Thứ Sáu, 15/06/2012 15:37

Lục đục lớn trong nội bộ Vivendi

Vivendi Universal, tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, giải trí, truyền thông… lớn của Pháp đang trải qua cơn sóng gió khi nhiều thông tin tiết lộ, nội bộ Ban lãnh đạo Tập đoàn đang có dấu hiệu lục đục, thể hiện sự thiếu thống nhất trong chiến lược đầu tư và sắp xếp nhân sự cấp cao ở các công ty thành viên.

Đầu tuần này, có nguồn tin là Vivendi muốn bán đi toàn bộ 61% cổ phần của Activision Blizzard do Tập đoàn sở hữu. Đây là một công ty ở Mỹ chuyên sản xuất video game, trong đó có một số sản phẩm đang được ưa chuộng như Call of Duty, World of Warcraft… và làm ăn có lãi. Activision Blizzard là công ty thành viên lớn thứ 4 của Vivendi, với doanh thu năm 2011 đạt 4,76 tỷ USD.

Vivendi hiện có nhiều công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, như Canal + (truyền hình); Universal Music Group (âm nhạc, giải trí); Activision Blizzard (video game); viễn thông (SFR, Maroc Telecom)…

Trong phiên giao dịch ngày 12/6/2012, tại Sở GDCK Paris (Pháp), giá cổ phiếu của Vivendi đã tụt xuống 13,0 euro/cổ phiếu, mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Như vậy, giá trị vốn hoá thị trường của Vivendi đạt khoảng 17 tỷ euro.

Được biết, ngày 22/6 tới, ban lãnh đạo của Vivendi sẽ họp bàn để đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ bán cổ phần nào, công ty thành viên nào nhằm ổn định danh mục đầu tư của Tập đoàn.

Ông Will Smith, chuyên gia phân tích của Công ty Jefferies & Co nhận xét, Vivendi nên bán cổ phần tại Maroc Telecom (Morocco) đi hơn là bán cổ phần của Activision Blizzard.

Thực ra, chuyện bán dần tài sản để thu hồi vốn ở Vivendi đã kéo dài suốt 10 năm qua. Đây là việc giải quyết hậu quả do Jean-Marie Messier, nguyên Giám đốc điều hành (CEO) để lại. Trong các năm (2000- 2002), ông này đã ôm mộng lớn muốn đưa Vivendi trở thành tập đoàn đa ngành tầm cỡ thế giới, nên đã đầu tư tới 77 tỷ USD để thực hiện nhiều vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn. Hệ quả là, Vivendi bị nợ đầm, nợ đìa và ông Jean-Marie Messier đã bị mất chức từ năm 2002. Lên nắm quyền lãnh đạo, ông Jean- Bernard Lévy buộc phải giải quyết dần hậu quả, bằng cách bán dần đi các khoản đầu tư kém hiệu quả trước đây để thu hồi vốn. Năm 2009, ông đã bán toàn bộ 20% cổ phần của NBC Universal, tập đoàn sở hữu kênh truyền hình và studio sản xuất phim ở Hollywood cho Tập đoàn General Electric Co (Mỹ), với giá 5,8 tỷ USD…

Thế nhưng, các vụ bán tài sản này vẫn chưa làm hài lòng các cổ đông, vì chỉ mới thu hồi được một phần số tiền “bị ném qua cửa sổ” trước đây.

Cuối tháng 4 vừa qua, 67 nhà đầu tư, cổ đông lớn của Vivendi ở Mỹ và Pháp đã tiếp tục kiện ông Jean-Marie Messier đòi bồi thường 644,5 triệu euro vì kiểu đầu tư tràn lan, vung tay quá trán trong thời gian từ năm 2000 đến 2002.

Theo một số nguồn tin, ngay trong đội ngũ lãnh đạo, Chủ tịch Jean-René Fourtou và CEO Jean- Bernard Lévy cũng chưa “hợp đồng tác chiến với nhau”, nếu không muốn nói còn có biểu hiện tạo bè, kéo cánh đối địch nhau.

Le Point, một trong những tạp chí hàng đầu của Pháp số ra mới đây đã dành hẳn một bài báo dài 4 trang với cái tít nguyên văn tiếng Pháp: Qui veut faire tomber l’empire Vivendi? (tạm dịch: Ai muốn làm cho đế chế Vivendi suy thoái?).

Bài báo đã nêu ra một số ví dụ để chứng minh việc “bằng mặt mà chẳng bằng lòng” giữa 2 lãnh đạo chóp bu này của Vivendi.

Đầu năm nay, Free Mobile, mạng di động giá rẻ mới xuất hiện tại Pháp. Đây là một công ty con thuộc Tập đoàn Iliad. Ông Thomas Reynaud, Giám đốc Tài chính Free Mobile đặt ra mục tiêu đến năm 2014 chiếm được 5% thị phần ở Pháp. Theo số liệu của Hãng Wireless Intelligence, Pháp hiện có 63,35 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Orange là số 1, với 46,6% thị phần; SFR (thuộc Vivendi) nắm 35,5% thị phần, 17,9% phần còn lại thuộc về Bouygues Telecom. Trong quý I/2012, SFR đã mất 287.000 thuê bao vào tay Free Mobile. Sự việc cũng chưa có gì nghiêm trọng, nhưng không hiểu sao, ông Frank Esser, CEO SFR đã bị mất chức. Ông Jean- Bernard Lévy tạm đảm nhiệm luôn quyền CEO SFR.

SFR là công ty thành viên đóng góp nhiều nhất vào doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn. Doanh thu năm 2011 của SFR chiếm tới 40% doanh thu của Vivendi.

Ông Jean- Bernard Lévy muốn bàn giao chức này cho một đệ tử của mình là ông Bertrand Méheut, hiện là CEO Canal + (là người trong nhà), song không được ông Jean-René Fourtou đồng ý. Ngược lại, ông Jean-René Fourtou lại tuyển Michel Combes, CEO Vodafone Europe, một người ngoài về giữ chức CEO SFR từ tháng 8 tới. Bất mãn với quyết định trên, ông Bertrand Méheut tuyên bố sẽ ra đi khỏi Canal + vào cuối năm 2013.

Năm 2002, khi Bertrand Méheut tiếp quản Canal +, công ty này bị lỗ 700 triệu euro. Sau gần 10 năm, lợi nhuận trước thuế đã đạt 700  triệu euro.

Điều trớ trêu là, cho dù lục đục nội bộ xảy ra, song lợi nhuận của Vivendi mấy năm nay lại có chiều hướng tăng. Năm 2009 là 2,585 tỷ euro, năm 2010 đạt 2,698 tỷ euro để rồi năm 2011 tăng tới 2,952 tỷ euro.  

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Anh bơm hơn 100 tỷ bảng vào hệ thống ngân hàng (15/06/2012)

>   Nhóm đầu tư thâu tóm Saab (15/06/2012)

>   Người Mỹ đổ lỗi cho chính quyền Bush về suy thoái (15/06/2012)

>   Các nước lên "kịch bản" sau bầu cử lại ở Hy Lạp (15/06/2012)

>   110 năm tù cho nhà đầu tư Mỹ lừa đảo (15/06/2012)

>   Italy-Pháp thống nhất xử lý khủng hoảng Eurozone (15/06/2012)

>   Cộng hòa Síp: “Chúng tôi cần một gói giải cứu” (15/06/2012)

>   World Bank từ chối can thiệp giải quyết khủng hoảng Hy Lạp (15/06/2012)

>   Thất nghiệp ở đâu nặng nề nhất thế giới? (15/06/2012)

>   Soi khủng hoảng kinh tế châu Âu qua Euro 2012 (15/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật