Thứ Năm, 10/05/2012 14:32

Thị trường vàng: Hồi hộp trước giờ G

2 tuần nữa Nghị định 24 của Chính phủ quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực. Dù đến nay NHNN vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến ngành vàng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp đang âm thầm chuẩn bị kế hoạch đối phó nghị định này.

Doanh nghiệp nhà nước lo

Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 24 quy định điều kiện được kinh doanh mua bán vàng miếng chỉ những doanh nghiệp lớn như PNJ, Doji… mới có khả năng đạt được. Tuy nhiên, một số lãnh đạo trong ngành kinh doanh vàng thừa nhận không chỉ có doanh nghiệp nhỏ bị khó mà nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng không đủ điều kiện.

Nguồn tin riêng của ĐTTC cho biết một công ty kinh doanh vàng trực thuộc NHTM quốc doanh đang lo sốt vó với điều kiện Nghị định 24 đặt ra.

Theo đó công ty này chỉ được kinh doanh vàng nữ trang, không được kinh doanh vàng miếng. Bởi công ty chỉ đạt điều kiện có vốn 100 tỷ đồng, nhưng chưa đạt điều kiện nộp thuế trên 500 triệu đồng/năm và có chi nhánh trên 3 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, không loại trừ việc NHNN sẽ cho gia hạn thời gian và điều chỉnh một số điều kiện, bởi đây là doanh nghiệp trực thuộc NHTM quốc doanh. Thực tế nhiều công ty kinh doanh vàng đang “chạy cửa sau” để đạt đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng.

Khi cơ hội kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, các công ty kinh doanh vàng đang dồn sức cho hoạt động kinh doanh nữ trang có điều kiện thoáng hơn. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, ngành nữ trang đang có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới do quy định của Nghị định 24 theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó sẽ hạn chế tình trạng lập lờ tuổi vàng. Bên cạnh đó, từ trước đến nay các doanh nghiệp sản xuất và gia công vàng nữ trang tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình lưu thông trên thị trường trước pháp luật, nhưng nay Chính phủ giao Bộ Khoa học - Công nghệ chịu trách nhiệm về công bố và ban hành tiêu chuẩn vàng Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ Khoa học - Công nghệ chưa công bố tiêu chuẩn vàng nên các công ty kinh doanh vàng nữ trang cũng chưa có nhiều động thái đổi kế hoạch sản xuất. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), việc yêu cầu công ty sản xuất vàng nữ trang phải đăng ký chất lượng là điều kiện cần thiết để người tiêu dùng có thể khởi kiện khi doanh nghiệp gian lận.

Tuy nhiên, theo ông Hải, nếu quản lý thị trường vàng không chặt chẽ sẽ tạo ra thị trường vàng chợ đen. Với thị trường ngoại tệ có thể dùng Nghị định 95 để xử lý nhưng với vàng rất khó, người dân ở vùng nông thôn chủ yếu mua vàng để cất trữ. Cũng khó có cơ sở để bắt các tiệm vàng nhỏ lẻ khi họ hoán đổi vàng miếng của người dân để lấy vàng nữ trang…

Sàn vàng chui hết cửa?

Sau khi Nhà nước đóng cửa các sàn vàng, từ năm 2010 đến nay các sàn vàng chui vẫn hoạt động rầm rộ. Để tránh bị cơ quan chức năng xử lý, các công ty mở sàn vàng chui núp bóng dưới giấy phép được kinh doanh vàng vật chất tổ chức mạng lưới nhân viên tiếp xúc khách hàng tham gia đầu tư vàng tài khoản trên sàn, nhưng lách bằng việc ký với nhà đầu tư dưới hợp đồng giao dịch vàng vật chất.

Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư và chủ sàn vàng chui thường giải quyết dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Nếu nhà đầu tư  kiện ra tòa thì giao dịch giữa hai bên là bất hợp pháp nên được coi không phát sinh. Khi đó, nhà đầu tư chỉ có thể được bồi hoàn lại số tiền gốc đã đóng vào. Tất cả các loại tiền phát sinh đều không được tính. Đấy là cách mà các sàn vàng tìm cách lách mà vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên, khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, tất cả các công ty muốn kinh doanh vàng vật chất phải xin cấp phép lại tại NHNN. Với điều kiện Nghị định 24 quy định như công ty phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nộp thuế 500 triệu đồng trong vòng 2 năm trở lại, có mạng lưới trên 3 tỉnh, thành phố… có thể thấy những công ty mở sàn vàng chui khó đáp ứng được điều kiện để được cấp phép lại kinh doanh vàng vật chất.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng không loại trừ từ đây đến ngày 25-5 khi Nghị định 24 có hiệu lực, các chủ sàn vàng có thể lách luật bằng cách chuyển sàn vàng ra nước ngoài, nhưng rủi ro cho các nhà đầu tư rất lớn như có thể bị mất tiền khi các sàn vàng chui đóng cửa, hoặc bị sàn vàng chây ì trả tiền...

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, ngoài giải pháp chuyển sàn ra nước ngoài, có thể các sàn vàng chui sẽ xin lại giấy phép kinh doanh vàng nữ trang thay vì kinh doanh vàng miếng như trước đây. Bởi điều kiện kinh doanh nữ trang dễ hơn kinh doanh vàng miếng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia vàng, mặc dù điều kiện để được cấp phép kinh doanh nữ trang dễ hơn nhưng các sàn vàng chủ yếu xin giấy phép để kinh doanh vàng tài khoản nên khó có thể chứng minh được cơ sở vật chất để kinh doanh vàng nữ trang theo Nghị định 24. Do vậy, nhiều khả năng Nghị định 24 ban hành sẽ hạn chế bớt hoạt động của các sàn vàng chui.

Thanh Như

Sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Vàng trong nước tăng 220.000 đồng (10/05/2012)

>   Vàng rớt mốc 1,600 USD/oz do lo ngại về Eurozone (10/05/2012)

>   Vàng trong nước lao dốc một triệu đồng mỗi lượng (09/05/2012)

>   Rớt gần 35 USD/oz, vàng xuống đáy 2012 (09/05/2012)

>   Giá vàng chính thức tuột mốc 42 triệu đồng/lượng (08/05/2012)

>   DN vàng nhỏ: Đến đâu hay tới đó (08/05/2012)

>   Giá vàng về sát 42,1 triệu đồng (08/05/2012)

>   Vàng giảm do kết quả các cuộc bầu cử tại châu Âu (08/05/2012)

>   Vàng không còn biến tướng? (07/05/2012)

>   Đầu tuần, giá vàng giảm gần 90.000 đồng mỗi lượng (07/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật