Quỹ đầu tư và cuộc tháo chạy khỏi hệ thống ngân hàng Eurozone
Theo Fitch, các quỹ tiền tệ của Mỹ đã cắt giảm tới 63% lượng vốn đầu tư vào các ngân hàng Eurozone
Một ngày nữa lại trôi qua tại Eurozone, thị trường chứng khoán Tây Ban Nha lao dốc xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, chi phí vay mượn tăng vọt và cổ phiếu của một trong những ngân hàng lớn nhất nước này rơi tự do gần 30% sau khi Madrid công bố kế hoạch quốc hữu hóa trị giá hàng tỷ EUR.
Đối mặt với quá nhiều biến động và bất ổn của thị trường, các công ty quản lý quỹ cho biết đã mạnh tay cắt giảm khoản đầu tư vào các quốc gia ngoại vi châu Âu. Hơn nữa, các nhà quản lý quỹ này cũng chọn lọc rất kỹ ngân hàng để đầu tư.
Và không chỉ có Tây Ban Nha mới khiến những nhà quản lý quỹ trên đau đầu. Trước tình trạng bế tắc chính trị tại Athens đang làm gia tăng khả năng Hy Lạp có thể sớm rời khỏi Eurozone, thì mối lo ngại lớn nhất theo các nhà chiến lược chính là nguy cơ lây lan sang các khu vực khác của Eurozone.
Ông Andrew Jackson, Giám đốc đầu tư của Cairn Capital cho rằng: “Không ai biết được điều gì xảy ra nếu Hy Lạp rời Eurozone. Tuy nhiên, mối lo ngại thực sự không phải về Hy Lạp mà là về các tác động sau đó”.
Hiện hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đang là “tâm bão”. Đối với nhiều người, thông tin về việc bơm 19 tỷ EUR cho Bankia vào ngày thứ Sáu (25/05) chỉ nhấn mạnh mối lo ngại rằng mức trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu bất động sản của các nhà cho vay là quá thấp trong khi gánh nặng lên Chính phủ là quá lớn.
Mối liên hệ giữa một quốc gia và các ngân hàng của quốc gia này đã làm cơ sở cho hành động của các công ty quản lý quỹ. Trong các tuần gần đây, một trong những công ty quản lý quỹ lớn nhất châu Âu đã bán sạch cổ phiếu của BBVA, ngân hàng lớn thứ hai Tây Ban Nha do mối lo ngại về nguy cơ lây lan và việc thiếu một “bức tường lửa” vững chắc để bảo vệ Tây Ban Nha khỏi những rối rắm tại Hy Lạp.
Dù vậy, công ty quản lý quỹ trên cho rằng xét ở một khía cạnh khác, BBVA vẫn là một cổ phiếu tốt để mua vào. Tuy nhiên nỗi lo sợ về việc cuối cùng Chính phủ Tây Ban Nha sẽ buộc các ngân hàng lớn nhất nước tiếp quản các ngân hàng tiết kiệm khó khăn được xem là một rủi ro lớn và có thể dẫn đến việc bán cổ phần tại các ngân hàng trên.
Một công ty quản lý quỹ khác lại cho biết tại Tây Ban Nha, bất kỳ điều gì cũng không có giá trị bằng BBVA và ngay cả Santander cũng kém hấp dẫn. Tuy nhiên, với tình hình giao dịch rất ảm đạm trên các thị trường nợ, một số nhà đầu tư buộc phải nắm giữ số trái phiếu của mình mặc dù họ rất muốn bán ra.
Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ khác lại đang cắt giảm rủi ro trong danh mục bằng cách loại trừ cả cổ phiếu và tài sản có thu nhập cố định.
Các công ty quản lý quỹ này đang bán ra phần tài sản tại các ngân hàng Eurozone bất chấp thành công gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc bơm 1 tỷ EUR cho hệ thống ngân hàng khu vực thông qua các các khoản vay kỳ hạn 3 năm với lãi suất thấp. Một trong số đó cho biết đã rút vốn khỏi tất cả các ngân hàng thuộc các quốc gia ngoại vi cách đây ít lâu và hiện tài sản chỉ nằm rải rác ở một số ngân hàng thuộc lục địa châu Âu, tập trung chủ yếu vào một ngân hàng khỏe mạnh như Rabobank.
Thậm chí các ngân hàng của Đức cũng phải đối mặt với sức ép khi một số công ty quản lý quỹ cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể lây lan sang Berlin. John Stopford, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của Investec Asset Management, cho rằng: “Mối lo ngại hiện nay là về các khoản nợ phát sinh vì Đức có thể phải chi tiền để ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn còn giữ tâm lý xa lánh các tài sản rủi ro vì tình hình tiếp tục bất ổn và vẫn chưa có gì rõ ràng về việc liệu vấn đề chính trị có giải quyết được các khó khăn hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tránh xa các ngân hàng Eurozone”.
Diễn biến giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Tây Ban Nha và Ý đã chứng minh rằng mối lo lắng trên là có cơ sở. Kể từ giữa tháng 3, cổ phiếu của hai ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Santander and BBVA, đã sụt giảm khoảng 30% trong khi cổ phiếu của hai ngân hàng lớn nhất của Ý là UniCredit and Intesa Sanpaolo lần lượt lao dốc khoảng 40% và 35%.
Trong số các ngân hàng Pháp, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), một hình thức bảo hiểm khỏi nguy cơ vỡ nợ, và chênh lệch lợi suất của Crédit Agricole gia tăng mạnh do khoản đầu tư của ngân hàng này vào Hy Lạp thông qua đơn vị Emporiki Bank.
Một nhà quản lý quỹ tại một tổ chức lớn của Anh cho rằng: “Ngân hàng dù khỏe mạnh đến đâu cũng không quan trọng. Nếu khủng hoảng leo thang, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ giảm và đẩy lợi suất trái phiếu lên cao. Nhóm cổ phiếu tài chính châu Âu rất rủi ro và tốt hơn là nên tránh các cổ phiếu này”.
Fitch cho biết các quỹ tiền tệ của Mỹ đã cắt giảm tới 63% lượng vốn đầu tư vào các ngân hàng Eurozone. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho rằng nhiều quỹ đang nắm giữ và tiếp tục theo dõi thêm. Các quỹ này cũng tăng cường nắm giữ các khoản nợ được bảo đảm như các giao dịch repo, tức ngân hàng sử dụng các chứng khoán của mình như là tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn.
Số khác lại tỏ ra lạc quan hơn. Ông Eric Brard, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định toàn cầu của Amundi, công ty quản lý quỹ tư nhân lớn thứ hai châu Âu, cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là rất quan trọng. Ông nói: “Theo dự báo của chúng tôi, Eurozone sẽ không tan vỡ nhưng chúng tôi vẫn thận trọng”. Ông Brard cho biết Amundi đã gia tăng đầu tư vào các công ty đa ngành xuyên quốc gia.
Amundi tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu tài chính nhưng vẫn tập trung vào các cổ phiếu tại Bắc Âu và những cổ phiếu tăng mạnh thuộc các quốc gia ngoại vi. Ông Brard nói: “Chúng tôi chọn các cổ phiếu không bị ảnh hưởng hoặc ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Chúng tôi sẽ không rút lui khỏi Ý và chỉ hạn chế đầu tư vào Tây Ban Nha. Nhưng chúng tôi sẽ rút khỏi Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland”.
Theo ông Andrew Jackson, Giám đốc đầu tư của Cairn Capital cho rằng vẫn còn cơ hội khi đề cập tới các tổ chức tài chính nhỏ hơn và các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, sự khác biệt giữa các tài sản của Mỹ và châu Âu là khá thú vị.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|