Siêu thị dự án - nơi bán ý tưởng cho chủ đầu tư?
Thị trường BĐS vẫn tiếp tục bất động, hàng loạt các giải pháp được các chuyên gia, các DN BĐS đưa ra nhằm phá băng. Mới đây nhất, xuất hiện hình thức đưa BĐS vào siêu thị, hay thậm chí, mở một siêu thị dự án BĐS, nhằm tiếp cận nhu cầu thực về BĐS của NTD.
Nhu cầu nhìn tận mắt, sờ tận tay
Trước kia, muốn mua nhà, mua đất... người dân phải tìm kiếm thông tin trên website, sau đó đến các sàn giao dịch để tìm hiểu về dự án. Đó là một quá trình khá mệt mỏi bởi sự tin tưởng giữa người mua - nhà phân phối - chủ đầu tư hầu như không có. Nếu có mua thì cũng là “nhắm mắt đưa chân”, chính điều đó đã khiến tình trạng “cò mồi” lừa đảo diễn ra khá nhiều với những chiêu trò tinh ranh, “bịt mắt bắt dê”, làm mất niềm tin vào các sàn giao dịch của người mua. Với những dự án còn nằm trên giấy thì còn nguy hiểm hơn, khả năng mất tiền mua phải dự án ma, dự án chậm tiến độ rất lớn.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, thời thế đã đổi ngôi, những dự án không có chế độ bán hàng minh bạch thì không thể bán được hàng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, đã hết thời làm môi giới theo kiểu chụp giật, những người làm môi giới BĐS bây giờ phải là người hiểu rất rõ về nhu cầu thực của người dân. Hiện cung và cầu trên thị trường BĐS đang chênh lệch rất lớn. Theo khảo sát thị trường BĐS gần đây nhất cho thấy, 70% người dân tại thủ đô đều quan tâm tới căn hộ có giá dưới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án xây dựng hiện nay rao bán căn hộ cao cấp, chung cư cao cấp với giá vài tỉ đồng trở lên, không tiếp cận được với nhu cầu thực của người dân.
“Chính vì vậy, nếu có một hình thức giới thiệu sản phẩm BĐS tới trực tiếp người dân như kiểu siêu thị thì rất có thể thị trường BĐS sẽ chuyển động. Lý do vì hầu hết tâm lý của người tiêu dung đều thích nhìn tận mắt, sờ tận tay, nhưng với thị trường BĐS hiện tại, vẫn chưa làm được điều đó cho khách hàng” - ông Hà nói.
Tại TPHCM, nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, đón đầu cơ hội, một số DN BĐS đã nhanh chân đưa sản phẩm của mình vào tận siêu thị. Đơn cử như dự án làng sinh thái Eco Village (Long An) đã được chủ đầu tư đưa vào siêu thị BigC An Lạc, TPHCM, và phản hồi của người tiêu dùng khá tích cực với hình thức này.
Nơi bán ý tưởng cho chủ đầu tư?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thanh Hưng - TGĐ CTCP BĐS Thế Kỷ (CEN Group), đơn vị vừa khai trương Siêu thị dự án BĐS CEN Group tại tòa nhà 137 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội đã không giấu giếm tham vọng như vậy. Theo ông Hưng, qua việc thường xuyên tiếp xúc với số lượng lớn khách hàng, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của khách, Siêu thị dự án có thể tư vấn rất hiệu quả cho các chủ đầu tư để thay đổi về chiến lược sản phẩm, chiến lược giá và cách thức tiếp thị sao cho sản phẩm đến được với khách hàng nhanh chóng và ít tốn kém nhất, đặc biệt là trong thời điểm thị trường suy giảm như vừa qua.
“Bán cái khách hàng cần, ai cũng biết điều đó, nhưng nhiều khi ý tưởng thể hiện vào dự án lại không được như mong muốn. Khi có siêu thị dự án rồi, chủ đầu tư có thể nắm bắt được nhu cầu thực sự của khách hàng không qua bất cứ kênh trung gian nào, điều chỉnh dự án phù hợp với nhu cầu của khách. Chủ đầu tư bán được hàng, người mua tìm được sản phẩm ưng ý. Một siêu thị dự án thành công là nơi bán các dịch vụ phân phối BĐS, bán giải pháp tiếp thị, bán giải pháp nghiên cứu thị trường, bán ý tưởng kinh doanh BĐS chứ không bán chỗ trưng bày sản phẩm...” - ông Hưng khẳng định.
Cũng theo ông Hưng, trên thực tế, từng dự án, từng chủ đầu tư lác đác đưa sản phẩm của mình vào siêu thị như ở TPHCM vừa qua thực sự là một giải pháp mới, được nhiều khách hàng ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ số ít dự án được đưa vào siêu thị, giới thiệu tới người dân như thế là chưa đủ. Người tiêu dùng còn cần biết nhiều thông tin hơn thế nữa về dự án như tiến độ thi công, tính pháp lý của công trình, khả năng tài chính của chủ đầu tư... Để đáp ứng nhu cầu đó của người dân thì cần có đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp. Ngoài ra, để đảm bảo uy tín, tất cả những dự án BĐS có mặt tại siêu thị dự án đều được chọn lọc kỹ càng, đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, phải có đảm bảo về pháp lý, tiến độ thi công, uy tín - năng lực chủ đầu tư... “Không phải bất cứ dự án nào cũng được đưa vào siêu thị, kể cả họ có trả giá rất cao để được có mặt ở đó”, ông Hưng khẳng định.
Cũng theo khảo sát của CEN Group, nhu cầu đầu tư vào BĐS vẫn rất lớn. Theo bà Nguyễn Lê Trang - GĐ kinh doanh Siêu thị dự án BĐS - bất chấp thị trường gần như "đóng băng" suốt một thời gian dài, mỗi lần mở bán dự án mới, siêu thị vẫn thu hút từ 200 đến 300 khách tham dự và số lượng giao dịch thành công bình quân đạt 30 đến 40 giao dịch/ngày. Điều này cho thấy mô hình siêu thị dự án là một xu thế mới của thị trường BĐS, hướng tới một thị trường lành mạnh, minh bạch và mang lại giá trị cho các bên tham gia.
Minh Nhật
Lao động
|