Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012
PVD hoãn kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE: PVD) sẽ tạm hoãn kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế, thay vào đó sẽ chào bán 40 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nhằm huy động vốn đầu tư trong năm 2012.
Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 vào sáng 12/05, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính cho biết, do công ty đã hoãn kế hoạch mua một giàn khoan tự nâng đóng mới nên HĐQT quyết định tạm ngừng triển khai phát hành trái phiếu quốc tế, mặc dù qua một số buổi roadshow ở nước ngoài, có nhiều tổ chức quan tâm đến kế hoạch này của PVD.
Phát hành 40 triệu cp cho đối tác chiến lược
Với nhận định năm thị trường chứng khoán năm 2012 sẽ có nhiều khởi sắc, thêm vào đó vài năm trở lại đây PVD chưa thực hiện tăng vốn nên HĐQT quyết định xin ý kiến cổ đông phát hành 40 triệu cổ phiếu để chào báo cho đối tác chiến lược. Mức giá thỏa thuận trên cơ sở tham khảo giá thị trường cộng với biên độ hoặc chiết giảm nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý gần nhất.
Cổ đông chiến lược phải đáp ứng được các yêu cầu do HĐQT đề ra và phải cam kết giữ cổ phiếu tối thiểu 3 năm.
Tuy nhiên, một cổ đông đại diện cho Quỹ đầu tư thắc mắc vì sao PVD không phát hành cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để giữ vốn cho đầu tư? Bà Phương cho biết nếu phát hành cổ phiếu để trả cổ tức thì số vốn giữ lại cũng không đáng là bao so với nhu cầu thực tế của năm 2012 lên tới cả ngàn tỷ đồng mà cổ đông lại không thích. Thay vào đó, việc phát hành riêng lẻ giúp PVD tìm được đối tác chiến lược có thể hỗ trợ cho Tổng công ty về nhiều mặt.
Giải ngân 1,408 tỷ đồng trong 2012, lãi ròng 1,150 tỷ đồng
Trước đó, theo trình bày của bà Phương, nhu cầu đầu tư của PVD trong năm 2012 là 2,767 tỷ đồng, trong đó có một dự án lớn và hoàn toàn mới là việc đóng mới sà lan Tender Barge thông qua liên doanh với một đối tác nổi tiếng trên thế giới là Seadrill. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 240 triệu USD, với 30% vốn đối ứng của liên doanh và 70% là vốn vay. PVD được quyền nắm 51% vốn trong liên doanh để triển khai dự án này.
Bà Phương cũng cho biết, với uy tín lớn của Seardrill trên thế giới, liên doanh hoàn toàn có thể đàm phán để có được những khoản vay với lãi suất ưu đãi.
Ngoài dự án trên, trong năm 2012, PVD còn nhiều khoản mục để đầu tư như tiếp tục góp vốn vào các công ty liên doanh ở trong và ngoài nước như Nigieria, Malaysia, Venezuela…, mua sắm thiết bị, bổ sung vốn lưu động, giảm thiểu các khoản vay ngắn hạn…
Tuy nhiên, kế hoạch giải ngân dự kiến cho cả năm vào khoảng 1,408 tỷ đồng.
Với những kế hoạch kinh doanh đã triển khai, PVD dự kiến sẽ đạt doanh thu 10,100 tỷ đồng, tăng trưởng gần 990 tỷ đồng so với năm 2011. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng nhẹ khoảng 7%, đạt lần lượt 1,314 tỷ đồng và 1,150 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm 19% lên 2,505 tỷ đồng.
Cổ đông đề xuất tăng cổ tức tiền mặt 2011 từ 15% lên 25%
Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2011, ông Phạm Tiến Dũng, Tổng Giám đốc cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, PVD đã có một năm hoạt động thành công ngoài mong đợi với doanh thu đạt 9,211 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế 1,067 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch. Do được hạch toán doanh thu và lợi nhuận bằng ngoại tệ nên PVD đã tránh được một khoản lỗ rất lớn do chênh lệch ngoại tệ khi NHNN tăng tỷ giá USD/VND hơn 9% vào đầu năm 2011.
Tổng mức đầu tư thực tế của PVD trong năm qua là 2,061 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch trên 24% do Tổng công ty đã tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời chủ động hoãn một số dự án bởi điều kiện kinh tế khó khăn. Tổng công ty cũng đã trả được 90 triệu USD các khoản vay tới hạn.
Hoạt động cho thuê và vận hành các giàn khoan đã được khai thác với công suất tối đa giúp PVD giữ được thị phần 50% trên thị trường cung cấp giàn khoan tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, PVD đã ký kết hàng loạt hợp đồng cung cấp giàn khoan và dịch kỹ thuật giếng khoan có thời hạn hiệu lực đến hết năm 2012. Các mảng hoạt động dịch vụ khác của PVD cũng mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
Với kết quả đó, đồng thời dựa trên kế hoạch đầu tư năm 2012, HĐQT đề xuất mức cổ tức 15% bằng tiền cho cổ đông. Phần còn lại công ty giữ lại để tiếp tục đầu tư.
Một cổ đông tên Tuấn, cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí (PVN) cho rằng, với kết quả kinh doanh đáng khích lệ như vậy, kèm theo kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu, mà số tiền có thể thu được tối thiểu 1,200 tỷ đồng thì PVD hoàn toàn có thể tăng thêm cổ tức cho cổ đông. Vị cổ đông này đề xuất nâng lên tối thiểu 25%.
Tuy nhiên, ông Dũng không đồng tình với đề xuất này. Ông cho biết, do PVD đang trong quá trình phát triển nên cần vốn đầu tư rất lớn. Thực tế thì dòng tiền đầu tư năm ngoái đã vượt số tiền thu về. Việc trả cổ tức 15% được xem là tượng trưng và khích lệ cổ đông, Tổng công ty vẫn phải giữ lại một phần nguồn tiền để đầu tư, bởi việc phát hành cổ phiếu mới chỉ là chủ trương, đến quý 3 mới thực hiện. Vì vậy, nếu trả thêm công ty sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|