EC đã phê chuẩn khoản 4,5 tỷ euro cho Tây Ban Nha
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 27/6 đã thông qua khoản cứu trợ đầu tiên trị giá 4,5 tỷ euro cho Tây Ban Nha và một khoản bảo đảm trị giá 19 tỷ euro từ phía chính quyền Madrid nhằm cấp tài chính cho chi nhánh ngân hàng Bankia đang gặp khó khăn của Tập đoàn BFA Tây Ban Nha.
Trước đó, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng này đã quyết định dành cho Chính phủ Tây Ban Nha khoản vay lên tới 100 tỷ euro nhằm giúp các ngân hàng nước này đối phó với các khoản nợ xấu do tác động từ bong bóng bất động sản.
Cũng trong ngày 27/6, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo Madrid không thể tự lập được nguồn tài chính trong một thời gian dài nếu cứ phải trả lãi suất cao như nước này phải trả tính theo mức thị trường hiện nay.
Theo ông Rajoy, nếu nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone này rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, gói cứu trợ để cứu nước này chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với những gì châu Âu dành cho Hy Lạp hay Ireland và hậu quả đối với toàn Eurozone là khôn lường.
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đang cân nhắc đề xuất tăng thuế tiêu dùng, năng lượng và bất động sản nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách của chính quyền trung ương hiện đã gần chạm mức trần của cả năm.
Trong 5 tháng đầu năm nay, thâm hụt ngân sách của chính quyền trung ương đã tương đương 3,41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiến sát mức mục tiêu của cả năm là 3,5% GDP. Theo Bộ Tài chính Tây Ban Nha, việc cấp 9 tỷ USD tiền mặt cho các khu vực đang gặp khó khăn đã khiến ngân sách của chính quyền trung ương thâm hụt 36,4 tỷ euro tính đến cuối tháng Năm vừa qua. Mức thâm hụt đó sẽ chỉ là 2,38% GDP nếu không tính tới số tiền này và con số 3,41% GDP là chưa tính tới hệ thống an sinh xã hội của 17 khu vực.
Khi nền kinh tế đã rơi vào suy thoái lần thứ hai trong 3 năm, mục tiêu của Tây Ban Nha trong việc hạ mức thâm hụt nói chung từ 8,5% GDP trong năm ngoái xuống 5,3% GDP trong năm nay vẫn là một thách thức lớn. Tây Ban Nha đang chịu sức ép mạnh mẽ từ các thị trường trái phiếu trong việc kiềm chế thâm hụt ngân sách, khi nước này đang là một trong những nước có mức thâm hụt cao nhất trong số các nước Eurozone.
Trước sức ép đó, Chính phủ Tây Ban Nha có thể sẽ đưa ra một loạt các biện pháp khắc khổ tại Hội nghị thượng đỉnh của EU, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6. Madrid đang cân nhắc dỡ bỏ việc miễn giảm thuế bất động sản, trong khi xem xét đánh "thuế xanh" đối với xăng dầu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Tây Ban Nha đang suy giảm rất nhanh, việc áp dụng thêm các biện pháp khắc khổ được cho là sẽ phản tác dụng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy đã thông báo các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 45 tỷ euro, song cho đến nay vẫn cự tuyệt những kêu gọi của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Hiện mức VAT ở Tây Ban Nha là 18% và là một trong những mức thấp nhất ở châu Âu, trong khi một số hàng hóa còn được hưởng mức thuế đã được giảm là 8% hoặc giảm mạnh 4%.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Tây Ban Nha ngày 25/6 đã chính thức đề nghị khoản vay cứu trợ trị giá 100 tỷ euro từ Eurozone để tái cấp vốn cho các ngân hàng đang lao đao vì nợ xấu. Tuy nhiên, các ngân hàng được cứu sẽ phải tuân theo các quy định của EU trong việc nhận cứu trợ từ chính phủ, trong đó có việc phải bán cổ phần đang sở hữu trong các doanh nghiệp. Ước tính, giá trị số cố phiếu có thể được chào bán sẽ vào khoảng 22 tỷ euro./.
Vietnam +
|