Thứ Hai, 28/05/2012 06:25

Đồng Euro mất giá: Châu Âu mừng hơn lo?

Cuối tuần qua, đồng euro đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 khi 1 euro chỉ ăn 1.25 USD. Như vậy, chỉ trong tháng 5, đồng tiền chung của khối Eurozone đã mất 5.4% giá trị. Đó chưa hẳn là một tín hiệu xấu đối với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay.

Hai mặt của đồng tiền

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất từ nhiều thập kỷ nay. Và sự sụt giảm giá trị đồng tiền là một điều đã được dự báo trước do những lo lắng về khả năng tồn tại của đồng euro và tình hình bất ổn kéo dài trên chính trường Hy Lạp, cũng như các tín hiệu tiêu cực từ kinh tế Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Giới đầu tư hiện đặt nhiều niềm tin vào các đồng tiền quốc tế ổn định hơn như đô la Mỹ, hay đồng yên Nhật. Xu hướng mất giá của đồng euro được lý giải ở chính sách lãi suất thấp mà Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đang thực hiện và việc khu vực châu Âu đang tung vào thị trường hàng tỷ euro cho các gói cứu trợ tài chính.

Mặc dù, nhiều người lo lắng về sự xuống dốc của đồng tiền này và  xem đó như là một dấu hiệu cho sự đổ vỡ  của khối Eurozone, nhưng ở một khía cạnh khác, đó cũng có thể là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế của Lục địa già hiện nay.

Xu hướng giảm giá của đồng euro so với USD từ tháng 6.2011 tới nay

Thật vậy, mặt tích cực đầu tiên dễ nhận thấy khi đồng euro giảm giá đó là các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu sẽ được hưởng lợi. Giá cả các mặt hàng xuất khẩu sẽ giảm trên thị trường, qua đó củng cố sức cạnh tranh của hàng hóa. Khi bán được hàng, hệ quả tiếp theo sẽ là có thêm nhiều việc làm cho người dân châu Âu. Các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, như Đức, sẽ nâng cao được tính cạnh tranh. Tương tự như vậy, các quốc gia mà ngành công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn, nhất là Italia (chiếm khoảng 17% GDP), cũng gia tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một lợi thế khác khi đồng euro giảm giá chính là giúp hạ chi phí  sản xuất. Trước khi tiến hành công việc kinh doanh ở một quốc gia, các doanh nghiệp đều phải tính toán tới chi phí lao động. Với một đồng tiền euro yếu, chi phí lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ thấp hơn. Đó có thể là những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư tiếp tục làm ăn và mở rộng kinh doanh ở Lục địa già. Ngoài ra, lợi ích từ một đồng tiền yếu cũng là điểm để thu hút đầu tư và khiến Eurozone hấp dẫn hơn trong con mắt giới đầu tư quốc tế.

Dẫu vậy, việc đồng tiền này mất giá cũng có những tác động tiêu cực bởi nó sẽ gây ra một số tổn thất. Nếu một đồng tiền yếu sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu thì, ngược lại, sẽ khiến những doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn bởi chi phí nhập hàng hóa sẽ tăng, nhất là với nguyên vật liệu sản xuất. Với một số nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu mà ít có những doanh nghiệp xuất khẩu mạnh, nhập siêu sẽ lớn hơn.

Hy Lạp là một ví dụ bởi ngành công nghiệp nước này chỉ chiếm có 6% GDP. Những đồng tiền do xuất khẩu mang lại sẽ phải bù đắp cho hàng nhập khẩu. Do vậy, ở thời điểm hiện nay, với một số nền kinh tế, việc euro mất giá có thể sẽ là một điều bất lợi. Không chỉ với Hy Lạp, những quốc gia phải dùng nhiều tới linh kiện nhập khẩu để phục vụ cho ngành công nghiệp lắp ráp cũng sẽ phải hứng chịu tác động tiêu cực. Công nghiệp xe hơi là một điển hình bởi ngành này thường phải nhập nhiều linh kiện từ nước khác, chi phí sản xuất sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn.

Euro sẽ  giảm sâu tới mức nào?

Trả lời câu hỏi này, Clemente de Lucia, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng BNP Paribas và là một chuyên gia về đồng euro cho rằng "Trong ngắn hạn, giá trị đồng euro sẽ tiếp tục giảm chừng nào khu vực này chưa giải tỏa được những áp lực, đặc biệt là với trường hợp của Hy Lạp. Ở trung hạn, rất khó để dự báo chính xác bởi có nhiều yếu tố bất ổn chi phối tới giá trị đồng tiền này".

Để sự sụt giảm này tiếp tục đem lại những tác động tích cực lên nỗ lực chung hiện nay của khu vực, cần phải duy trì đà đi xuống của đồng euro. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, chưa thể biết được liệu các doanh nghiệp châu Âu đã tận dụng được gì từ sự mất giá của đồng tiền này trong những tuần vừa qua. "Còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định cuối cùng, cần phải đợi ít nhất 6 tháng", Clemente de Lucia nói.

Theo các chuyên gia của châu  Âu và tính toán của IMF, đồng euro đang vẫn cao hơn giá trị thực sự của nó. Nhà kinh tế học Antoine Brunet, Giám đốc của Công ty nghiên cứu thị trường AB Marchés của Pháp cho rằng một euro chỉ nên dao động ở mức 1 euro ăn 1.10 - 1.15 USD và khoảng 4.50 NDT, trong khi đó tỷ giá hiện nay là 1 euro ăn 1.25 USD và 6.34 NDT. Với tỷ giá này, đồng euro đang cao hơn giá trị thực của nó tới 40%.

Theo Antoine Brunet việc thực hiện một chính sách đồng tiền yếu có thể là chìa khóa để thay đổi tình hình kinh tế hiện nay. ECB cần phải có một chính sách tiền tệ thực sự chủ động đối với giá trị đồng euro. "Rất nhiều quốc gia đã viện tới phương thuốc này để giải cứu nền kinh tế từ nhiều tháng nay. Chúng ta có thể kể tới trường hợp của Anh, Nhập Bản, Brazil, Hàn Quốc và ngay cả Thụy Sỹ vốn có đồng tiền tương đối ổn định".

Xem ra hiện nay, duy trì  sự mất giá của đồng euro là giải pháp duy nhất để kích thích tăng trưởng ở khu vực Eurozone trong khi những cải cách về cơ cấu hoặc cắt giảm chi tiêu cần phải mất nhiều năm mới có thể phát huy tác dụng. Giá trị của một đồng tiền luôn là một thành tố cơ bản tác động tới chi phí lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. "Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang quên đi điều này", Antoine Brunet nói.

A VŨ (THEO LE MONDE)

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   "Mây đen" khủng hoảng lan đến nền kinh tế Đức (27/05/2012)

>   Năm nhân tố giúp kinh tế thích nghi với giá dầu cao (27/05/2012)

>   IMF: Người Hy Lạp cần đóng thuế để tự giúp mình (27/05/2012)

>   Nhật-Trung thành lập thị trường giao dịch trực tiếp (27/05/2012)

>   Tây Ban Nha: Bơm 24 tỉ USD quốc hữu hóa Ngân hàng Bankia (27/05/2012)

>   Mỹ nhận định Trung Quốc không thao túng tiền tệ (26/05/2012)

>   Mỹ đối mặt nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm (26/05/2012)

>   Ấn Độ bàn cách ngăn đà trượt giá của đồng Rupee (25/05/2012)

>   Đồng euro chịu sức ép giảm giá ở thị trường châu Á (25/05/2012)

>   Kinh tế Eurozone vẫn mờ tối bất chấp nỗ lực của EU (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật