Đại gia dầu khí ăn nên làm ra Trên các sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) hiện có 28 doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết. Trong số này, ngoại trừ các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng đang gặp khó khăn do tình hình chung thì hầu hết các doanh nghiệp khác đều làm ăn hiệu quả và có triển vọng tốt trong năm 2012, đặc biệt là các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn. Với PVF, trong năm 2011 doanh nghiệp này đã vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Cụ thể, năm 2011, PVF đạt 8,009 tỷ đồng doanh thu, vượt 18% kế hoạch đã điều chỉnh, lợi nhuận trước thuế cũng nhích lên khi đạt 550 tỷ đồng. Cổ tức được cổ đông thông qua với mức 5%. Năm nay, PVF tiếp tục dành khoảng 20,000 tỷ đồng để thu xếp vốn cho các doanh nghiệp, trước mắt là cho các dự án của ngành dầu khí. Trong năm 2011, PVF cũng đã thu xếp vốn thành công cho các đơn vị thành viên trong ngành với giá trị xấp xỉ 25,000 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2012, PVF dự kiến đạt doanh thu 6,860 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 78,000 tỷ đồng. Chỉ riêng trong quý 1, PVF đã đạt 2,546 tỷ đồng doanh thu, vượt 106% kế hoạch của quý và lợi nhuận đạt 196 tỷ đồng, vượt 65%. Lãnh đạo của PVF dự kiến, 6 tháng đầu năm sẽ đạt 68% kế hoạch doanh thu và 52.4% kế hoạch lợi nhuận. Với PVD, năm 2011, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, PVD đã có một năm hoạt động thành công ngoài mong đợi với doanh thu đạt 9,211 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế 1,067 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch. Do được hạch toán doanh thu và lợi nhuận bằng ngoại tệ nên PVD đã tránh được một khoản lỗ rất lớn do chênh lệch ngoại tệ khi NHNN tăng tỷ giá USD/VND hơn 9% vào đầu năm 2011. Tổng mức đầu tư thực tế của PVD trong năm qua là 2,061 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch trên 24% do Tổng công ty đã tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời chủ động hoãn một số dự án bởi điều kiện kinh tế khó khăn. Cũng trong năm này, PVD đã trả được 90 triệu USD các khoản vay tới hạn. Hoạt động cho thuê và vận hành các giàn khoan đã được khai thác với công suất tối đa giúp PVD giữ được thị phần 50% trên thị trường cung cấp giàn khoan tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, PVD đã ký kết hàng loạt hợp đồng cung cấp giàn khoan và dịch kỹ thuật giếng khoan có thời hạn hiệu lực đến hết năm 2012. Năm 2012, PVD tiếp tục đầu tư đóng mới sà lan Tender Barge thông qua liên doanh với một đối tác nổi tiếng trên thế giới là Seadrill. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 240 triệu USD, với 30% vốn đối ứng của liên doanh và 70% là vốn vay. PVD được quyền nắm 51% vốn trong liên doanh để triển khai dự án này. Với những kế hoạch kinh doanh đã triển khai, PVD dự kiến sẽ đạt doanh thu 10,100 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng gần 990 tỷ đồng so với năm 2011. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng nhẹ khoảng 7%, đạt lần lượt 1,314 tỷ đồng và 1,150 tỷ đồng. PVD cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ tăng thêm 19% lên 2,505 tỷ đồng thông qua việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Chỉ tiêng quý 1 vừa qua, PVD đã đạt, 2,360 tỷ đồng doanh thu thuần, và 378 tỷ đồng, lãi sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ và quý trước đó. Lãnh đạo PVD cho biết rất tự tin với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, DPM có lẽ là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất trong số các doanh nghiệp thuộc họ dầu khí với doanh thu và lợi nhuận đều duy trì ở mức cao qua nhiều năm. Đặc biệt năm 2011, doanh thu thuần hợp nhất cả năm đạt 9,226.5 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2010. Lợi nhuận sau thuế 3,103.7 tỷ đồng, tăng 82% và vượt kế hoạch 74%. Năm 2012, cổ đông của DPM tiếp tục vui mừng và giảm được lo ngại khi Tổng Công ty thực hiện mua lại sẽ chi 2,503 tỷ đồng mua 51% vốn của PVN tại dự án Đạm Cà Mau giúp năng lực sản xuất, kinh doanh của DPM tiếp tục được nâng cao và không chịu áp lực cạnh tranh từ nhà máy này. Với năng lực hiện có, và Ban lãnh đạo của DPM khá tự tin với kế hoạch năm 2012 gồm các chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 13,921 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 2,000 tỷ đồng và 1,787 tỷ đồng. Điển hình là quý 1 vừa qua, Tổng công ty đã đạt 924 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 52% kế hoạch năm. Trong khi đó, PET nổi bật trong số các doanh nghiệp dầu khí với lĩnh vực thương mại và phân phối. Năm 2011, mảng kinh doanh này mang lại cho PET 9,578 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 90%, và 195 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm tỷ trọng 48%. Trong đó, doanh thu mảng phân phối điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ thông tin chiếm 73%, với 6,947 tỷ đồng doanh thu. Tính chung cả năm, PET đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra và tăng trưởng cao so với 2010. Cụ thể, doanh thu thực hiện đạt 10,655 tỷ đồng, lãi trước thuế 407 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng. Năm 2012, PET đặt chỉ tiêu thận trọng với chỉ tiêu doanh thu 10,000 tỷ đồng, bằng 94% mức thực hiện năm 2011, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, bằng 61% thực hiện năm trước. Tuy nhiên, đây là kế hoạch cao nhất từ trước tới nay mà PET từng thông qua. Mới đây, ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám PET cho biết, ước tính trong 2 quý đầu năm, Tổng công ty đạt tối thiểu 120 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 50%. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trương thoái vốn ở nhiều công ty thành viên theo yêu cầu của Thử tướng và các bộ ngành liên quan, nhưng PVN từng tuyên bố sẽ không thoái vốn khỏi các đơn vị trên bởi hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp này. Với các chỉ tiêu tài chính khá ổn định và đạt mức tốt theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, giá cổ phiếu của các đại gia dầu khí đều đạt mức tăng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm. PVF tăng 112.16% từ 7,400 đồng lên 15,700 đồng; PVD tăng 27% từ 32,000 đồng lên 40,700 đồng/cp. DPM tăng tới gần 53% từ 21,900 đồng lên 33,500 đồng/cp; hay PET tăng 38% từ 10,500 đồng lên 14,500 đồng/cp. Viết Vinh (Vietstock) ffn
|