết các nhà máy xi măng đều giảm mạnh sản xuất.

Ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thông Minh (MKSmart)

Năm 2011 và sáu tháng đầu năm có thể nói là thời kỳ cực kỳ khó khăn, chưa từng có trong gần 10 năm hoạt động của MKSmart. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp mạnh buộc các ngân hàng hạ lãi suất huy động và qua đó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế để tiếp cận nguồn vốn mới này không đơn giản và trong nhiều trường hợp nó chỉ là bánh vẽ. Một mặt, các doanh nghiệp phải tìm cách thanh toán các khoản nợ cũ có lãi suất cao. Mặt khác, phải có tài sản bảo đảm khi vay các khoản mới, trong khi đa phần tài sản đã dùng thế chấp cho các khoản vay cũ.

Khi nhu cầu thị trường và giá bán đều đi xuống do cạnh tranh gay gắt, thì dù có khả năng vay với lãi suất ưu đãi như công bố, chúng tôi cũng phải tính toán kỹ trước khi vay. Trong sáu tháng tới, MKSmart sẽ tiếp tục thận trọng để duy trì sản xuất nhằm có thể tăng trưởng khi thị trường hồi phục trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Thị trường bất động sản sáu tháng cuối năm sẽ vẫn khó khăn khi chưa thấy tín hiệu gì khả quan. Thông tin giảm lãi suất một vài phần trăm chưa có tác động gì nhiều tới thị trường, giống như bệnh nặng cho uống thêm một liều vitamin C.

Giảm đơn giá bán và giảm diện tích (chia nhỏ căn hộ) là biện pháp giúp các doanh nghiệp thoát khỏi sự bế tắc của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm, chứ không mong chờ gì vào việc giảm thuế hay giãn thuế của Nhà nước, thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ để tồn tại.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng giám đốc Fiditourist

Tôi có hai mong muốn, đó là kinh tế phục hồi sớm và giá cả ổn định để doanh nghiệp du lịch dễ thở hơn. Trong nửa đầu năm nay, khách du lịch của chúng tôi giảm khoảng chừng 15-20%. Công việc kinh doanh đang rất khó khăn và sẽ khó khăn hơn trong những ngày tới nếu tình hình kinh tế vẫn như hiện tại.

Chính phủ vừa nhận định rằng nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất nên chúng tôi cũng nhen nhóm hy vọng rằng kinh tế có thể sẽ từ từ hồi phục vào cuối năm. Chỉ khi các ngành khác làm ăn được, người dân có thu nhập dôi dư thì du lịch mới khởi sắc.

So với việc sức mua giảm sút thì giá cả cũng là chuyện đau đầu không kém. Vì thế, tôi mong mặt bằng giá cả nói chung và giá của những dịch vụ liên quan đến du lịch như khách sạn, vận chuyển, ăn uống đừng tăng liên tục như hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, giá hàng không nội địa đã tăng hai lần, các dịch vụ khác như giá thuê xe, khách sạn, ăn uống cũng tăng cao mà nguyên nhân đưa ra đều là do giá cả đầu vào cao. Nếu Chính phủ không giải quyết được vấn đề giá thì du lịch nói riêng và các ngành khác nói chung rất khó để phục hồi.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Sớm hoàn thành đề án sử dụng xi măng xây dựng hạ tầng giao thông (06/07/2012)

>   TKV cho vay nội bộ lãi suất 12,5%/năm (06/07/2012)

>   Kiến nghị thu hồi dự án Lọc dầu Cần Thơ (06/07/2012)

>   Doanh nghiệp vận tải biện lý do 'trốn' giảm giá (06/07/2012)

>   Phát triển KCN, KKT: Bao giờ hết rào cản? (05/07/2012)

>   TPHCM: "Không để doanh nghiệp thiếu vốn khi có thị trường" (05/07/2012)

>   Bộ Chính trị cho ý kiến về phát triển KT-XH 4 vùng trọng điểm (05/07/2012)

>   Thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Mỹ Latinh (05/07/2012)

>   Hàn Quốc, Nhật Bản tái nhập khẩu gạo từ Việt Nam (05/07/2012)

>   Thép xây dựng giảm giá nhưng vẫn tiêu thụ chậm (05/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật