Thứ Năm, 07/06/2012 15:02

Leo thang bảo hộ mậu dịch (kỳ 1): Cá mè một lứa

Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu của thế giới, nhờ đó các nước phân bổ lại hợp lý từ tài nguyên, hàng hóa, tiền tệ đến con người và khoa học, kỹ thuật. Đi cùng xu hướng này, nhiều tổ chức/định chế và hiệp định liên tục ra đời để cổ vũ tự do hóa thương mại như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các vòng đàm phán Doha, các FTA... Tuy nhiên, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày một leo thang.

Hầu hết các nhà chính trị và lãnh đạo trên thế giới đều hô hào cổ súy cho tự do mậu dịch. Tuy nhiên, cũng chính họ - theo phúc trình mới đây của WTO - lại không ngần ngại tung ra các biện pháp bảo hộ để bảo vệ các công ty trong nước trước sức ép cạnh tranh từ nước ngoài.

Xu hướng đáng ngại

Theo phúc trình công bố hôm 31-5 của WTO, xu hướng bảo hộ thương mại ở 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) không hề giảm sút trong 7 tháng qua. Phúc trình cho biết từ giữa tháng 10-2011 đến nay, hòng nhanh chóng phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, các nước G20 đã tung ra 124 biện pháp bảo hộ mậu dịch mới như tự vệ thương mại và tăng thuế quan, tác động đến 1,1% lượng hàng hóa nhập khẩu của G20, tương đương 0,9% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới.

Trong khi đó, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết từ tháng 4-2010 đến tháng 9-2011, các biện pháp bảo hộ mậu dịch khiến kim ngạch xuất khẩu trên thế giới giảm từ 5-8% và kim ngạch mậu dịch toàn cầu giảm khoảng 0,2% (tương đương 30-35 tỷ USD) mỗi năm.

Trước đó, phúc trình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) cho biết từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2010, có tới 692 biện pháp bảo hộ mậu dịch mới được tung ra trên toàn thế giới. Kể từ năm 2009-2011, bình quân mỗi quý có từ 100-134 biện pháp bảo hộ ra đời.

Một phúc trình khác của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong giai đoạn từ tháng 10-2008 đến tháng 9-2011 (3 năm khủng hoảng), hầu như tất cả các nước đều tung ra những biện pháp bảo hộ mậu dịch. Nổi bật nhất là Argentina, với hơn 41 biện pháp mới, nâng tổng số biện pháp bảo hộ mậu dịch của Argentina trong giai đoạn này lên 104.

Kế đó là Nga với tổng số 71 biện pháp bảo hộ, trong đó hơn 10 biện pháp mới. Indonesia và Brazil là những nước tiếp theo trong danh sách này. Thí dụ, Brazil tăng 30% thuế đánh lên một số sản phẩm công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa thấp hơn 65%; hay mới đây nhất, Argentina đã quốc hữu hóa Hãng dầu khí YPF có 75% cổ phần nằm trong tay Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha.

Đánh trống, la làng?

Một trong những nước lớn tiếng hô hào phản đối bảo hộ mậu dịch trong thời gian gần đây là Trung Quốc. Từ cuối tháng 5, trên các mặt báo Trung Quốc có thể thấy nhiều bài viết mang tựa đề kiểu như “Trung Quốc thách thức bảo hộ mậu dịch” (Trung Quốc Nhật báo).

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc Wan Jifei gây chú ý khi lên tiếng chỉ trích bảo hộ mậu dịch là “hành động thiển cận và hẹp hòi”. Ông thêm rằng “chỉ có thương mại tự do mới là động lực cho tăng trưởng kinh tế các nước”.

Tại Diễn đàn cấp cao Trung Quốc-EU ở Brussels (Bỉ) hôm 30-5, ông Zhang Yansheng, Tổng thư ký Ủy ban Phát triển và Cải tổ quốc gia Trung Quốc, cũng có động thái tương tự khi nói ông lo ngại những biện pháp bảo hộ mậu dịch của EU có thể làm tổn thương mậu dịch song phương.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy tuyên bố của Trung Quốc hơi “ngược đời”, vì Bắc Kinh thường bị các nước khác cáo buộc dùng nhiều biện pháp để tạo thế cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường xuất nhập khẩu. Mới đây nhất là việc Trung Quốc bị Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU cùng ký đơn kiện lên tòa án WTO về việc nước này triển khai các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Trước đó, Trung Quốc nhiều lần bị Hoa Kỳ và EU chỉ trích trợ giá cho các công ty xuất khẩu hòng tạo lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, Bắc Kinh từ lâu bị chỉ trích cố kiềm giá đồng NDT ở dưới giá trị thực để khiến hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn. Trong thực tế, phúc trình của EC cho biết Trung Quốc là nước đứng thứ 5 về số biện pháp bảo hộ mậu dịch trong giai đoạn 2008-2011.

Dĩ độc trị độc?

Một điều đáng chú ý, một số nước đã dùng ngay chính “chiêu bài” chống bảo hộ để tung ra các biện pháp bảo hộ. Ngày 17-5, Chính phủ Hoa Kỳ có một động thái thêm dầu vào căng thẳng mậu dịch với Trung Quốc khi tuyên bố áp thuế chống phá giá từ 35-250% đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc.

Theo Nhà Trắng, họ buộc lòng phải tung ra “vũ khí” này vì Bắc Kinh đã trợ cấp mạnh tay cho nền công nghiệp năng lượng mặt trời ở trong nước, dẫn đến việc các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc đã bán các sản phẩm pin mặt trời vào thị trường Hoa Kỳ với giá thành rẻ, tổn hại nghiêm trọng đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Trước đó, ngày 9-5, Washington có động thái tương tự khi quyết định đánh thuế chống bán phá giá từ 30-99% đối với ống thép Trung Quốc nhập khẩu thường được sử dụng trong ngành dầu khí. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, quyết định trên được đưa ra sau một cuộc điều tra phát hiện sản phẩm ống thép của Trung Quốc đang được bán thấp hơn từ 29,94-99,14% so với giá trị thực khi giao dịch trên thị trường Hoa Kỳ.

Ngày 4-3, Hoa Kỳ cũng thông báo áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với gạch magie carbon nhập khẩu từ Trung Quốc. Và dĩ nhiên, lý do của Washington luôn là “vì Bắc Kinh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bán phá giá”.

Tính đến nay, Hoa Kỳ đã áp thuế chống phá giá lên 22 loại hàng hóa Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc đã phản ứng mạnh bằng cách kiện Hoa Kỳ ra tòa án WTO hôm 25-5, cho rằng các biện pháp bảo hộ mậu dịch dưới chiêu bài chống phá giá của Hoa Kỳ khiến nước này thiệt hại khoảng 7,3 tỷ USD.

-------------

Kỳ 2: “Phát xít” kinh tế

Văn Cường

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Giám đốc Sony “hụt tiền” do doanh nghiệp yếu kém (06/06/2012)

>   Canada sẽ có thể là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 (06/06/2012)

>   Đầu tư mạo hiểm: Rót tiền cho những bản sao? (06/06/2012)

>   EU sẵn sàng đàm phán ký kết EPA với Nhật Bản (31/05/2012)

>   Iran hủy hợp đồng thủy điện 2 tỷ USD với Trung Quốc (29/05/2012)

>   Nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm xuống còn 655 tấn (29/05/2012)

>   Eurozone: Chỉ số PMI giảm mạnh nhất ba năm qua (28/05/2012)

>   "Các tập đoàn sẽ thống trị thị trường xuất khẩu" (26/05/2012)

>   Malaysia đặt mục tiêu đạt 17 tỷ USD từ xuất khẩu gỗ (25/05/2012)

>   Thị trường bất động sản Mỹ có dấu hiệu khởi sắc (24/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật