"Cần phải công khai thu chi tài chính trong DNNN" Sai phạm của các tập đoàn kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng… là những vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua. Bên lề Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh nội dung này. - Một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là sai phạm của các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua. Theo ông, sau những sai phạm nghiêm trọng tại Vinashin, Vinalines, bài học cần kíp nhất phải làm khi tiến hành tái cơ cấu các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước là gì? Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi là phải trả các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước về vị trí, vai trò của nó. Đầu tiên, tập đoàn phải là một doanh nghiệp, hạch toán theo doanh nghiệp và quản lý cơ chế theo doanh nghiệp, tách ra khỏi các nhiệm vụ thiên về chính sách xã hội. Ngoài ra, phải chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang chế độ công ty cổ phần, tức là báo cáo thu chi tài chính hàng năm công khai, được kiểm toán, nó khác với các công ty cổ phần của thành phần kinh tế khác. Ở thời điểm 2012, độ công khai của khối doanh nghiệp nhà nước, ở một số mặt, đã có sự công khai hơn một số thành phần khác như FDI… - Trong Đề án tái cơ cấu cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ vẫn xác định doanh nghiệp Nhà nước là nòng cốt của nền kinh tế? Điều này có còn phù hợp trong điều kiện quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này kém hiệu quả? Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, xét trên thực trạng nền kinh tế, cơ cấu ngành nghề, cơ bản doanh nghiệp Nhà nước vẫn là những doanh nghiệp có tính chi phối trên thị trường, giống như những đầu máy kéo các toa tàu đi. Do đó, muốn định hướng thị trường, những doanh nghiệp đó phải làm trước. Tất nhiên, cần phải hiểu chữ nòng cốt theo nghĩa giữ vai trò đi trước, mở đường khi hình thành thị trường xong, Nhà nước phải rút ra đầu tư vào những lĩnh vực khác. Như thời kỳ đầu cần phát triển thị trường chứng khoán, hầu hết các công ty chứng khoán khi đó là của các ngân hàng, của Nhà nước. Nhưng bây giờ, trong hơn 100 công ty chứng khoán, có công ty nào của Nhà nước nữa đâu? Và tất nhiên, không phải lĩnh vực nào doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò nòng cốt cũng thành công. Vì đây là kinh tế thị trường, có thắng, có thua… Chúng ta phải nhìn khách quan, đặt trong bối cảnh khủng hoảng thế giới, nhiều tập đoàn cũng sụp đổ, việc Vinashin, Vinalines thua lỗ có phần do tác động khách quan. Tất nhiên, trong vụ Vinalines mua ụ nổi, có một số cán bộ đã làm việc khuất tất, cần phải truy tố, xử lý kiên quyết. Song đánh giá chung các doanh nghiệp Nhà nước thì phải bình tĩnh, đặt trong bối cảnh chung. - Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa diễn ra quá chậm. Ông có đồng tình với nhận xét này không? Ông Nguyễn Đức Kiên: Không hẳn vậy. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chỉ là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Không phải cứ cổ phần hóa là hiệu quả. Chúng ta thấy, rất nhiều công ty FDI hoạt động ở Việt Nam vẫn hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, ví dụ Siemens, Canon… Cổ phần hóa chỉ cần thiết khi Nhà nước cần thoái vốn một phần hoặc toàn bộ trong lĩnh vực đó. Ý kiến của các bạn quốc tế là rất đáng trân trọng, nhưng chúng ta sẽ vận dụng phù hợp. - Nói như vậy, theo ông, tình hình hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay không đáng lo? Ông Nguyễn Đức Kiên: Về tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước hiện chúng ta đã phát hiện được vấn đề, biết được điểm yếu ở đâu nhưng cần có quá trình xử lý, chuyển đổi dần dần. Ví dụ, trong chế độ kiểm toán, kế toán, nếu công nhận sự hợp lý của báo cáo tài chính hợp nhất các tập đoàn kinh tế, tại sao chúng ta cứ yêu cầu Tập đoàn phải kinh doanh có lãi trong khi các công ty thành viên lỗ? Như vậy các quy định về tài chính và trách nhiệm trong Luật Doanh nghiệp 2005 về tập đoàn và Tổng công ty đã phù hợp chưa? Còn nếu không chấp nhận thì phải tách riêng các báo cáo tài chính, khi đó chế độ báo cáo tài chính lại phải khác. Ứng xử của chúng ta với doanh nghiệp Nhà nước và những người làm công tác quản trị doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa bình đẳng. Ví dụ, công ty con của Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ, tập đoàn này nợ thuế nhiều tỷ đồng thì dư luận xã hội coi đó không quan trọng và ít ai nói gì. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước nợ thuế với số lượng như vậy thì dư luận có để yên không? Doanh nghiệp tư nhân nợ thuế vẫn đi máy bay, trong khi doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi, nộp thuế đầy đủ đi xe 4,2 tỷ đã bị yêu cầu kiểm điểm, chúng ta thấy đã hợp lý chưa? Tôi nêu một vài dẫn chứng để thấy rằng khi nhận xét đánh giá về doanh nghiệp Nhà nước cần có cái nhìn tổng quan và với lăng kính của kinh tế thị trường thì chắc chắn sẽ thuyết phục hơn. Đúng là hiện nay còn nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả, chúng ta đã phát hiện ra nguyên nhân và bây giờ là thời điểm cần kiên quyết khắc phục. Gắn việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong bức tranh tổng thể đổi mới mô hình tăng trưởng chắc chắn điều kiện thành công sẽ cao hơn. - Một vấn đề nữa cũng được dư luận quan tâm trong thời gian qua là với gói hỗ trợ doanh nghiệp và hàng loạt giải pháp thúc đẩy sản xuất, tăng kích cầu của Chính phủ, liệu tăng trưởng kinh tế có đạt mục tiêu đề ra? Ông Nguyễn Đức Kiên: Có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, thứ nhất là giữ nguyên chỉ tiêu như Quốc hội đề ra ban đầu (6- 6,5%); thứ hai là tăng trưởng đạt 5,5- 5,7% kèm theo các động tác hỗ trợ doanh nghiệp; thứ ba là tăng trưởng đạt 5-5,2% nhưng kèm theo giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Khả năng đạt kịch bản nào tùy thuộc vào gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng. Nếu gói hỗ trợ này vào nhanh thực tế sản xuất, kinh tế sẽ tăng trưởng 5,5-5,7%, nếu vào chậm, kinh tế khả năng chỉ tăng trưởng 5,2%. Còn việc có nên bơm thêm tiền để tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra thì phải tính toán. Từ nay đến hết tháng 6/2012, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội phải trả lời được câu hỏi này để đến kỳ họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 6 phải đưa ra quyết định./. Xin cảm ơn ông! Minh Thúy Vietnam+
|