"Cơn điên" cổ phiếu Facebook
Càng gần tới ngày IPO của Facebook, sự cuồng nhiệt của giới tài chính đối với đại gia mạng xã hội này càng trở nên mãnh liệt.
Hãng này thậm chí đã nâng mức giá IPO lên đáng kể hôm thứ Hai vừa rồi để phản ánh đúng nhu cầu của nhà đầu tư. Cụ thể, Facebook thông báo tăng mức giá khởi điểm cho đợt IPO của mình lên mức 34-38 USD/cổ phiếu, so với mức 28-35 USD/cổ phiếu trước đó. Với mức giá này, giá trị khởi điểm của Công ty đã lên tới 93-104 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với mức dự kiến trước đây. Động thái này, tất cả phản ánh sự “điên cuồng” của cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn nhà đầu tư chuyên nghiệp xung quanh cuộc IPO. Không khí hào hứng đã lôi kéo những lệnh đặt mua từ cô bé 11 tuổi ở New York, cho đến Giám đốc quản lý quỹ đầu cơ và quỹ tương hỗ Chris Baggini của Hãng Turner Investment Partners. Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ đang đua nhau để mua được cổ phiếu Facebook ở mức giá phát hành, hy vọng giá trị cổ phiếu này sẽ tăng vọt như sau cuộc IPO như các cổ phiếu đình đám khác.
Xét ở mức độ ảnh hưởng, Facebook đang tạo ra một giá trị mới cho bất kỳ ai sử dụng mạng internet, nhưng ở khía cạnh tài chính, có lẽ Facebook còn xa mới sánh được các đại gia như Google, Microsoft… Trong năm ngoái, doanh thu của Facebook chỉ đạt 3,7 tỷ USD với lợi nhuận là 1 tỷ USD. Con số này cho thấy, Facebook vẫn chưa chứng tỏ là công ty xứng tầm với giá trị cao ngất ngưởng hiện tại.
Tháng trước, Công ty công bố lợi nhuận quý I và doanh thu sụt giảm so với quý IV năm ngoái.
Đây cũng là lý do khiến không ít người nghi ngại cơn cuồng nhiệt thái quá xung quanh Facebook.
Michael Belanger, một luật sư từ Oklahoma City và vẫn đang tham gia đầu tư vào cổ phiếu, nói ông sẽ bỏ qua đợt IPO của Facebook vì ông nghĩ giá của cổ phiếu này quá cao. Scott Schermerhorn, Giám đốc đầu tư của Hãng Granite Investment Advisors nói rằng, hãng của mình sẽ tránh xa cơn sốt IPO Facebook.
“Đấy là một cổ phiếu theo mốt”, ông nói.
Sự thận trọng luôn có, nhưng không phải vô lý mà đám đông đang tạo ra sự cuồng nhiệt thái quá như hiện nay. Lý do có thể giải thích qua trường hợp của những nhà đầu tư sau:
Người thứ nhất là Jim Supple, một nhân viên của công ty phần mềm tại New York. Vào mùa thu năm ngoái, khi ông đang chở con gái mình là Jade, cô bé quay đã sang hỏi ông: “Bố, con có thể mua một ít cổ phiếu của Facebook không?”.
Dù đã dạy Jade về đầu tư cổ phiếu được nhiều năm, và đã giúp con đầu tư tiền vào một vài cổ phiếu như eBay và Disney, nhưng lời đề nghị vẫn khiến ông sửng sốt. Từ đó, Supple đã cố gắng trích ra 25.000 USD trong số tiền tiết kiệm cho con vào đại học để mua cổ phiếu Facebook. “Nếu cổ phiếu của Facebook được giống như của Google, tôi sẽ được một món hời”.
Vào 17/1/2012, Supple đã cố gắng mua cổ phiếu này trong một cuộc đấu giá bán 70.000 cổ phiếu Facebook của hai cựu nhân viên của Facebook thông qua SharesPost Inc., một thị trường thứ cấp cho cổ phiếu Facebook. Cuộc đấu giá khởi điểm với giá 31 USD/cổ phiếu và ông đặt 32,01 USD. Nhưng nhân viên môi giới SharesPost đã nói với ông là ông không thể mua được ở mức giá đó và khuyên ông đặt mức giá cao hơn nhiều lần như thế, khiến ông bỏ cuộc. Và giờ đây, Supple chỉ có thể tiếp tục hy vọng khi thời điểm IPO của Facebook diễn ra.
Người thứ hai là Todd Benrud, một giáo viên công nghệ ở California. Vào ngày 30/1, khi báo chí tràn ngập tin Facebook sẽ nộp hồ sơ IPO, một cậu học sinh cuối cấp 3 của Trường Brandon Hyatt đã đăng một bài lên forum của câu lạc bộ (CLB) đầu tư ở trường Grossmont với tiêu đề in hoa “MUA FACEBOOK!!!!”
Dòng lưu ý này đã lôi kéo hàng loạt các giáo viên công nghệ và cả người giám sát CLB là Todd Benrud vào cuộc. Mỗi sáng thứ Hai và thứ Tư, Benrud chuyển giờ học công nghệ của mình thành một sàn giao dịch của Charity Student Investment Project, một câu lạc bộ đầu tư phi lợi nhuận do sinh viên lập ra. Tại đó mỗi sinh viên dùng một máy tính để nghiên cứu để sinh lợi cho một khoản tiền đầu tư bằng tiền thật là 2.900 USD.
Khi Benrud tổ chức biểu quyết về việc có nên theo đuổi cổ phiếu Facebook không, mọi cánh tay đều giơ lên, dù Benrud nói với học sinh của mình là sẽ không dễ gì mua được cổ phiếu này. Vì quy tắc của CLB không cho phép đổ quá 10% tiền vào một cổ phiếu nào đó, CLB sẽ chỉ được mua được cùng lắm là 10 cổ phiếu của Facebook.
Để cố gắng giúp học sinh của mình mua được cổ phiếu Facebook, Benrud đã gặp môi giới của Morgan Stanley vào tháng 3 và nói muốn chuyển tài khoản tiết kiệm hưu trí của mình cho viên môi giới này. Sau một tiếng rưỡi nói chuyện, ông mới bộc lộ mục đích thật sự là mua cổ phiếu của đại gia mạng xã hội. Đáp lại, viên môi giới đã nhún vai và chỉ nói duy nhất một tiếng “Facebook?”
Benrud kể lại việc viên môi giới nói rằng, cả ông lẫn CLB của ông đều không đủ tiền để được đặt mua cổ phiếu này. “Điều đó làm tôi thực sự cụt hứng.” Sau đó trước đợt roadshow của Facebook, Benrud lại cố gắng một lần chót liên hệ với môi giới của Wells Fargo để mua cổ phiếu này vào ngày IPO, nhưng môi giới của hãng này lại nói CLB của ông không đủ tiêu chuẩn.
Hàng trăm ví dụ như vậy đang được giới truyền thông tài chính quốc tế thêu dệt trước ngày IPO của Facebook. Nếu bạn đã dùng Facebook, 38 USD/cổ phiếu hoặc cao hơn nữa thì đã sao, chắc chắn bạn không ngại ngần bỏ ra con số đó nếu bạn được phép mua tối thiểu 1 cổ phiếu.
Quang Minh
đầu tư chứng khoán
|