Trung Quốc giảm giá xăng lần đầu trong năm 2012
Theo thông báo ngày 10/5 của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), bắt đầu từ ngày 10/5, giá bán lẻ xăng dầu tại Trung Quốc được giảm theo các mức cụ thể như sau: Một tấn xăng giảm 330 NDT (52,38 USD) và một tấn dầu diezel giảm 310 NDT. Theo đó, các mức giảm tương ứng với một lít xăng, dầu lần lượt là 0,24 NDT và 0,26 NDT.
Đây là đợt giảm giá xăng dầu lần đầu tiên tại Trung Quốc kể từ tháng 10/2011, do giá dầu thế giới đã sụt giảm xuống các mức thấp trong thời gian gần đây. Giá đầu thô giảm chủ yếu do triển vọng kinh tế yếu kém của Mỹ và khu vực Eurozone, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu sụt giảm trên toàn cầu. Trước đó, vào ngày 20/3/2012, giá xăng dầu tại Trung Quốc đã được điều chỉnh tăng thêm 600 NDT/tấn.
Đóng cửa phiên ngày 8/5, giá dầu ngọt nhẹ New York kỳ hạn tháng 6 đã giảm mạnh tới 93 xu, tương ứng với mức giảm 0,95% về giá trị, xuống 97,01 USD. Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tụt xuống chỉ còn 112 USD/thùng. Kể từ đầu năm 2009 đến nay, giá của cả hai hợp đồng dầu này đã tăng khoảng 180%.
Theo hệ thống định giá xăng dầu của Trung Quốc, được ban hành năm 2009, giá dầu trong nước có thể được điều chỉnh khi giá dầu thế giới thay đổi hơn 4% trong khoảng thời gian 22 ngày làm việc.
Các nhà phân tích cho rằng, đợt giảm giá xăng dầu lần này sẽ kéo các chi phí vận chuyển giảm xuống, từ đó làm giảm giá rau quả, thực phẩm và giảm bớt sức ép lên lạm phát. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng tác động của đợt giảm giá xăng dầu này sẽ bị hạn chế do các mặt hàng tăng giá hiện nhiều hơn hẳn các mặt hàng giảm giá.
Dự đoán về sự thay đổi của giá dầu trong năm nay, các nhà phân tích cho rằng thị trường dầu toàn cầu có thể sẽ không sụt giảm mạnh nếu không có thêm "các cuộc khủng hoảng địa-chính trị" như tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là tại Libya và Iran - các nhân tố đẩy giá dầu tăng cao từ đầu năm tới nay.
Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế lạm phát đồng thời duy trì tăng trưởng trong bối cảnh châu Âu vẫn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone và tăng trưởng vẫn còn bấp bênh tại Mỹ. Lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Ba vừa qua đã giảm xuống còn 3,6% sau khi đã tăng lên mức đỉnh 6,5% trong gần ba năm qua vào tháng 7/2011./.
Lê Chi
vietnam+
|