Chứng khoán Đông Nam Á có mức sinh lời cao và biến động thấp
Đông Nam Á, trung tâm của cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997, đem lại mức sinh lời cao nhất cho thị trường chứng khoán châu Á kể từ khi các thị trường toàn cầu phục hồi cách đây 3 năm. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhà đầu tư săn lùng các tài sản an toàn trước những bất ổn từ khủng hoảng nợ châu Âu.
* Trái phiếu châu Á – nơi trú ẩn an toàn mới cho nhà đầu tư
Theo bảng xếp hạng tỷ suất sinh lời phi rủi ro của Bloomberg (Bloomberg Riskless Return Ranking), các chỉ số chứng khoán chính của Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore có mức sinh lời cao nhất trong số các thị trường châu Á – Thái Bình Dương với hơn 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tính đến ngày 17/07/2012. Tất cả 5 chỉ số này đều vượt mặt chỉ số MSCI World Index của các thị trường phát triển về tỷ suất sinh lời đã được điều chỉnh rủi ro. Trong đó, 4 chỉ số của Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng đứng đầu bảng xếp hạng tỷ suất sinh lời phi rủi ro trong vòng 5 năm qua với việc Malaysia có mức độ biến động thấp nhất và Philippines có mức biến động thấp thứ tư.
Ông Timothy Moe, chiến lược gia người Hồng Kông của Goldman Sachs nhận định hôm 26/06 trên kênh truyền hình Bloomberg rằng: “Nhà đầu tư đã đổ tiền vào các thị trường Đông Nam Á và nhận được mức lợi nhận xứng đáng vì những thị trường này thường có tính phòng thủ cao và nhờ vào các động lực trong nước”. Ông cho biết thêm đó là nguồn tăng trưởng tốt hơn so với những gì chúng ta thấy tại các thị trường có tính chu kỳ tại Bắc Á. Xu hướng này sẽ tiếp tục”.
Các Chính phủ Đông Nam Á đã tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu thụ nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực xuất khẩu. Điều này đã bảo vệ các quốc gia khỏi khủng hoảng nợ và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu - hai nguyên nhân dẫn đến sự biến động của các thị trường Bắc Á. Theo số liệu từ Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu 32.9% các mặt hàng sang EU trong năm 2010, thấp hơn so với mức 72.4% trong năm 2000.
Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, trong 3 năm tính đến ngày 17/07/2012, 6 trong số 10 chỉ số biến động nhất thuộc về Bắc Á, trong đó có 4 chỉ số của Trung Quốc. Ngược lại, các chỉ số của Malaysia, Singapore, Philippines và Đài Loan có mức độ biến động dưới trung bình.
Hôm 28/06, ông Alistair Thompson, người quản lý 43 tỷ USD tại First State Investments (Singapore), cho rằng Đông Nam Á là nơi nhà đầu tư có thể tìm thấy các công ty có chất lượng tốt nhất với mức giá hấp dẫn nhất. Động lực đến từ trong nước nhiều hơn. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không thay đổi danh mục tại Đông Nam Á cho tới khi chúng tôi tìm được khoản đầu tư có giá trị tốt hơn”.
Chỉ số chứng khoán của Philippines có tổng mức sinh lời cao thứ hai với mức độ biến động thấp thứ 5 nên tỷ suất sinh lời đã được điều chỉnh rủi ro trong vòng 3 năm qua là 7.2%, mức tăng tốt nhất trong khu vực. Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai với tổng mức sinh lời cao nhất và mức độ biến động trung bình. Singapore đứng ở vị trí thứ 5 với tỷ suất sinh lời đã được điều chỉnh rủi ro là 2.3%.
Tỷ suất sinh lời đã điều chỉnh rủi ro được tính bằng cách lấy tổng mức sinh lời chia cho mức độ biến động, hoặc mức độ biến động giá hàng ngày. Mức độ biến động thấp đồng nghĩa với việc giá của một tài sản không dao động quá mạnh trong một giai đoạn cụ thể, qua đó hạ thấp nguy cơ thua lỗ bất ngờ.
Tăng trưởng mạnh hơn Mỹ và châu Âu
Theo số liệu của Bloomberg, trong vòng 3 năm qua, các nền kinh tế Đông Nam Á đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân hàng quý từ 1.8% tại Thái Lan đến 6% tại Singapore, bỏ xa mức tăng trưởng 0.6% của Mỹ và mức suy giảm 0.3% tại Eurozone.
Trong báo cáo công bố tháng 4/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng 5 nền kinh tế Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam cùng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt mặt các nước còn lại trên thế giới trong vòng hai năm tới. IMF dự báo khu vực ASEAN-5 sẽ tăng trưởng 6.2% trong năm 2013, cao hơn mức 2.4% của Mỹ, 0.9% của Eurozone và 1.7% của Nhật Bản.
Chính tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đã trở thành động lực tăng điểm cho thị trường chứng khoán và dẫn đến mức định giá cao hơn. Chỉ số MSCI Đông Nam Á đã tăng 13% trong năm nay, bao gồm cả cổ tức và đã tăng gấp đôi so với thời điểm 2008. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương cũng tăng 3.8% trong năm 2012 và 43% so với cuối năm 2008.
Những doanh nghiệp được hưởng lợ từ nỗ lực thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của các Chính phủ Đông Nam Á là Big C Supercenter Pcl – công ty bán lẻ lớn thứ hai của Thái Lan, Robinsons Land Corp. – nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn thứ hai Philippines và Dutch Lady Milk Industries Bhd. của Malaysia. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các công ty này đã tăng vọt hơn 50%.
Tiếp đó, cổ phiếu của PT Unilever Indonesia, công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, tăng 28% trong năm nay, mạnh hơn mức tăng 6.8 của chỉ số Jakarta Composite. Cổ phiếu của UMW Holdings Bhd., nhà lắp ráp xe cộ của Toyota Motor tại Malaysia, tăng vọt 42% và là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI.
Giới phân tích dự báo các doanh nghiệp thuộc chỉ số MSCI Đông Nam Á sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu 14.2% trong năm nay, cao hơn so với mức 13.1% của các doanh nghiệp thuộc chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương. Số liệu cho thấy các doanh nghiệp Đông Nam Á tạo ra lượng tiền mặt bình quân là 78.79 USD/cp, cao hơn nhiều so với mức 18.72 USD/cp của chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Jessada Sookdhis, người đang quản lý khoảng 632 triệu USD và là Giám đốc đầu tư của CIMB-Principal Asset Management Co. Ltd. tại Bangkok nhận định: “Chúng tôi rất lạc quan về Đông Nam Á vì các thị trường chứng khoán khu vực rất linh hoạt. Chúng tôi dự báo các thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn so với các thị trường châu Á. Tiêu thụ nội địa sẽ tiếp tục là động lực lớn nhất đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, ông Markus Rosgen, chiến lược trưởng người châu Á của Citigroup tại Hồng Kông cho biết hôm 26/06 rằng Đông Nam Á có khó thể duy trì được đà tăng trưởng mạnh do định giá cao và những tiến triển trong việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu sẽ khiến nhà đầu tư đổ tiền trở lại vào các tài sản rủi ro. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên chuyển sang khu vực Bắc Á thay vì tiếp tục đầu tư cao hơn bình thường vào các thị trường phòng thủ như Đông Nam Á.
Hiện P/E forward của chỉ số MSCI Đông Nam Á là 13.9 lần và được giao dịch cao hơn 18% lần so với chỉ số MSCI châu Á, mức cao kỷ lục kể từ khi Bloomberg thu thập số liệu này vào tháng 10/2009.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|