Siết tín dụng: "Lửa" thử nhà đầu tư BĐS Sau hơn 1 năm bị ngân hàng siết tín dụng, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nhiều doanh nghiệp dưới sức ép của nợ nần từ tiền vay ngân hàng đã không thể chịu đựng được và buộc phải loại mình ra khỏi cuộc chơi. Số doanh nghiệp còn trụ lại được trong bối cảnh này đều là những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và ổn định. Lửa thử vàng Nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm tra được sức khỏe của chủ đầu tư thông qua tiến độ xây dựng tại các dự án bất động sản. Tại Hà Nội, trong khi nhiều công trình đang phải trùm mềm vì chủ đầu tư không có tiền để triển khai tiếp và đang chờ tìm đối tác để bán...thì ngược lại vẫn có những dự án được rầm rộ thi công suốt ngày đêm để kịp với tiến độ bàn giao nhà. Cùng nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài nhưng dự án Parkcity sau 2 năm khởi động hiện vẫn khá hoang tàn. Toàn bộ dự án rộng 77 héc-ta phần lớn vẫn để hoang cho cỏ mọc. Tại khu nhà thấp tầng tiểu khu 1, gói thầu đầu tiên đã được đơn vị thi công làm xong phần móng từ tháng 10/2011. Theo kế hoạch, dự án tiểu khu này sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào quý I/2013, nhưng đến nay, tiến độ toàn bộ gói thầu vẫn giậm chân tại… phần móng. Vì vậy, công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép han gỉ. Dự án Park City triển khai xong phần móng rồi nghỉ | Hay như dự án Usilk –City do Sông Đà Thăng Long là chủ đầu tư giờ trong cạnh hoang tan. Sau nhiều năm triển khai, hiện dự án vẫn còn nhiều tòa chung cư đang xây dựng dở dang buộc phải ngừng thi công do cạn vốn. Dự án Usilky City là quần thể 13 toà tháp từ 25 đến 50 tầng với 3 sàn bán lẻ liên thông xuyên suốt cả 13 toà tháp. Nhưng trong số 13 tòa tháp của dự án cho đến nay mới chỉ có 5 tòa đang được hoàn thiện, 8 toàn còn lại đều trong tình trạng “đắp chiếu”. Từ trên nhìn xuống khu đất của tòa 50 tầng CT1 vẫn sâu hun hút chỉ nhô được những cột bê tông với tua tủa những thanh thép của phần đáy móng. Trong khi kế đó, dự án khu đô thị mới An Hưng, sau 2 năm triển khai xây dựng, hiện toàn bộ các dãy nhà biệt thự, liền kề đã xây dựng xong và đã bàn giao một phần căn hộ cho khách hàng. Tại công trường xây dựng, các nhà thầu vẫn đang tập trung hoàn thành nốt các hạng mục còn lại như hồ điều hòa, trồng cây, lát nền đường...để bàn giao nhà cho khách hàng. Từ sự tương phản rõ nét trên, nhiều ý kiến cho rằng sau 2 năm đương đầu với tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế, điều tích cực mà thị trường có được trong lúc này đó chính việc thanh lọc các đối tượng tham gia, đặc biệt các chủ đầu tư không chuyên nghiệp. Còn với những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh ổn định, sử dụng vốn đúng mục đích và ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng sẽ phát triển bền vững.Ngoài ra, thị trường cũng đã ghi nhận được sự chuyển biến tích cực khi có sự cạnh tranh gay gắt về giá theo hướng giảm dần. Không đầu tư dàn trải Có thể thấy, phần lớn các dự án thành công trong thời gian qua đều có chung một điểm đó là chủ dự án không có chiến lược đầu tư dàn trải. Mọi nguồn vốn thu được từ khách hàng, vốn tự có của chủ đầu tư đều được dồn cả cho dự án. Bà Nguyễn Minh Hồng -Ủy viên Hội đồng quản trị công ty CP Đầu tư Mai Linh cho biết, việc thu xếp dòng tiền ổn định cho dự án là yếu tố tiên quyết để mang lại sự thành công cho doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều dự án được chào bán với mức giá rất rẻ nhưng doanh nghiệp này quyết định không mở rộng đầu tư mà chỉ tập trung vào thực hiện dự án của mình. Đại diện một chủ đầu tư khác cho biết, trong lúc này việc đẩy nhanh thi công công trình đang gặp rất nhiều thuận lợi vì huy động được tối đa nguồn máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu tốt với giá cạnh tranh và nhân lực thi công chất lượng cao của các nhà thầu. Việc công trình hoàn thành đúng tiến độ trong lúc này sẽ giúp chủ đầu tư nắm bắt được cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. Bởi với số lượng các chủ đầu tư bị thanh lọc nhiều như hiện nay thì nguy cơ trong thời gian ngắn việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản chắc chẵn sẽ xảy ra. Theo đánh giá của ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS, bức tranh chung của thị trường bất động sản vẫn là vấn đề khó khăn về vốn. Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS cần sử dụng nguồn vốn huy động đúng, hợp lý, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, doanh nghiệp phải phân tích tài chính đầu tư dự án, xây dựng chiến lược đầu tư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản trị rủi ro doanh nghiệp, hoàn thiện công tác quản trị rủi ro với các kịch bản xấu nhất để tính toán dòng tiền mặt cho dự án. Anh Đào vnmedia
|