Trụ cột thị trường đang thay đổi
Các cổ phiếu trụ cột của TTCK sẽ thay đổi về sức ảnh hưởng đến chỉ số cũng như sự quan tâm của NĐT khi nhiều “ông lớn” lên niêm yết.
Mua VCB đón đầu lực mua của NĐT ngoại?
Sau khi niêm yết 1,79 tỷ cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thuộc sở hữu Nhà nước, cổ phiếu này trên sàn đã lập đỉnh giá mới vào ngày 14/5, ngày niêm yết bổ sung có hiệu lực, kéo dài số phiên tăng giá. Sở dĩ dòng tiền của NĐT cá nhân trong nước đổ vào VCB trong 2 tuần qua là do kỳ vọng đây là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có khả năng tác động lớn đến Index, sẽ tăng theo kịch bản của BVH hay MSN và VIC trước đó. Các cổ phiếu này đã được nhiều NĐT nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư chỉ số “đẩy giá” vào năm trước, nhằm đỡ chỉ số. Cổ phiếu BVH có P/E là 32, MSN có P/E là 24 và VIC có P/E là 45, trong khi P/E của VCB là 16 và room cho NĐT nước ngoài vẫn còn nhiều. Theo CTCK TP. HCM (HSC), sau khi niêm yết, tỷ trọng của cổ phiếu VCB trong VN-Index là 13,99%.
Kỳ vọng của NĐT nội không phải không có cơ sở, khi NĐT nước ngoài đã miệt mài mua vào VCB. Khi cổ phiếu VCB tích lũy ở mức giá từ 32.500 - 34.000 đồng/CP, khối ngoại luôn chiếm 40 - 50% khối lượng mua mỗi phiên cho đến khi tin chính thức niêm yết số cổ phiếu mà Nhà nước đang sở hữu rò rỉ ra thị trường, NĐT nội nhảy vào mua gom VCB thì tỷ lệ mua của NĐT nước ngoài trong tổng khối lượng giao dịch hàng ngày mới giảm đi.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích và đầu tư CTCK KimEng cho rằng, phương thức đầu tư đó có thể không hữu hiệu ở thời điểm này, vì xu hướng thị trường tăng nên có nhiều mã để đầu tư hơn là chỉ lựa chọn 4 mã “tứ trụ” như trước. Hơn nữa, tỷ trọng của VCB dù lớn, nhưng sau vài tháng nữa sẽ có nhiều mã cổ phiếu lớn lên niêm yết, ảnh hưởng đến chỉ số và nhiều mã nhỏ sẽ làm pha loãng ảnh hưởng của VCB. Trong phiên hôm qua (15/5), cổ phiếu VCB giảm giá sàn trong bối cảnh toàn thị trường tiếp tục giảm điểm mạnh.
Hoán đổi trụ cột thị trường và cơ hội đầu tư
Thị trường đã có 5 phiên liên tiếp giảm điểm, trong đó hai phiên vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của 3 mã lớn là BVH, VIC và MSN, khiến VN-Index mất điểm mạnh. Tác động tâm lý khiến NĐT bán tháo các mã cổ phiếu nhỏ. Nhìn lại lịch sử mua bán của NĐT ngoại ở các mã này có thể thấy, NĐT ngoại vẫn mua vào, nhưng bán ra có phần nhỉnh hơn. Phải chăng, sự quan tâm của NĐT ngoại và cả NĐT nội mua ăn theo các quỹ đầu tư chỉ số đã hướng sang các trụ cột mới của thị trường?
Sau VCB, trong tháng 5 này, PVGas sẽ niêm yết 1,9 tỷ cổ phiếu. Không chỉ với lợi thế vốn hóa lớn, mà PVGas còn được đánh giá là cổ phiếu tốt, sẽ là đích nhắm cho các NĐT cả trong nước và nước ngoài. Ngân hàng BIDV đã có kế hoạch niêm yết trong năm 2012 và theo như kế hoạch tại thời điểm IPO vào cuối năm ngoái, thì ngân hàng lớn này sẽ niêm yết vào tháng 6 năm nay. Xét về giá trị vốn, CTG cũng là ứng cử viên sáng giá với lượng cổ phiếu đang lưu hành là hơn 2 tỷ và cổ phiếu của Nhà nước vẫn chưa niêm yết.
Liệu NĐT lớn có rời bỏ các trụ cột cũ để đón đầu các trụ cột mới của thị trường? Câu hỏi này chưa có đủ cơ sở để trả lời. Theo CTCK HSC, đợt tăng giá vừa qua của VCB chủ yếu do NĐT cá nhân mua vào, không chắc các tổ chức đầu tư có quyết định mua VCB hay không. Tuy nhiên, sự giảm giá của các mã trụ cột đã được đẩy lên mức giá cao như VIC, MSN, BVH trong ngắn hạn sẽ tạo ra diễn biến khó lường của VN-Index. Chỉ số có thể giảm sâu hơn mức dự kiến, nhưng cũng có thể tăng lại nhanh chóng sau khi những NĐT cơ cấu xong danh mục đầu tư ở những mã trụ cột.
Nhiều NĐT đang quan tâm, sau một đợt biến động mạnh của thị trường, cơ hội thu lợi nhuận từ nay đến cuối năm trong sóng tăng dài hạn của thị trường sẽ nằm ở cổ phiếu nào, nhóm cổ phiếu trụ cột, blue-chip hay nhóm cổ phiếu nhỏ dưới mệnh giá?
Theo ông Phan Dũng Khánh, nhìn lại quá khứ thì những mã đem lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho NĐT là những mã có thị giá thấp. Vì giá thấp nên phù hợp với khả năng tài chính của nhiều NĐT, dòng tiền vào dễ hơn, khi điều chỉnh lại không nhiều, vì tỷ lệ margin ở những mã này thường thấp.
Ở góc độ khác, không ít NĐT chia sẻ niềm tin VCB sẽ lập lại hành trình tăng giá giống như BVH trước đây, đạt mức giá mà P/E tương đương 25 - 30 lần. Bởi lẽ, cho dù PVGas có lên niêm yết thì VCB vẫn là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số. Sau 2 - 3 tháng tới thì mới có những trụ cột mới lên niêm yết.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán
|