Vì sao nên đổi năm tài chính? Trong lúc đa số các công ty niêm yết đều chọn niên độ tài chính trùng với năm Dương lịch, tức bắt đầu từ ngày 1.1 và kết thúc vào 31.12 hàng năm, cũng có không ít công ty đặt niên độ tài chính khác với thông lệ. Mục đích của họ là gì? Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có thể được xem là đơn vị đổi niên độ tài chính sớm nhất. Từ trước năm 2008, niên độ tài chính của công ty này là từ ngày 1.4 đến ngày 31.3 năm sau, nhưng sau đó đã đổi thành ngày 1.10 đến 30.9 năm kế tiếp. Ngoài Hoa Sen, Hữu Liên Á Châu (HLA), Công ty Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (TIX), Công ty Cổ phần Đầu tư CMC (CMC), Công ty Kho vận Giao nhận Ngoại thương TP.HCM (TMS)… cũng là những công ty đã đổi niên độ tài chính. Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thay đổi niên độ tài chính. Giống như Hoa Sen, công ty cùng ngành tôn thép là Hữu Liên Á Châu cũng chọn niên độ tài chính từ ngày 1.10 và đến 30.9 của năm kế tiếp. Theo ông Phạm Trần Ái Trung, Giám đốc Tài chính Hữu Liên Á Châu, đổi niên độ tài chính trước tiên để phù hợp với mùa vụ kinh doanh. Trong ngành thép, mùa cao điểm thường rơi vào tháng 3. Đến mùa mưa, thường vào các tháng 6, 7, thì nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh và xem như kết thúc một chu kỳ kinh doanh. Do đó, họ chọn tháng 9 để kết toán sổ sách. Tuy nhiên, mấy năm gần đây chu kỳ kinh doanh không còn là lý do chính để các công ty thay đổi niên độ. Xu thế bán hàng đã không còn theo quỹ đạo mùa vụ như trước đây. Thép là sản phẩm “ăn theo” bất động sản, ngành này đóng băng khiến chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp thép cũng thất thường. “Tháng 6, 7, 8 mọi năm thường bán ế, nhưng năm rồi bán rất được”, ông Trung nói. Thay vào đó, thay đổi niên độ tài chính chủ yếu để giúp doanh nghiệp tránh một số rắc rối về thủ tục hoặc sự thay đổi chính sách vào cuối năm. Đối với doanh nghiệp niêm yết, ngày 31.12 là thời điểm phải nộp báo cáo cho các cơ quan quản lý như Sở Giao dịch Chứng khoán, cơ quan thuế… Cũng thời điểm này, doanh nghiệp phải giải quyết các vấn đề nội bộ như lương thưởng, nghỉ phép… Đặc biệt, các quy định của cơ quan quản lý về điều chỉnh hoạt động kinh doanh (như trích lập dự phòng, đánh giá lại các khoản đầu tư…) thường có hiệu lực vào cuối năm. Vì vậy, nếu kết sổ sớm, kết quả kinh doanh sẽ dễ bị ảnh hưởng. Một lý do khác cũng khá quan trọng là đa số doanh nghiệp kết thúc niên độ tài chính vào 31.12 nên nhu cầu kiểm toán cũng trở thành cao điểm. Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kế toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), cho biết, thông lệ quốc tế về năm tài chính thường không tập trung vào cuối năm như Việt Nam. “Ngày bắt đầu hoặc kết thúc năm tài chính ở nhiều nước có thể là ngày sinh nhật của ông Tổng Giám đốc”, ông nói. Ở Việt Nam, khi nhà đầu tư nước ngoài bắt tay với doanh nghiệp trong nước ngày càng nhiều, chế độ này cũng dần thay đổi. Hiện nay, Việt Nam chấp nhận 4 loại năm tài chính, mỗi năm gồm 12 tháng và bắt đầu bằng ngày đầu tiên của tháng đầu quý (ngày 1.1, 1.4, 1.7 và 1.10). Bộ Tài chính cũng chấp nhận năm tài chính 13-14 tháng nhưng trường hợp này rất cá biệt. “Thay đổi năm tài chính không những mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích mà còn có lợi cho thị trường”, ông Mai nói. Chẳng hạn, nếu tất cả các công ty niêm yết cùng lúc công bố thông tin tốt hoặc xấu sẽ tạo hiệu ứng tăng giảm đồng loạt, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, đổi niên độ tài chính là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên, theo số liệu ông được biết, trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp hiện nay, có chưa tới 10% thay đổi năm tài chính. Phải chăng doanh nghiệp đang lãng phí một công cụ tài chính rất đơn giản mà hiệu quả? Giản Phúc nhịp cầu đầu tư
|