Ngân hàng đổi hướng
Nếu chưa vội quên, ắt hẳn mọi người còn nhớ chính bầu Kiên đã xác nhận mình là đại diện cho một nhóm cổ đông lớn ở Eximbank và ông đã từng đề nghị nếu giải đấu V-League không được cải thiện ông sẽ đề nghị rút khỏi việc tài trợ chính cho giải đấu.
Mới đây, ở đại hội cổ đông ngân hàng Eximbank, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về chuyện liệu đầu tư vào thể thao bằng việc là nhà tài trợ chính cho giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam liệu có phải là quyết định khôn ngoan? Thật ra, đây không phải là lần đầu vấn đề này đưa ra.
Nếu chưa vội quên, ắt hẳn mọi người còn nhớ chính bầu Kiên đã xác nhận mình là đại diện cho một nhóm cổ đông lớn ở Eximbank và ông đã từng đề nghị nếu giải đấu V-League không được cải thiện ông sẽ đề nghị rút khỏi việc tài trợ chính cho giải đấu. Thế nhưng, ngay cả khi việc điều hành giải đấu được trao về cho bầu Kiên, hình như các cổ đông còn lại của Eximbank cũng chẳng hài lòng cho lắm với việc tài trợ cho một giải đấu vừa tốn tiền vừa tai tiếng liên miên. Ông Lê Hùng Dũng với tư cách là người của ngân hàng cũng là người của VFF đã phải lên tiếng giải thích nhiều lần về “ý nghĩa” và sự “lợi hại” để thuyết phục các cổ đông còn lại tiếp tục đồng hành cùng giải, đến thời điểm này Eximbank vẫn gắn với V-League được đánh giá là có nỗ lực cá nhân của ông Dũng rất nhiều.
Thật ra sau phong trào “lao vào” bóng đá, không chỉ mỗi phía Eximbank ngán ngẩm mà nhiều đại gia cũng bắt đầu ngán. Ở Bình Dương, việc ngân hàng Maritime, đối tác của Becamex chọn cách chỉ ký tài trợ từng năm với đội bóng đất Thủ và có khả năng sẽ thôi ở mùa bóng sau, đã được chính các cầu thủ chủ chốt tiết lộ. Mọi chuyện bắt đầu từ việc ngay cả Becamex, nơi nhận nuôi đội bấy lâu cũng oải trước việc các cầu thủ làm mình làm mẩy, đầu tư rất tốn kém nhưng thành tích chẳng tương xứng và cũng doạ rút tên. Tình hình ở một đội bóng ngân hàng khác là Navibank Sài Gòn cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Lương chậm cả tháng nay, thưởng bị thiếu liền mấy trận, đến ngay tiền mua giày ở giai đoạn hai của cầu thủ cũng bị giam... Có vẻ như đến bây giờ nhiều ngân hàng dính vào bóng đá bắt đầu thấm sự cay đắng mà trước đó ngân hàng Đông Á đã phải trải qua khi “ôm” đội bóng CA TP.HCM đầy phức tạp.
Tất nhiên, việc phải quảng bá thương hiệu không thể ngừng lại và có vẻ như các ngân hàng đang chọn đường đi khác cho mình. Đầu tư vào các môn thể thao tuy sức lan toả vừa phải nhưng lại ít tốn kém hơn, và quan trọng là trung thực hơn. Sáng qua 29.6, hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu về giải đua xe đạp truyền thống lần thứ tám của mình bắt đầu từ ngày 4 – 7.6. Sau vài lần gián đoạn, lần này ban tổ chức giải đua xe đạp đã tìm được đối tác là ngân hàng Đông Á. Không chỉ chi tiền để giải mang tên cúp DONGA Bank, đại diện phía ngân hàng này còn tuyên bố sẽ gắn kết với giải đua trong những năm tới. Phía Đông Á thẳng thắn cho rằng, họ đã là ngân hàng đầu tiên đến với bóng đá nhưng, giờ họ chọn đua xe đạp bởi hợp lý hơn và quan trọng là đáp ứng tốt tiêu chí trung thực, điều rất rủi ro khi gắn với bóng đá. Nhưng điều bất ngờ hơn, cùng với cái tên ngân hàng Đông Á, giải đua đã bất ngờ xuất hiện thêm đội đua Eximbank. Tiền thân của đội đua này chính là Bảo vệ thực vật Sài Gòn mạnh nhất TP.HCM, vừa được khoác lên màu áo mới. Việc Eximbank bất ngờ có động thái chuyển sang bộ môn đua xe đạp cùng với ngân hàng Đông Á khiến không ít người làm bóng đá bắt đầu sốt ruột. Cũng tại buổi sáng qua, trưởng bộ môn xe đạp TP.HCM, ông Ngô Quang Vinh đã hào hứng cho biết: “Có vẻ như sau cơn mưa trời lại sáng, ngoài hai ngân hàng Đông Á và Eximbank, sắp tới có khả năng sẽ thêm ngân hàng Sacombank quan tâm đến bộ môn đua xe đạp”.
Đã qua rồi cái thời chi tiền như nước cho bóng đá chỉ vì những mối quan hệ hay hư danh, khi đồng tiền được đặt lên bàn cân để tính toán hiệu quả từ đầu tư, có vẻ như bóng đá đang bắt đầu thất thế bởi yếu tố trung thực, lành mạnh dường như quá nhạt nhoà.
Tất Đạt
SGTT
|