Thứ Tư, 16/05/2012 22:39

Nỗi sợ sập hệ thống đánh gục TTCK

TTCK thế giới gần như bị đánh gục sau khi cuộc thảo luận cuối tuần qua về khả năng rút lui khỏi khu vực đồng Euro của Hy Lạp thất bại.

Các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu tại châu Âu, bán tháo trái phiếu của Tây Ban Nha và Italia và chuyển sang đặt cược vào xu hướng đồng euro sẽ giảm giá so với đồng USD.

Trong cuộc lao dốc của TTCK, cổ phiếu tại TTCK Hy Lạp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và lợi suất của trái phiếu Tây Ban Nha đã tăng vọt lên mức bằng với cuộc khủng hoảng vào cuối tháng 11/2011 vừa rồi. Cổ phiếu của một ngân hàng lớn tại Tây Ban Nha rớt thẳng 8,9% tại sàn giao dịch Madrid, kéo chỉ số của sàn này giảm 2,7%. Đồng euro cũng tụt xuống mức 1,2845 USD/euro vào cuối ngày thứ Hai ở London, mức thấp nhất trong bốn tháng vừa qua.

Việc Hy Lạp thất bại trong việc đưa ra phương án rút lui khỏi khu vực đồng euro diễn ra trong một thời điểm hết sức nhạy cảm đối với toàn khu vực. Cách mà Hy Lạp khôi phục lại lòng tin của thị trường tài chính thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng đã mắc cạn do sự phản đối quyết liệt của người dân cũng như sự tranh cãi giữa các chính đảng mạnh tại nước này.

Còn trên bình diện châu Âu, công cuộc đại khôi phục lại hệ thống ngân hàng để quét sạch một loạt vấn đề của ngành này vẫn hầu như chưa bắt đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (EC) thì gần như không thể can thiệp hơn nữa, cơ quan này đã bỏ ra 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) để bơm vào hệ thống ngân hàng, nhưng dường họ chỉ mua được rất ít sự bình tĩnh cho thị trường.

Tình trạng này của khu vực đồng euro là tổng hòa của một bức tranh kinh tế tăm tối, khiến cho sự căng thẳng của xã hội được đẩy lên mức cao và nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng để trả nợ trở nên khó khăn hơn. Số liệu mới nhất hôm thứ Hai cho thấy, sản xuất công nghiệp tại 17 nước của khu vực đồng euro đã giảm 2,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Một đốm lửa từ Hy Lạp rồi Tây Ban Nha đang tạo thành “bão lửa” tại châu Au và điều đáng lo ngại là cơn bão này có thể thổi qua Đại Tây Dương. Ngay từ bây giờ, những dự đoán tồi tệ cho năm 2013 đã bắt đầu xuất hiện.

Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1% hôm thứ Hai xuống 12.695,35 điểm, mức thấp nhấn kể từ cuối tháng 1/2012. Đó là một dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư trái phiếu đang lo ngại hơn về ảnh hưởng của châu Âu tới nền kinh tế này. Các nhà đầu tư tìm đến kênh trú ẩn là trái phiếu nhiều hơn, khiến lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp thứ tư trong lịch sử.

Tồi tệ hơn cho tình hình châu Âu, Moody’s vào cuối thứ Hai tuần này đã bắt đầu công cuộc hạ xếp hạng châu Âu và các ngân hàng toàn cầu bằng việc rà soát lại xết hạng tín nhiệm của 26 ngân hàng Italia. Trong 2 năm qua, các quan chức châu Âu đã liên tục khẳng định rằng vấn đề của đồng euro đang được giải quyết. Nhưng trong các tuần và các tháng gần đây, sắc thái quả quyết đó đã chuyến sang tâm trạng dự báo về một cuộc thoái lui.

Patrick Honohan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland phát biểu trong một hội thảo hôm thứ Bảy tuần trước rằng, sự rút lui của Hy Lạp không nhất thiết là một “tai họa” cho khu vực. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager phát biểu trước buổi họp mặt các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro tại Brussels: “Rủi ro hệ thống sẽ nhỏ lại rất nhiều so với một năm rưỡi trước đây?”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Đức Wolfgang Schuble lại thừa nhận: “Giá phải trả sẽ rất cao” nếu Hy Lạp rời khu vực đồng euro.

Có rất nhiều lý do để cho rằng, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro sẽ gây ra hậu quả cho hệ thống. Các khoản vay cho các hộ gia đình ở Hy Lạp và cho mọi hợp đồng giữa các doanh nghiệp Hy Lạp với các nhà cung cấp nước ngoài sẽ nhanh chóng bị đặt dấu hỏi.

“Thế giới bên ngoài đang sở hữu rất nhiều tài sản của Hy Lạp”, Marchel Alexandrovich, một chuyên gia kinh tế ở Jefferies & Co. in London nhận xét.

Các chuyên gia dự báo rằng có hai cách mà nỗi sợ hệ thống xuất phát từ Hy Lạp sẽ lan sang các nền kinh tế yếu như Tây Ban Nha hay Italia.

Thứ nhất là cuộc tháo chạy tiền gửi. Tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp đã sụt giảm khoảng 1/3 trong cuộc khủng hoảng. Cuộc tháo chạy này hầu như chắc chắn sẽ khiến Hy Lạp phải đóng cửa ngân hàng và chuyển việc giữ đồng euro sang giữ đồng drachmas - còn người gửi tiền sẽ thua lỗ vì tiền nội tệ sẽ bị trượt giá.

Thứ hai, các nhà kinh tế ở J.P. Morgan cho rằng, sự rút lui của Hy Lạp sẽ “rất có thể” khiến các khoản tài trợ cho thị trường tài chính cho Chính phủ Tây Ban Nha và Italia bị cắt giảm. Cho đến nay, các chứng khoán nợ chính phủ mà hai nước này phát hành vẫn do các ngân hàng trong nước mua. Thậm chí, các ngân hàng Tây Ban Nha đã mua nhiều hơn lượng mà Chính phủ phát hành, có nghĩa là có thể họ đã mua từ nước ngoài nữa.

“Tôi nghĩ chắc chắn sẽ cần phải có một con đường thoái lui an toàn cho Hy Lạp”, Pavan Wadhwa, một chiến lược gia ở J.P. Morgan nhận xét.        

Hải Linh (Theo báo chí nước ngoài)

ĐTCK

Các tin tức khác

>   "Cơn điên" cổ phiếu Facebook (16/05/2012)

>   Dow Jones giảm phiên thứ 9 trong 10 ngày xuống đáy 4 tháng (16/05/2012)

>   Tây Ban Nha phát hành lượng trái phiếu 2,9 tỷ euro (15/05/2012)

>   Giảm phiên thứ 4 trong 5 ngày, S&P 500 rớt mốc 1,340 (15/05/2012)

>   Tiền rút khỏi thị trường chứng khoán mới nổi mạnh nhất 2012 (14/05/2012)

>   EPFR: NĐT rót 8.55 tỷ USD vào quỹ trái phiếu toàn cầu (13/05/2012)

>   Dow Jones xác lập tuần giảm điểm mạnh nhất 2012 (12/05/2012)

>   Cuối 2015 cổ phiếu Apple sẽ chạm mốc 2.000 USD (11/05/2012)

>   Cổ phiếu Facebook có thể bị ế? (11/05/2012)

>   Dow Jones khởi sắc sau 6 phiên rút lui (11/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật