Thứ Ba, 12/06/2012 13:48

Làm "nóng" nền kinh tế "nguội lạnh"

Nhiều người đang trông đợi là Chính phủ sẽ có những chính sách cụ thể làm tăng tổng cầu, kích thích sức mua của thị trường, đặc biệt là hỗ trợ cho DNNVV.

Nền kinh tế "nguội lạnh"

Tại hội nghị “Ngân hàng và đầu tư Việt Nam”, do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Truyền thông tài chính Euromoney Conferences tổ chức, PGS.TS- Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, những giải pháp kiềm chế lạm phát trong thời gian qua đã có dấu hiệu khả quan. Nhưng, dường như lạm phát giảm quá mức khiến nền kinh tế trở nên "nguội lạnh"... Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tới do những nguyên nhân nội tại cũng như bên ngoài khi kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình là cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, đà tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ lạm phát cao...

Liên quan đến vấn đề nguồn vốn, ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho biết, trong thời gian qua, NHNN Việt Nam đã có những chính sách kịp thời về lãi suất. Nhưng một mình chính sách tiền tệ là chưa đủ để "xoay chuyển" tình thế bởi khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là đầu ra cho sản phẩm khi tổng cầu của nền kinh tế suy giảm mạnh. Vì vậy điều mà nhiều người đang trông đợi là Chính phủ sẽ có những chính sách cụ thể làm tăng tổng cầu, kích thích sức mua của thị trường, đặc biệt là hỗ trợ cho DNNVV. Ở chiều ngược lại, nguồn lực quốc gia đổ vào DNNN lại đang ở mức "khủng". Thế nhưng DNNN sử dụng đến 30 - 40% vốn của mình đầu tư ra ngoài ngành dàn trải, dẫn đến, hiệu quả từ thành phần kinh tế này mang lại không như kỳ vọng. Theo chuyên gia Jean Luc Costa - đại diện Tập đoàn bảo hiểm AXA tại Việt Nam, Campuchia và Lào, Chính phủ Việt Nam cần có những động thái kiểm soát sự đầu tư dàn trải của các DNNN. Thời gian qua, Việt Nam đã có những bài học đắt giá về việc buông lỏng quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Chính phủ đã đề ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, giảm lạm phát như thế nào để không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Việc chạy đua theo đuổi mục tiêu lạm phát quá dài, đến khi lạm phát được kiềm chế thì nền kinh tế lại đang có dấu hiệu "nguội lạnh".

Kỳ vọng các nhà đầu tư

Để vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam đang cần "liều thuốc" đủ mạnh, và nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có sự góp sức của các nhà đầu tư. Ông Nick Hayward - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Euromoney Conferences dẫn dắt, sự có mặt đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, diễn giả nổi tiếng thế giới tại hội nghị, là minh chứng cho thấy mặc dù còn nhiều khó khăn song Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Peter Ryder -Tổng giám đốc điều hành Indonchina Capital cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết việc thân thiện, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư của chính quyền địa phương là yếu tố hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý Việt Nam cần cân nhắc giữa sự ổn định kinh tế vĩ mô hay bằng mọi giá phải tăng tốc, bất chấp những rủi ro có thể phát sinh. Sự ổn định kinh tế vĩ mô giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, yên tâm hơn khi "đổ tiền" vào Việt Nam. Ông Marco Breu - Tổng giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cho rằng: Nhà đầu tư luôn quan tâm đến sự ổn định kinh tế chứ không quan tâm đến việc lạm phát được kiềm chế thế nào, hoặc mức tăng trưởng ra sao? Chúng tôi quan tâm đến các vấn đề dài hạn như: Những thuận lợi của tỷ lệ "dân số vàng", cơ sở hạ tầng, tình hình chính trị tại Việt Nam. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hơn nữa thị trường tài chính để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, cần chú trọng việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong quá trình thu hút đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao chính sách thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng thời gian qua. Coi đây là "điểm sáng" của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, mong muốn Chính phủ cần xem Đà Nẵng như một hình mẫu để nhân rộng việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trung Anh - Chí Thiện

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Vì sao Thống đốc Bình và Bộ trưởng Thăng không đăng đàn? (12/06/2012)

>   Rời bỏ Việt Nam (12/06/2012)

>   Sáng nay Quốc hội thảo luận giải pháp ‘cứu’ doanh nghiệp (12/06/2012)

>   Các nhà đầu tư tư nhân lạc quan về kinh tế VN (11/06/2012)

>   Việt Nam là “đầu cầu” của Tây Ban Nha ở châu Á (11/06/2012)

>   Việt Nam có rơi vào bẫy thanh khoản? (11/06/2012)

>   Khó khăn lại trông vào nhà nước? (11/06/2012)

>   Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Công lớn nhưng đầu tư 'hẻo' (11/06/2012)

>   Tránh đi vay để cứu nợ xấu của DNNN (10/06/2012)

>   Thu nhập bình quân của Việt Nam kém Singapore 18 lần (10/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật