Thứ Hai, 21/05/2012 08:11

Tái cấu trúc “lòng vòng”

Cổ đông của XMC tức giận khi không được chia cổ tức 2011, mà nguyên nhân chính là XMC phải chịu gánh nặng của 2 công ty con bị Vinaconex “ép” nhận.

Nhiều  tập đoàn, tổng công ty dùng quyền chi phối của mình tại các công ty con để “ép” họ nhận hoặc mua cổ phần của những công ty thua lỗ và báo cáo kết quả đã thực hiện tái cơ cấu thành công. Tuy nhiên, do thị trường và kinh tế khó khăn, những “gánh nợ” ấy đã vít kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuống thấp và tạo ra nhiều áp lực cho họ. Đến nước này, công ty con chỉ biết cầu cứu lại “mẹ”. Rốt cục, trong nhiều trường hợp, tái cấu trúc chỉ là vòng luẩn quẩn và gây bức xúc cho nhiều cổ đông.

Tại ĐHCĐ của CTCP Vinaconex Xuân Mai (XMC) tổ chức cuối tuần trước, nhiều cổ đông tức giận khi không được chia cổ tức năm 2011, một trong những nguyên nhân là XMC phải chịu gánh nặng do 2 công ty con vốn là hệ quả tái cấu trúc của Tổng CTCP Vinaconex (VCG).

Báo cáo với cổ đông, Ban lãnh đạo XMC cho biết, do sự tái cơ cấu đầu mối sắp xếp theo chuyên ngành và được sự tin tưởng của Tổng công ty nên XMC được giao cho quản lý chi phối một số đơn vị như CTCP Bê tông Vinaconex Phan Vũ  và CTCP Vinaconex 45… XMC đã phải đóng góp trên 50% vốn điều lệ tại các đơn vị này (mua lại phần vốn góp của Vinaconex) trong khi nguồn vốn chủ sở hữu của bản thân Công ty còn hạn chế. Đồng thời, Công ty cũng phải phân bổ nguồn lực cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao cho các đơn vị, dẫn tới công tác quản lý điều hành tại chính XMC yếu, chưa đáp ứng được cho việc vận hành quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả.

Sản phẩm chính của Công ty Bê tông Vinaconex Phan Vũ là cọc bê tông ly tâm ứng suất trước, hiện rất khó tiếp cận thị trường. Kết quả, năm 2011, công ty này lỗ 20,2 tỷ đồng. Vinaconex 45 được chuyển thành công ty con của XMC từ năm 2010. Giai đoạn trước năm 2010, Vinaconex 45 ở trong tình trạng trì trệ, hoạt động không hiệu quả, cầm chừng, nay lại gặp những khó khăn của thị trường xây dựng Việt Nam nói chung và thị trường phía Nam nói riêng, công ty này gục hẳn, năm 2011 lỗ 16,59 tỷ đồng.

Cổ đông Đinh Quang Minh chất vấn Ban điều hành XMC: “Phần đầu tư vào CTCP Bê tông Vinaconex Phan Vũ và CTCP Vinaconex 45, Ban điều hành không xem xét kỹ dẫn tới đầu tư bị lỗ dài hạn và trong năm 2011, HĐQT đã có trên 20 cuộc họp để điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vậy HĐQT đã xem xét, quyết định vấn đề này thế nào?”.

XMC không thể chia cổ tức 2011 vì phải chịu gánh nặng của 2 công ty con

Ông Đoàn Châu Phong, Chủ tịch HĐQT XMC cho biết, với định hướng phát triển thị trường cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nên Ban điều hành XMC đã thống nhất đầu tư vào 2 công ty trên. Công ty cũng chưa lường trước được những rủi ro, khó khăn về tài chính khi đầu tư vào 2 công ty và đây chính là gánh nặng với XMC (do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính). Hướng xử lý được ông Phong đưa ra là Tổng công ty sẽ hỗ trợ XMC tái cấu trúc 2 đơn vị về tài chính, con người và các điều kiện khác, từ đó giảm bớt áp lực tài chính cho XMC. “Tổng công ty bằng trách nhiệm cổ đông lớn sẽ cố gắng hỗ trợ XMC tái cấu trúc và cắt lỗ 2 đơn vị”, ông Phong nói.

Bình luận về giải pháp này, một số cổ đông lớn bày tỏ, thật khó có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Vinaconex mẹ, bởi bản thân họ cũng đang chồng chất khó khăn và căng thẳng về tài chính. Quả thực, quý I vừa qua, Vinaconex đã lỗ khủng do phải trích lập dự phòng tài chính cho Xi măng Cẩm Phả và đang đau đầu với gánh nặng này. Chưa hết, Ban lãnh đạo Vinaconex còn chịu áp lực của các cổ đông lớn buộc phải đẩy nhanh tái cấu trúc, thoái vốn ở gần 50 công ty con khác, trong đó có những công ty đang thua lỗ.

Tái cấu trúc lòng vòng còn được thực hiện tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhiều đơn vị khác. Thị trường đã chứng kiến rất nhiều thương vụ mua bán cổ phần theo chỉ định tại các công ty con, cháu, chắt của PVN, dù việc mua bán không có lợi cho doanh nghiệp và không được cổ đông nhỏ lẻ đồng thuận. Trước đây, cổ đông đã phản đối Đạm Phú Mỹ (DPM) mua cổ phần của Đạm Cà Mau, song tại ĐHCĐ năm nay của DPM, PVN quyết, phương án đã được thông qua.

Tại ĐHCĐ năm 2011 của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX), đại diện Quỹ Asia Capital phản đối việc PVX thực hiện tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, trong đó có một tỷ lệ lớn dành để mua cổ phần tại 13 công ty con và liên kết.

Cũng tại đại hội, bà Phạm Thu Hà, Phó tổng giám đốc PVN nói: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tái cấu trúc trên tất cả các doanh nghiệp, trong đó có PVX. Sắp tới, Tập đoàn dự kiến giảm tỷ lệ phần vốn tại PVX còn 20% bằng cách không tham gia góp tiếp phần vốn vào PVX trong các đợt tăng vốn”. Trước đó, PVN đã chuyển nhượng cổ phần tại nhiều công ty mà họ tham gia góp vốn sang cho PVX.

Tuyên bố vậy, nhưng khi PVX không tăng được vốn điều lệ bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu, PVN đã bỏ ra 1.000 tỷ đồng để mua cổ phần PVX. Một cách gián tiếp, số tiền PVN bỏ ra sẽ được đổ vào góp vốn, mua cổ phần ở những công ty họ đã thoái vốn trước đây.

Giám đốc tư vấn một CTCK lớn nhận xét, tái cấu trúc phải hướng đến sự thay đổi về chất tại DN và nói nôm na phải kéo được tiền bên ngoài về để thay đổi, chứ kiểu chạy quanh “lòng vòng” như vậy thực chất càng làm càng không hiệu quả, không minh bạch.

Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   HBC: Trả cổ tức tiền mặt 10% và thách thức quản trị dòng tiền, thanh khoản (20/05/2012)

>   Bianfishco nợ tiền nông dân: Tiếp tục yêu cầu mở thủ tục phá sản (20/05/2012)

>   SFI: Cổ đông lại chê đối tác chiến lược (20/05/2012)

>   SCD: Thị phần thu hẹp và nhiều dự án bị đình trệ (19/05/2012)

>   HAG bán 100,000 tấn tinh quặng sắt cho HPG (16/05/2012)

>   MCG: Đặt kế hoạch lãi ròng 63 tỷ đồng cho năm 2012 (18/05/2012)

>   TDH: Hơn 208 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu đầu tư vào 4 dự án (18/05/2012)

>   CTG: Hợp nhất quý 1 lãi ròng 1,535 tỷ, tăng 54% so cùng kỳ (18/05/2012)

>   NDN: Dự kiến tăng thêm 50 tỷ đồng vốn điều lệ (18/05/2012)

>   LCC: Năm 2012 thành lập thêm 2 công ty con (18/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật