Giao dịch vàng “ảo” mà “thật” Dù việc kinh doanh vàng qua tài khoản đã đóng cửa được hơn 2 năm nhưng các sàn vàng chui vẫn âm thầm hoạt động. Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính khá hấp dẫn, dường như những sàn vàng trái pháp luật này vẫn thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm của “google” gõ cụm từ “sàn giao dịch vàng trực tuyến” sẽ có đến vài chục sàn vàng ảo hiện ra. Ai muốn chơi vàng, “em” lo... Để đăng ký tham gia, ngay lập tức các nhà đầu tư sẽ mất 70USD phí đăng ký thành viên, thậm chí có sàn vàng còn thực hiện khuyến mãi tặng ngay 50USD hay 50 EUR cho khách hàng mới tham gia... Đổi lại, các sàn vàng này cũng không quên đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư như: được giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao (1:100, 1:500, thậm chí là 1:1000 có nghĩa nhà đầu tư chỉ cần 100USD có thể giao dịch vàng ở mức 1.000 USD, 5.000 USD hay 10.000USD), không thu phí nạp tiền, rút tiền... người tham gia sẽ được công ty cấp cho một tài khoản, các lệnh mua và bán sẽ được thực hiện online. Vậy, hoạt động của các sàn vàng này ở Việt Nam thế nào? Theo lời kể của một nhà đầu tư vàng có kinh nghiệm, ông Trần Tiến Dũng, hiện tại cũng có đến vài chục sàn vàng, hoặc đại lý của những sàn vàng này đang hoạt động. Nhiều thư điện tử với lời mời gọi tham gia giao dịch vàng qua tài khoản vẫn được công khai gửi tới email của các nhà đầu tư. Thậm chí có những sàn vàng còn tuyển những em “chân dài” đến các sàn giao dịch chứng khoán để mời các nhà đầu tư tham gia giao dịch vàng trực tuyến. Với các lời mời chào hấp dẫn như: “Bây giờ Chính phủ cấm sàn vàng rồi nhưng chúng em vẫn có sàn để các anh giao dịch trực tiếp với nước ngoài để các nhà đầu tư giao dịch bình thường. Kinh doanh chứng khoán không có lợi bằng vàng. Kinh doanh vàng thì lên cũng kiếm được, xuống cũng kiếm được. Nhà đầu tư muốn lấy tiền ra lúc nào cũng được. Rủi ro là không có, bên “em” có cả luật sư lo điều này”. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trên thực tế, việc đầu tư vào các sàn vàng này là khá rủi ro và phần thắng không bao giờ thuộc về nhà đầu tư. Hợp đồng mở tài khoản cũng rất “lung tung”, nhà cái yêu cầu các nhà đầu tư phải chấp nhận những rủi ro như: mất mạng, tài khoản của nhà cái bị phong toả do kiểm tra, kiểm soát, lệnh bán nhiều khi không được khớp lệnh với những lý do mà nhà cái đưa ra là mất điện hay lỗi hệ thống hoặc nếu có bán được thì giá giảm rất sâu so với giá kỳ vọng của nhà đầu tư... thậm chí, nhà cái có thể “thọc” được vào toàn bộ tài khoản của nhà đầu tư mà nhà đầu tư không kiểm soát được. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn rút tiền cũng rất khó khăn. Nói chung, không bao giờ cái lợi thuộc nhà đầu tư, cái lợi duy nhất nhà đầu tư được hưởng đó là cơ hội để “đầu tư”. Mở “sàn thật” để triệt “sàn ảo”? Hơn 2 năm đã trôi qua kể từ ngày sàn giao dịch vàng bị cấm, nhưng câu chuyện “hậu sàn vàng” chưa bao giờ lặng sóng. Và đến nay khi hiện tượng “sàn vàng ảo” tái diễn sôi động, vấn đề này lại được đặt ra với với câu hỏi nóng bỏng: để dẹp tình trạng sàn vàng ảo, cần phải có giải pháp gì? Chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, để quản lý thị trường vàng tốt hơn, nên cho lập sàn vàng. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỷ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng. Hơn nữa, việc này cũng sẽ hạn chế được sự bùng nổ của các sàn vàng chui. Nhiều ý kiến tán thành với ý tưởng này bởi lẽ, thành lập Sở giao dịch vàng có sự quản lý của Nhà nước sẽ là công cụ quan trọng làm cơ sở cho việc giao dịch chứng chỉ vàng - một phương tiện huy động vàng có hiệu quả trong dân. Hơn nữa, sàn giao dịch vàng ra đời sẽ góp phần giảm đáng kể nhu cầu vàng vật chất, gây tốn kém ngoại tệ, làm thâm thủng cán cân thương mại và khó kiểm soát như hiện nay. Ngoài ra, nếu có Sở giao dịch vàng, thì không ai dại gì phải “đánh” vàng trên sàn “chui” làm gì, vừa rủi ro về vốn kinh doanh, vừa rủi ro thị trường, đặc biệt có thể bị phạt nặng nếu bị phát hiện. Với tư cách là công dân Việt Nam, ông Doanh khẩn khoản đề nghị Chính phủ và cơ quan chức năng cần nhận thức được vấn đề này và sớm cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Cùng bàn về vấn đề “quản sàn vàng” trao đổi với phóng viên sáng ngày 10/6, TS.Nguyễn Đại Lai đưa ra một nhận xét khá độc đáo: cái gì “ảo” thì đương nhiên độ rủi ro bao giờ cũng rất cao và hiện tượng sàn vàng chui được đội cái tên mỹ miều “sàn vàng ảo” cũng sẽ như vậy thôi. Tuy nhiên, “ảo” ở đây không hoàn toàn là “ảo” mà rất thật, bởi các lẽ sau: các sàn vàng này loại này đang diễn ra thực sự; người chơi cũng phải có tài khoản và chủ sàn cũng phải có vàng vật chất để đảm bảo. Hơn thế, từ các chủ sàn cho đến người chơi đều phải đau đầu để có những toan tính hơn thiệt, bằng chứng là các nhà “đầu tư” thường không bao giờ dốc toàn bộ vốn liếng vào các hoạt động này mà luôn tính toán “chơi” trong biên độ cho phép. Ví như nếu lãi từ sàn vàng thu được từ 7-8% thì họ cũng chỉ quanh quẩn xung quanh biên độ đấy mà thôi. Còn khi đã lao vào một phen quyết cháy túi với sàn vàng ảo thì đó đã là hoạt động đầu cơ rồi. Còn giải pháp cấm? Cũng theo TS Lai, thật đơn giản, muốn không còn “ảo” thì phải làm “thật”, tức phải mở lại sàn vàng và có những cơ quan cấp quốc gia đứng ra tổ chức, điều hành và quản lý. Sự ra đời của các sàn giao dịch vàng ảo cũng là cách thức được dùng để đẩy giá vàng lên cao. Virtual Metals là một ví dụ, quỹ đầu tư này thông qua 2 sàn giao dịch là Streettracks Gold Shares và iShares COMEX Gold Trust giúp khách hàng có thể đầu cơ vào vàng mà không cần lo nơi cất trữ. Dòng tiền từ hoạt động này lại dùng để mua vàng thật, một dòng tiền phát sinh hai nhu cầu về vàng khiến một lần nữa tạo cầu ảo là nguyên nhân khiến giá vàng tăng giá trong thời gian qua. Thành Tâm - Ngô Hải tbktvn
|