Thứ Sáu, 22/06/2012 21:47

Bao giờ hàng hóa giảm giá?

Trước đây, khi giá xăng dầu tăng, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tăng giá 10%- 15% nhưng nay vẫn chưa chịu hạ nhiệt dù giá xăng dầu đã giảm mạnh.

Thông thường cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức hàng hóa ùn ùn tăng giá theo, nhất là những mặt hàng cồng kềnh, nặng với lý do chi phí vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, từ ngày 9-5 đến 22-6, giá xăng dầu trong nước đã 4 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm là 2.600 đồng/lít xăng, 1.800 đồng/lít dầu. Mức độ giảm như vậy là khá nhanh nhưng hầu hết hàng hóa trên thị trường vẫn chưa giảm theo dù sức mua đang rất yếu.

Lên dễ, xuống khó

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành vận tải còn tuyên bố sẽ không giảm giá cước vì chi phí xăng dầu chỉ chiếm 30% - 40% giá thành, trong khi các chi phí đầu vào khác (vật tư, quản lý, lãi suất...) vẫn còn rất cao.

Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH - TM - DV Vận tải Đặng Tiến (TPHCM), cho biết các chi phí vật tư, lương tài xế, phí cầu đường bến bãi đều tăng nên thời gian qua, các DN vận tải đã tăng cước vận tải nhưng mức tăng vẫn chưa thấm vào đâu. “Thực ra, việc giảm giá xăng dầu gần đây cũng có thể giảm cước vận tải ít nhiều cho vui vẻ với nhau.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng chưa thấy khách hàng nào phàn nàn về giá cước” - ông Tiệp phân bua. Còn theo ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, trong đợt giảm giá xăng dầu trước, một số nhà xe đã đàm phán với khách hàng điều chỉnh giảm giá cước 1% - 2%, còn đợt giảm giá dầu lần này không đủ tỉ lệ 5% nên chưa thể giảm giá cước.

Tương tự, các hãng taxi cũng “im hơi lặng tiếng” trong đợt giảm giá xăng lần này. Còn đợt giảm giá xăng trước đó cũng chỉ có một vài hãng điều chỉnh giảm giá cước từ 200 đến 500 đồng/km. “Giá xăng giảm 700 đồng/lít lần này là chưa đủ mà phải giảm ít nhất 1.000 đồng trở lên mới có thể giảm giá cước ”- đại diện một hãng taxi nhận xét.

Bán ế cũng không giảm giá

Khảo sát các mặt hàng vốn sử dụng nhiều xăng dầu trong sản xuất nay được hưởng lợi do giá xăng dầu liên tục giảm cho thấy nhiều DN vẫn chưa tính đến việc giảm giá. Đơn cử như mặt hàng sắt thép, cứ mỗi tấn thép thành phẩm thường phải sử dụng khoảng 40 - 50 lít dầu. Với giá dầu đã giảm 1.800 đồng/lít, tức mỗi tấn thép có thể giảm được ít nhất 72.000 đồng. Nếu cộng thêm khoản giảm chi phí vận tải (chi phí vận chuyển thường chiếm khoảng 5% giá thành sản xuất thép) thì mỗi tấn thép cũng giảm được ít nhất 100.000 đồng. Tuy nhiên, giá sắt thép bày bán trên thị trường hiện vẫn “neo” ở mức cao.

Ngoài ra, theo giới kinh doanh sắt thép, giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới thời gian qua cũng đã giảm đáng kể đến vài chục USD/tấn (giá về đến các cảng Việt Nam hiện còn 640 USD/tấn), sức tiêu thụ thép đang rất kém... nhưng các DN sản xuất thép vẫn không chịu giảm giá. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, cho rằng hàng hóa tiêu thụ chậm nên không có lợi nhuận vì vậy DN không thể giảm giá ngay.

Còn ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng đúng là giá nguyên liệu phôi thép thế giới đã giảm đáng kể đến vài chục USD/tấn nhưng sức tiêu thụ thép hiện nay rất kém (tháng 5, toàn hiệp hội chỉ tiêu thụ được 352.000 tấn, giảm gần cả trăm ngàn tấn so với tháng trước). Nếu sức tiêu thụ tăng mạnh, DN bán được hàng mới mong họ giảm giá...

Các mặt hàng nhựa, điện gia dụng, giày dép... thời gian qua đã tăng giá từ 5% đến 15% trong đó có lý do chi phí nhiên liệu, cước vận chuyển tăng cao thì nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm trở lại. Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc marketing Công ty Quạt Việt Nam, cho biết hồi đầu năm đã điều chỉnh giá bán tăng 10% - 15%, trong khi giá cước vận tải tăng đến 15% - 20%, chưa kể các chi phí đầu vào khác đều tăng đáng kể, nên hiện tại DN chưa thể điều chỉnh giảm giá bán được...

Hàng ăn theo vẫn neo giá

Một số siêu thị thừa nhận cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức các nhà sản xuất, nhà phân phối đua nhau đòi tăng giá hàng hóa theo. Tuy nhiên, nay giá xăng dầu đã giảm mạnh vẫn chưa thấy DN nào “đòi” giảm giá trở lại.

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, phụ trách siêu thị Citimart Bình Thạnh (TPHCM), cho biết giá tăng lên rồi thì khó giảm nhanh trở lại vì nhiều DN cho rằng nếu điều chỉnh giảm giá sau đó sẽ rất khó tăng giá. Còn theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ đối ngoại hệ thống siêu thị BigC, giá cả hiện nay đang ổn định chứ chưa đi xuống. Hiện tại cố gắng giữ được giá là may mắn.

Nguyễn Hải

người lao động

Các tin tức khác

>   6 tháng, nhập siêu ước khoảng 685 triệu USD (22/06/2012)

>   61.000 tỷ đồng phát triển ngành thủy sản đến 2020 (22/06/2012)

>   EVN sẽ “cai” chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm (22/06/2012)

>   Kim ngạch xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng mạnh (21/06/2012)

>   Petro Vietnam sẽ tái cấu trúc như thế nào? (21/06/2012)

>   Thượng viện Mỹ bỏ chương trình kiểm soát cá da trơn (21/06/2012)

>   Lãnh đạo Vietnamobile: “Làm chỉ đủ để nuôi các ông lớn” (21/06/2012)

>   "Cần phải công khai thu chi tài chính trong DNNN" (21/06/2012)

>   Thay lãnh đạo Công ty Petec (21/06/2012)

>   Cước vận tải rục rịch giảm (21/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật