Tái cấu trúc thị trường tài chính châu Á
Các hãng thông tấn nước ngoài mấy ngày qua dồn dập đăng tải thông tin nhiều ngân hàng đầu tư, công ty môi giới chứng khoán trên thế giới đẩy mạnh việc cắt giảm nhân viên tại chi nhánh ở châu Á. Theo Reuters, Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), UBS (Thụy Sĩ)… cũng nằm trong danh sách các ngân hàng thực hiện cắt giảm.
David Anzar, Giám đốc Quản lý Công ty Tài chính Pemberton Stewart tại Hồng Công, cho biết lượng nhân viên bị các ngân hàng cắt giảm 5%-7%. Hiện tượng cắt giảm hiện nay là bất bình thường bởi động thái này thường diễn ra vào tháng 11 và 12 hàng năm. “Trong vài tháng tới, làn sóng này sẽ còn lan rộng” - ông Anzar nói.
Thực tế, việc cắt giảm nhân viên tại các ngân hàng ở châu Á diễn ra từ cuối năm ngoái. Vài năm trước, các ngân hàng tuyển người ồ ạt nhằm đón đầu các nhu cầu về tài chính từ sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2012, xu hướng cắt giảm việc làm tại các ngân hàng tăng mạnh khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại, báo hiệu thời kỳ không mấy khả quan tại khu vực được xem là đòn bẩy cho nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, bóng ma nợ công tại châu Âu cũng luôn ám ảnh các ông chủ nhà băng. Nếu trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng chỉ cắt giảm số lượng nhân viên phổ thông thì hiện tại, các nhân viên cấp cao cũng không nằm ngoài chính sách cắt giảm vì các chủ doanh nghiệp không còn cách nào khác để cân bằng ngân sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm nhân viên đang diễn ra tại các ngân hàng tại châu Á phản ánh sự yếu kém của thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2012. Theo một số thống kê gần đây, giao dịch thị trường chứng khoán của Nhật Bản giảm 47,5% trong nửa đầu 2012.
Tại Hồng Công, việc phát hành IPO được xem là ì ạch nhất trong 4 năm qua với khối lượng giao dịch giảm 85% trong 5 tháng đầu năm 2012. Cuộc khủng hoảng nợ lan rộng tại châu Âu sẽ khiến hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt với sự thay đổi về cấu trúc. Chính vì vậy, nhiều chủ ngân hàng đã giảm bớt sự hứng thú với thị trường châu Á.
Dù vậy, bà Lister, cựu Giám đốc Ngân hàng Societe Generale, vẫn tin rằng châu Á là địa chỉ tốt nhất cho các hoạt động tài chính. Theo bà Lister, việc tìm kiếm cơ hội việc làm ở các công ty tài chính lớn có thể gian nan, nhưng các công ty tài chính nhỏ vẫn luôn mở rộng cửa chào đón người tìm việc. Chris Leahy, đồng sáng lập Công ty Tư vấn kinh tế chiến lược Blackpeak, cho biết 3 tháng qua họ vẫn tiếp tục lùng sục các ứng viên cho vị trí giám đốc quản lý. Nhiều chuyên gia về kinh tế vẫn tiếp tục gửi trọn niềm tin vào châu Á.
Tại diễn đàn kinh tế St Peterburg, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Aleksei Kudrin cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm nữa sẽ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Kudrin cũng chỉ ra mặt trái của nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là các ngân hàng châu Á đã phát hành lượng lớn các khoản tín dụng cho các đối tác châu Âu và bây giờ chính các chủ nợ lại bị phụ thuộc trực tiếp vào tình hình ở lục địa già.
Đỗ Cao
sggp
|