SHS: Thực trạng tài chính của một cổ phiếu đầu cơ “hạng nặng” Cuối tháng 09/2012, SHS sẽ phải đáo hạn 250 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho SHB. Đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu này xem như đã thất bại hoàn toàn. Cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) thường xuyên giao dịch hơn 1 triệu đơn vị/phiên và là một cổ phiếu đầu cơ “hạng nặng”, mang tính chỉ dấu thị trường cao trên HNX. Tuy vậy, dường như giới đầu cơ đã bỏ qua thực trạng tài chính không mấy tích cực của CTCK này. Quý 1: Lợi nhuận đạt 40.5 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng 54.6 tỷ đồng Tổng doanh thu quý 1/2012 của SHS đạt 41.9 tỷ đồng, tăng nhẹ 7.4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động môi giới cải thiện khi đạt hơn 4.9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 2.1 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt 7.7 tỷ đồng, tăng 73%; trong khi đó doanh thu hoạt động khác sụt giảm 10.2%. Cơ cấu doanh thu không thay đổi khi vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động khác, đạt 28.7 tỷ đồng và chiếm 68.5% tổng doanh thu. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng của doanh thu khác đã giảm so với cùng kỳ là 82%. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của SHS đạt 40.5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (âm 48.3 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của SHS chưa thực sự khởi sắc do khoản lợi nhuận có được chủ yếu nhờ hoàn nhập khoản dự phòng chứng khoán tự doanh gần 54.6 tỷ đồng. Nếu loại bỏ khoản mục này thì SHS sẽ lỗ hơn 14 tỷ đồng trong quý 1/2012. Như vậy, có thể thấy hoạt động hiện tại của SHS thực chất vẫn chưa được cải thiện khi doanh thu thực vẫn chưa đủ bù đắp các chi phí phát sinh. Tăng đầu tư ngắn hạn hơn 50 tỷ đồng trong quý 1/2012 Trong quý 1, SHS gia tăng hơn 50 tỷ đồng trong khoản đầu tư ngắn hạn lên 636.9 tỷ đồng, từ mức 586.5 tỷ đồng đầu năm 2012. Các khoản đầu tư ngắn hạn này gồm chứng khoán niêm yết 389 tỷ đồng, chưa niêm yết 229 tỷ đồng và đầu tư khác 18.6 tỷ đồng. Dự phòng đầu tư ngắn hạn là 117.6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18.4% Danh mục chi tiết không được thể hiện rõ trong thuyết minh BCTC quý 1/2012. Tuy nhiên, giới đầu tư đang thảo luận khả năng khoản đầu tư mới của SHS trong quý 1 có liên quan đến HBB, ngân hàng sẽ được sáp nhập vào SHB. SHS không gia tăng khoản mục đầu tư dài hạn trong kỳ. Hiện tổng giá trị đầu tư dài hạn là 66.9 tỷ đồng và dự phòng là 594 triệu đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0.89%. Lượng tiền mặt gia tăng 102.2 tỷ đồng lên 255.6 tỷ đồng vào cuối quý 1/2012. Tuy vậy, trong đó chủ yếu lại là tiền gửi của nhà đầu tư và tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán đạt 157.6 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty chỉ là 98 tỷ đồng, giảm nhẹ 3.3 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh phải thu hợp tác đầu tư, dự phòng ở mức 15.8% Khoản mục phải thu khách hàng gia tăng từ 509.2 tỷ đồng đầu năm lên 585.1 tỷ đồng vào cuối quý 1/2012, chủ yếu do gia tăng khoản mục phải khu khác từ 614.9 tỷ đồng lên 685.8 tỷ đồng. Việc gia tăng của khoản mục phải thu khác là do: (1) Ứng trước tiền bán chứng khoán tăng từ 31.1 tỷ đồng lên 110.2 tỷ đồng. Việc gia tăng khoản mục này ít mang lại rủi ro cho SHS do được ứng tiền trước dựa trên số chứng khoán sẽ về tài khoản. (2) Các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán tăng mạnh 78 tỷ đồng từ 435.8 tỷ đồng lên 513.8 tỷ đồng. Như vậy, SHS đã đẩy mạnh hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán trong giai đoạn thị trường thuận lợi vừa qua. Mặc dù giúp hỗ trợ doanh thu nhưng khoản mục này cũng có thể tạo rủi ro lớn nếu TTCK diễn biến xấu. Hiện SHS vẫn đang có khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi 108.6 tỷ đồng (tương đương 15.8% khoản mục phải thu khác), và có thể liên quan đến việc không thể thu hồi ở các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán này. Một điểm nữa cần đặt câu hỏi trong BCTC quý 1 của SHS là khoản mục tài sản ngắn hạn khác có giá trị 74.3 tỷ đồng không có thuyết minh chi tiết. Theo thuyết minh BCTC kiểm toán năm 2011, khoản mục tài sản ngắn hạn khác này chủ yếu ghi nhận các khoản “tạm ứng”. Con số tại thời điểm 31/12/2011 cũng không hề nhỏ 123 tỷ đồng, trong đó “tạm ứng” là 122.9 tỷ đồng; tuy nhiên sau đó bất ngờ sụt giảm xuống còn 46.5 tỷ đồng vào ngày 01/01/2012. Dấu hiệu khó khăn về dòng tiền. Sử dụng thất bại 250 tỷ đồng trái phiếu? Như đề cập ở trên, kết quả hoạt động của SHS vẫn chưa thực sự khởi sắc trong quý 1/2012. Do đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động chỉ đóng góp 1.46 tỷ đồng và dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm đến 163.8 tỷ đồng. Việc gia tăng đầu tư trong kỳ cũng khiến dòng tiền đầu tư âm 77.7 tỷ đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn, SHS đã vay thêm (giá trị thuần) 250 tỷ đồng trong quý 1, gồm 310 tỷ đồng vay mới và trả nợ gốc 60 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay ngân hàng của SHS cuối quý 1 đã tăng lên 500 tỷ đồng từ con số 310 tỷ đồng đầu kỳ. Với tình hình kinh doanh hiện tại, liệu ai đã can đảm để cho SHS vay mới? Trong những quý tiếp theo, nhiều khả năng khoản chi phí hoạt động của SHS sẽ gia tăng đáng kể do chi phí lãi vay tăng thêm phát sinh từ các khoản vay mới. Cuối tháng 09/2012, SHS sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn khi phải đáo hạn 250 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, một công ty con của SHB. Đáng lưu ý, mục đích chính khi phát hành khoản trái phiếu này của SHS chủ yếu là để bổ sung nguồn vốn để gia tăng đầu tư và phục vụ hoạt động kinh doanh nguồn vốn (giao dịch ký quỹ)… Tổng dự phòng của các khoản mục này vào cuối quý 1 đã lên tới 226.8 tỷ đồng (gồm: dự phòng đầu tư ngắn hạn 117.6 tỷ đồng, đầu tư dài hạn 0.6 tỷ đồng và dự phòng nợ thu khó đòi 108.6 tỷ đồng). Như vậy, có thể thấy rằng đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng 250 tỷ đồng vốn trái phiếu của SHS đã thất bại hoàn toàn. Đức Nguyễn (Vietstock) finfonet
|