Bài học từ hạt tiêu
Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nước ta tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù kim ngạch xuất khẩu có mức tăng cao nhưng giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, nhân điều, chè… lại giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011.
Ngược với giá xuất khẩu giảm của các ngành hàng, giá tiêu xuất khẩu tăng liên tục từ năm 2008 đến nay. Giá tiêu 6 tháng đầu năm 2012 tăng 26,4% so với năm 2011, tăng 117,6% so với năm 2010 và tăng đến 193% so với năm 2009 làm nhiều ngành khác... phát thèm! Hiện Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về hồ tiêu, chiếm 50% sản lượng thế giới.
Giải thích điều này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết nông dân trồng tiêu đã thông minh hơn trước rất nhiều khi họ biết “làm giá” với tiêu, chỉ bán khi giá cao và giữ lại hàng nếu giá xuống thấp. Nhiều người còn chọn tiêu là hàng hóa cất để dành, đầu tư chờ giá lên. Các thông tin về diễn biến giá thế giới cũng được nông dân cập nhật rồi tự mình quyết định, không để các doanh nghiệp ép giá. Nếu 5 năm trước, giá tiêu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg thì nay đã lên tới 120.000 đồng/kg.
Chuyện về hồ tiêu đã lan sang cà phê khi năm thứ hai liên tiếp người dân áp dụng biện pháp “chờ được giá mới bán”. Hiện nay, nếu giá cà phê dưới 40.000 đồng/kg, nông dân sẽ không bán mà găm hàng. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng tốt cần được phát huy bởi khi nông dân tham gia làm kinh doanh họ sẽ chủ động được giá, tránh tình trạng bị ép giá, thua thiệt đủ đường.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, điều tiết được thị trường hồ tiêu là một thắng lợi của ngành trong 2 năm qua, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nhờ sự liên kết của người dân, hiệp hội…
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo Hiệp hội Hồ tiêu nên điều tiết cả về diện tích trồng tiêu, đừng để tăng trưởng quá nóng khi người dân thấy lợi mà đổ xô qua trồng tiêu.
Thái Phương
Người lao động
|