Lúng túng với thị trường vàng Chênh lệch giá vàng tiếp tục kéo dài kèm theo những biến tướng trên thị trường đang khiến mục tiêu ổn định thị trường vàng và huy động hàng trăm tấn vàng trong dân càng trở nên khó khả thi. Doanh nghiệp đang “ép” Ngân hàng Nhà nước? Nửa tháng sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp diễn, thường xuyên ở mức 2 triệu đồng/lượng. Không những thế, quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng (trong khi NHNN chưa chính thức nắm trong tay thương hiệu vàng miếng nào) đang khiến vàng méo, vàng phi SJC bị ép giá thảm hại, thấp hơn 1-2 triệu đồng/lượng so với vàng SJC thông thường, khiến người dân nắm giữ các loại vàng này lỗ nặng. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank cho rằng, việc các thương hiệu vàng phi SJC bị ép giá là không công bằng, gây thiệt thòi cho người dân. “Cần phải đưa giá vàng SJC và vàng các thương hiệu khác về gần nhau. Muốn vậy, NHNN cần quy định cụ thể hơn việc chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng SJC, đây là vấn đề mà Nghị định quản lý vàng lẫn thông tư hướng dẫn chưa nêu rõ”, ông Trúc nói. Lãnh đạo một công ty vàng bạc khác cũng bức xúc cho hay, từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, giá vàng miếng của đơn vị này luôn thấp hơn nhiều so với giá vàng SJC. “NHNN đã tuyên bố không phân biệt vàng SJC và phi SJC. Cùng chất lượng vàng, cùng được NHNN cấp phép sản xuất, nhưng giá cả chênh nhau cả triệu đồng/lượng là vô lý. NHNN cần sớm đưa ra quy định gia công, chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC, đừng để người dân và doanh nghiệp tiếp tục chịu cảnh ép giá như hiện nay”, vị lãnh đạo này nói. Trên thực tế, không chỉ Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), mà hầu hết các doanh nghiệp vàng bạc khác đều ép giá vàng phi SJC, thậm chí cả thương hiệu của chính mình. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vàng đang “ép” NHNN sớm cho phép chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Trên thực tế, không phải bây giờ, mà từ cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp vàng phi SJC đã đòi được chuyển đổi sang vàng SJC, sau khi NHNN phát ra thông báo sẽ độc quyền vàng miếng. Không thể sớm có chuyện chuyển đổi Liên quan đến việc SJC từ chối mua lại vàng miếng bị méo của chính mình, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh của SJC cho hay, đơn vị này đã gửi công văn tới NHNN xin phép được mua và dập lại những miếng vàng bị móp méo trên. Nhiều thông tin cho hay, khả năng, cuối tuần này hoặc đầu tuần sau, NHNN sẽ ban hành văn bản để hợp thức hóa vàng méo SJC trên thị trường. Tuy nhiên, với các thương hiệu vàng miếng khác, lộ trình chuyển đổi chưa được đề cập. Sự thận trọng của NHNN là có cơ sở. Theo một chuyên gia trong ngành vàng, hiện nay, ngoài SJC, NHNN chưa thực sự quản lý được nhiều công ty vàng khác. Vì vậy, nếu cho phép chuyển đổi, vô tình sẽ tiếp tay cho vàng lậu được hợp thức hóa. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước với thị trường vàng. Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, Nghị định 24 có hiệu lực, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao chứng tỏ, trên thị trường có yếu tố đầu cơ, làm giá. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này, NHNN cần có biện pháp mạnh tay hơn, không “nuông chiều” doanh nghiệp nào, có như vậy giá vàng mới được khơi thông. “Ngoài ra, để bình ổn thị trường vàng, NHNN cần nắm được lượng vàng dự trữ lớn trong tay, phải huy động được lượng vàng rất lớn đang nằm trong dân. Khi đó, Nhà nước có thể kinh doanh, thiếu thì nhập khẩu, thừa thì xuất khẩu, có biến động thị trường là lập tức can thiệp ngay”, ông Kiêm nói. Theo dự kiến của NHNN, Đề án Huy động vàng trong dân sẽ được xây dựng xong trong năm 2012, song đến nay, thông tin về đề án này vẫn kín như bưng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của NHNN chỉ nói ngắn gọn: “Đề án này đang trong quá trình xây dựng. Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, động chạm, nên khó có thể khẳng định có thể xây dựng xong trong năm nay hay không”. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, NHNN không nên vội vàng đặt vấn đề huy động vàng trong dân, bởi đụng đến tài sản của người dân là rất nhạy cảm. Hơn nữa, giá vàng thế giới biến động rất khó lường, trong khi dự trữ ngoại tệ của NHNN lại khá mỏng, hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng chưa thật khỏe để đảm bảo tránh rủi ro từ việc huy động vàng. Hà Tâm đầu tư
|