HBC: Trả cổ tức tiền mặt 10% và thách thức quản trị dòng tiền, thanh khoản
Việc chủ yếu sử dụng nợ vay ngắn hạn cho nhu cầu vốn lưu động và cả dài hạn có thể khiến cho hoạt động của HBC kém bền vững. Tổng nợ vay ngắn hạn trong quý 1 đã tăng từ 774 tỷ lên 916 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HOSE: HBC), doanh thu quý 1/2012 đạt 582 tỷ đồng, tăng nhẹ 4.8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 22.1 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động tài chính gia tăng thua lỗ từ 11.5 tỷ đồng trong quý 1/2011 lên 18.9 tỷ đồng vào quý 1/2012.
Lỗ tài chính gia tăng chủ yếu do chi phí lãi vay tăng mạnh 85% so với cùng kỳ lên 35.4 tỷ đồng. Vì vậy, mặc dù doanh thu tài chính cũng tăng từ 7.9 tỷ đồng lên 17.9 tỷ đồng nhưng đã không đủ để giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của chi phí tài chính.
Lo ngại về dòng tiền hoạt động, dù đã tăng vay mượn
Điểm đáng lo ngại nhất là dòng tiền lưu chuyển thuần trong kỳ của HBC phát sinh âm đến 197.9 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền sụt giảm nghiêm trọng, từ gần 276 tỷ đồng đầu kỳ xuống chỉ còn 78 tỷ đồng cuối quý 1/2012.
Nguyên nhân chính là do:
(1) Dòng tiền hoạt động âm 392.6 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng khoản phải thu trong kỳ hơn 255.3 tỷ đồng, các khoản phải trả giảm 189.2 tỷ đồng.
(2) Mặc dù dòng tiền từ đầu tư mang về 67.1 tỷ đồng nhờ việc thoái vốn đầu tư ngắn hạn trong kỳ, cùng với hoạt động tài chính mang về 127.5 tỷ đồng, nhưng cũng không đủ bù đắp cho nhu cầu vốn lưu động gia tăng mạnh trong kỳ.
Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động tài chính dương là nhờ vào khoản vay mới 553 tỷ đồng. Trong kỳ, HBC đã phải hoàn trả 378.2 tỷ đồng nợ vay đến hạn và bỏ ra 47.3 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Như vậy, nếu không có khoản vay mới trong kỳ thì có lẽ dòng tiền của HBC đã bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng HBC đang sử dụng nợ vay để mua cổ phiếu quỹ trong quý 1/2012.
Tăng nợ vay ngắn hạn từ 774 tỷ lên 916 tỷ đồng, tạo áp lực lên dòng tiền tương lai
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HBC vào cuối quý 1/2012 là 954.8 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn nợ vay là nợ vay ngắn hạn với 916.4 tỷ đồng, nợ dài hạn chỉ có 38.4 tỷ đồng.
Nợ vay ngắn hạn đã tăng khá mạnh trong quý 1, từ 774.6 tỷ đồng vào đầu năm lên 916.4 tỷ đồng vào cuối quý.
Điều này lý giải tại sao chi phí lãi vay của HBC lại tăng mạnh trong quý 1/2012 và kéo sụt lợi nhuận. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011, lãi suất phải trả cho các khoản vay này khá cao, dao động từ 18 - 22.5%.
Việc chủ yếu sử dụng nợ vay ngắn hạn cho nhu cầu vốn lưu động và cả dài hạn có thể khiến cho hoạt động của HBC kém bền vững; khi áp lực về dòng tiền để trả nợ gốc và lãi vay đến hạn là rất lớn trong tương lai.
Khoản phải thu gia tăng mạnh hơn 250 tỷ đồng
Khoản phải thu của HBC đã tăng mạnh hơn 250 tỷ đồng, từ 1,444.4 tỷ đồng đầu năm lên 1,700.1 tỷ đồng vào cuối quý 1. Trong đó, phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng là 964.3 tỷ đồng (tăng gần 33 tỷ đồng), phải thu khách hàng 500.6 tỷ đồng (tăng 132.7 tỷ đồng), và trả trước người bán 231.2 tỷ đồng (tăng 90.6 tỷ đồng).
Việc gia tăng mạnh các khoản phải thu khiến nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, của HBC tăng cao. Như vậy, nếu HBC không quản lý tốt việc thu hồi các khoản phải thu nói trên thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh cũng như thanh khoản của công ty, khi các khoản phải thu này chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay ngắn hạn.
Điều này được dự báo là sẽ khó khăn khi thị trường bất động sản – liên quan mật thiết với các công ty xây dựng – đang trong giai đoạn thiếu vốn nghiêm trọng.
Trong khi đó, việc tận dụng nguồn vốn phi lãi suất từ khách hàng sụt giảm đáng kể, khi khoản mục người mua trả tiền trước giảm 141 tỷ đồng xuống còn 621.2 tỷ đồng cuối quý 1/2012.
Trong tương lai gần, khoản tiền và tương đương tiền của HBC sẽ tiếp tục bị sụt giảm thêm khoảng 17.16 tỷ đồng do việc chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt. Hiện số lượng cổ phiếu lưu hành của HBC là 17.162 triệu cổ phiếu và cổ phiếu quỹ là 3.785 triệu cổ phiếu
Hoạt động tài chính của HBC trong quý 2 dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi khoản tiền và tương đương tiền sụt giảm mạnh; trong khi chi phí tài chính sẽ chưa giảm bớt. Do đó, nhiều khả năng các khoản lỗ tài chính sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của HBC trong các quý tiếp theo của năm.
Các phân tích trên cho thấy dường như HBC đang phải tiến hành vay mượn ngắn hạn để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động cũng như dài hạn. Trong khi tiền mặt đã sụt giảm đáng kể do phải hoàn trả các khoản nợ vay, HBC sẽ tiếp tục chịu áp lực trả cổ tức 10% bằng tiền mặt. Có thể nói thanh khoản sẽ là một thách thức quản trị không nhỏ cho HBC trong thời gian tới.
Đức Nguyễn (Vietstock)
finfonet
|