Cuộc hôn nhân ngoại của DMC
Thương vụ Công ty CFR International SPA (Chilê) mua 42% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) được xem là một giao dịch thành công trong ngành dược tính đến nay và có nhiều điều mới mẻ ẩn chứa trong đó.
Trước hết, nó đánh dấu trường hợp đầu tiên một công ty dược trong nước có cổ đông chiến lược nước ngoài. Bên cạnh đó, nó cũng mở ra một xu hướng mới của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong nước. Đó là trào lưu các cổ đông hiện hữu là các quỹ đầu tư tài chính lập thành nhóm để chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Đây được xem là một xu hướng tích cực trong bối cảnh thoái trào của hoạt động phát hành riêng lẻ, nhưng nhu cầu của các nhà đầu tư chiến lược cùng ngành lại gia tăng.
Cơ cấu cổ đông của DMC
Vào đúng lúc có người muốn ra
Chuyện ở DMC bắt đầu từ giữa năm 2011, khi nhóm cổ đông gồm 5 quỹ đầu tư là Quỹ đầu tư Chứng khoán Y tế Bản Việt, KITMC Vietnam Growth Fund 2, KITMC Worldwide Vietnam Fund 2, Dragon Capital Vietnam Mother Fund và Amersham Industries Limited muốn rút vốn. Các cổ đông này nắm gần 40% cổ phần của DMC.
Tuy nhiên, với số lượng lớn này, nếu họ chào bán trên sàn, giá có thể không đạt như kỳ vọng.
Ban đầu, có đến 4 nhà đầu tư muốn mua cổ phần của DMC. Nhưng sau khi chọn lựa, cuối cùng chỉ còn 2 nhà đầu tư phù hợp: CFR của Chilê và một nhà đầu tư Nhật. Ông Trịnh Thanh Cần, Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC), nhà tư vấn cho thương vụ trên, cho biết nhà đầu tư Nhật đã đưa ra mức giá khá cao so với CFR nhưng cuối cùng lại không mua. Nguyên nhân là do họ có các điều kiện đòi hỏi DMC phải thay đổi cách thức kinh doanh.
Rốt cuộc, CFR đã mua hết số cổ phần của nhóm nhà đầu tư trên và đã trở thành cổ đông chiến lược của DMC vào đầu năm 2012. Tổng giá trị thương vụ là 302 tỉ đồng, ước tính trên số cổ phiếu niêm yết của DMC thì giá mỗi cổ phiếu vào khoảng 40.000 đồng. Giá cổ phiếu DMC trên sàn tại ngày giao dịch thành công thương vụ là hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy, nhóm cổ đông DMC đã bán được giá khá tốt. Sau khi đạt được một số thỏa thuận cụ thể với Ban lãnh đạo DMC, CFR tiếp tục nâng lượng nắm giữ và đến nay, họ đã nắm khoảng 46% cổ phần DMC.
Ông Cần, HSC, cho biết CFR đã muốn mua cổ phần tại các công ty dược Việt Nam từ lâu nhưng chưa tìm được nơi phù hợp. Sở dĩ thương vụ lần này thành công là vì ở DMC hội đủ nhiều yếu tố mà CFR cần.
Trước hết, DMC nằm trong nhóm các công ty dược niêm yết có quy mô lớn nhất hiện nay, bên cạnh DHG và IMP. Cổ đông DMC muốn bán với lượng cổ phần lớn mà CFR cần. Trong khi đó, cơ cấu cổ đông ở DHG và IMP khá phân tán, dù CFR muốn mua cũng không đủ. Quan trọng hơn là cổ đông lớn ở 2 công ty này chưa phát ra tín hiệu muốn rút vốn. “Còn tại DMC, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành rất ủng hộ vai trò mới của CFR”, ông Cần chia sẻ.
Lợi thế của DMC và chiến lược của CFR
Hợp tác với CFR, ngoài việc được hỗ trợ nâng cao công nghệ sản xuất, DMC còn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng thị phần trong nước.
Trong số 14 công ty dược niêm yết hiện nay, đáng chú ý chỉ có DHG, DMC và IMP. Cùng là nhà sản xuất và phân phối dược phẩm, nhưng DMC lại có những lợi thế riêng. DMC hiện dẫn đầu về các sản phẩm thuốc đặc trị như về tim mạch, tiểu đường cũng như các loại kháng sinh mới. So với các mặt hàng thuốc nhập khẩu, giá của DMC chỉ bằng 60% những loại thuốc đắt tiền nhất.
Đồng thời, DMC cũng sản xuất các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược. “Đây cũng có thể là mặt hàng sẽ được CFR quan tâm phát triển và hỗ trợ xuất khẩu, vì tỉ suất sinh lợi tại nước sở tại cao hơn, bên cạnh các mặt hàng khác”, ông Cần đánh giá.
Về mặt công nghệ, DMC cũng đạt mức cao hơn chuẩn chung của khu vực Đông Nam Á về tiêu chuẩn sản xuất thuốc chất lượng (GMP - WHO). Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... đòi hỏi DMC phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Điều này DMC hoàn toàn có thể trông cậy sự hỗ trợ của đối tác chiến lược mới. CFR là công ty dược lớn nhất Chilê sở hữu những công nghệ hiện đại, sản phẩm của CFR có mặt ở hơn 10 nước khu vực Nam Mỹ.
Về thị phần, DMC đang đứng thứ hai trong nhóm các công ty niêm yết. Công ty có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, giống như DHG và IMP. Cũng vì vậy mà thị phần chủ yếu phụ thuộc vào doanh thu bán hàng. Ông Cần cho rằng sự hợp tác này có thể sẽ giúp DMC tăng thêm doanh thu đáng kể nhờ phân phối thêm các sản phẩm thuốc của CFR. Bởi lẽ, CFR là nhà sản xuất và phân phối lớn nhất Chilê với hơn 720 sản phẩm thuốc các loại.
Nếu như DMC nhìn thấy được nhiều cái lợi khi có đối tác chiến lược thì đối với CFR, mục tiêu chính là theo đuổi chiến lược tăng trưởng qua mua bán và sáp nhập.
Chiến lược này đã có từ những năm 1990 và được cụ thể hóa hơn sau khi CFR niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Chilê năm ngoái. Giá trị vốn hóa của CFR đạt gần 2 tỉ USD với doanh thu năm 2011 là 490 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 24% trong 5 năm gần đây ở Chilê, CFR khó thể tăng trưởng hơn nữa nếu không vươn ra thế giới.
Tiềm năng tăng trưởng khá cao của các doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi như Việt Nam là điểm hấp dẫn chính phục vụ cho chiến lược của CFR. Điều này cũng giải thích vì sao CFR muốn mua hết room cho nhà đầu tư nước ngoài tại DMC.
Thương vụ CFR mua cổ phần DMC được đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay và có thể trong thời gian tới. Bởi theo ông Cần, HSC, các thương vụ mua bán sáp nhập sắp tới trong ngành dược có yếu tố nước ngoài khó tăng trưởng nhanh do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, Việt Nam có nhiều công ty sản xuất thuốc, cả tư nhân lẫn niêm yết. Tuy nhiên, hầu hết các công ty dược Việt Nam đều có quy mô sản xuất nhỏ và công nghệ thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết cùng quy mô với DMC đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài. Cơ cấu cổ đông phân tán cũng là một quan ngại khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn hợp tác chứ không muốn thâu tóm thù địch qua mua gom cổ phiếu trên sàn.
Mặt khác, các công ty tư nhân phù hợp với yêu cầu của họ lại e ngại hợp tác vì sợ bị thâu tóm.
Ngọc Dương
nhịp cầu đầu tư
|