Dow Jones giảm một mạch 6 phiên
Nỗi lo sợ về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và kết quả lợi nhuận doanh nghiệp thất vọng đã đè nặng lên thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư lo ngại các NHTW toàn cầu không thể hoặc không muốn kích thích kinh tế mặc dù tăng trưởng vẫn còn ảm đạm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục hứng chịu sức ép từ lời cảnh báo của một số công ty lớn trong ngành với chỉ số S&P công nghệ giảm sâu 3.5%. Tập đoàn Infosys của Ấn Độ chính là doanh nghiệp mới nhất cảnh báo về doanh thu ảm đạm khi cho rằng bất ổn kinh tế toàn cầu đang tác động đến chi tiêu vào lĩnh vực này. Cổ phiếu Infosys niêm yết tại Mỹ lao dốc 11.2% xuống 38.75 USD/cp sau khi rớt xuống mức thấp mọi thời đại 38.12 USD/cp vào đầu phiên.
Trong khi đó, dù nhận được sự hỗ trợ từ cổ phiếu của Procter & Gamble và Merck & Co nhưng Dow Jones vẫn giảm điểm phiên thứ 6 liên tiếp.
Tâm lý thị trường nhìn chung khá bấp bênh, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp ngày thứ Năm và biên bản họp tháng 6 của Fed hầu như cũng không có bất kỳ manh mối nào về việc kích thích kinh tế. Các động thái này cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn còn thận trọng trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 31.26 điểm (0.25%) xuống 12,573.27 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 6.69 điểm (0.5%) xuống 1,334.76 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 21.79 điểm (0.75%) xuống 2,866.19 điểm.
Kể từ mức đóng cửa ngày 03/07 đến nay, Dow Jones đã giảm 2.9%.
Khoảng 6.46 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm nay là 6.85 tỷ cổ phiếu.
Trên sàn New York, số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng với tỷ lệ 19/11. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 3/2.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 12/07:
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|