Thứ Sáu, 11/05/2012 13:09

Ngã ba của vàng

Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng được gia hạn sẽ chấm dứt vào ngày 25-11 thay vì ngày 1-5 (theo Thông tư 12 sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2011/TT-NHNN). Mặc dù các chính sách về vàng gần đây đã có hướng thu hẹp hơn “không gian” hoạt động của vàng, song người dân vẫn còn thắc mắc vàng sẽ ra sao từ bây giờ và sau ngày 25-11?

Đường đi nào cho vàng?

Các tổ chức tín dụng chưa bị cấm triệt để việc huy động và cho vay bằng vàng, họ vẫn có thể phát hành chứng chỉ ngắn hạn để chi trả cho khách khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ, theo thông tư gia hạn huy động vàng nói trên. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức, không được lách luật bằng cách giữ hộ vàng có lợi tức mà chỉ được cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng mà theo đó khách hàng phải trả phí.

“Vẫn thế thôi” - trưởng bộ phận kinh doanh vàng một ngân hàng thương mại nhận xét. Ông nói rằng việc NHNN gia hạn thêm bảy tháng cho các ngân hàng, về hình thức chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC có thêm thời gian để cân đối vốn kinh doanh, sổ sách, đẩy nhanh tất toán các giao dịch trước đây. “Cũng như các chính sách trước đây của NHNN, nó không giải quyết được vấn đề vàng hóa trên thị trường. Thị trường vàng vẫn thế, chứng chỉ vàng cũng vẫn thế”, theo vị này.

Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải lại cho rằng: “Đây là quyết định sáng suốt vì quy định về huy động vàng trong dân chưa được ban hành nên nó giúp việc huy động vàng không bị ngắt quãng, nếu ngưng lại các ngân hàng sẽ mất đi một lượng vốn không nhỏ trong dân”. Theo báo cáo tài chính quí 1-2012 của ACB, tại thời điểm 31-3-2012, số vốn huy động qua “chứng chỉ tiền gửi vàng” của ngân hàng là hơn 49.000 tỉ đồng (tăng gần 6.000 tỉ so với con số hơn 43.400 tỉ vào cuối năm ngoái). So sánh với tổng số “tiền gửi của khách hàng” tại ngân hàng vào cùng ngày là hơn 145.290 tỉ đồng, chứng chỉ tiền gửi vàng chiếm khoảng một phần ba. ACB là một trong ba ngân hàng hoạt động mạnh nhất trên thị trường vàng thời gian qua.

Theo ông Hải, sắp tới sẽ phải có các hình thức huy động vàng khác nhằm thay thế hình thức giữ hộ vàng, bởi thực tế lượng vàng nằm trong dân còn quá lớn và các ngân hàng không thể không để mắt đến. Ví dụ như hình thức hợp đồng liên doanh. Tôi có vàng, anh là ngân hàng thương mại. Tôi ủy thác cho anh đầu tư và cam kết trả lại lợi tức đầu tư cho tôi trong khoảng thời gian nào đó, gồm cả lãi suất bao nhiêu và rủi ro là bao nhiêu. “Các công ty “đánh” vàng, ngoại tệ hiện có hình thức đó”, ông nói với TBKTSG.

Cũng như các chính sách trước đây của NHNN, Thông tư 12 sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2011/TT-NHNN không giải quyết được vấn đề vàng hóa trên thị trường. Thị trường vàng vẫn thế, chứng chỉ vàng cũng vẫn thế.

Cách đây một năm, vào ngày 29-4-2011, NHNN đã có Thông tư 11 quy định các ngân hàng sẽ phải ngừng triển khai hợp đồng mới với các khách hàng vay vàng từ ngày 1-5-2011 và chỉ được huy động vàng phục vụ mục đích chi trả. Cơ quan quản lý đã cho các ngân hàng một năm để tất toán các hợp đồng đã ký, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn và tín dụng trên toàn hệ thống, để đến ngày 1-5-2012, toàn bộ hoạt động cho vay và huy động vàng sẽ phải dừng hẳn. Tại sao các ngân hàng không những không chuẩn bị cho việc này mà gần đây còn đẩy lãi suất huy động vàng lên hay lách luật bằng hình thức giữ hộ vàng có trả lãi? Và bây giờ NHNN lại một lần nữa gia hạn huy động vàng?

Vậy, nếu sau ngày 25-11 tới, người dân gửi vàng tại ngân hàng không những không được lãi suất khoảng 3%/năm như hiện nay mà còn phải nộp thêm phí giữ hộ thì điều tất yếu là sẽ có đợt rút vàng đồng loạt từ các ngân hàng. Ngân hàng lấy đâu một lượng vàng rất lớn để trả cho họ? Đó là một sức ép lớn mà chính các ngân hàng cũng chưa có giải pháp.

Vẫn dùng dằng

Điều đó cũng đặt ra một bài toán có thời hạn với NHNN. Các quy định về huy động vàng trong dân cần được xây dựng, ban hành và chuẩn bị để sau ngày 25-11, dòng vàng huy động chính thức không bị ngắt quãng, chảy lòng vòng ra thị trường tự do hay đâu đó không có lợi cho nền kinh tế và người dân giữ vàng được đối xử công bằng hơn.

Còn nếu sau ngày 25-11, chưa có đường đi mới cho vàng, hoặc Nhà nước cấm huy động vàng hay chỉ cho phép vài đơn vị lớn mua bán thì vàng lại quay về “nằm dưới nệm”, thiếu kênh thanh khoản. Trong khi đó, nhu cầu mua đi bán lại vàng vẫn cao, ai dám chắc sẽ không ra đời một thị trường vàng tự do như ngoại tệ?

Một chuyên gia lâu năm về kinh tế vĩ mô cho rằng, NHNN vẫn làm theo hướng quản lý chặt chẽ các thị trường để cho một thị trường phát triển, nghĩa là vực dậy từng thị trường chứ không thể cùng một lúc cứu tất cả. Ở thời điểm này, tỷ giá đang ổn định, vàng đang được quản lý thông qua cơ chế hành chính (với Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC), các động thái với thị trường chứng khoán đang yên ắng để tập trung vào thị trường bất động sản. Động thái gia hạn của NHNN với chứng chỉ vàng cũng vẫn nhất quán với “tính cách” đó.

Hồng Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giá vàng tăng ngược chiều thế giới (11/05/2012)

>   Giá vàng nhích nhẹ khi nỗi lo châu Âu lắng dịu (11/05/2012)

>   Vàng: Những dấu hiệu mất an toàn (11/05/2012)

>   Thị trường vàng: Hồi hộp trước giờ G (10/05/2012)

>   Vàng trong nước tăng 220.000 đồng (10/05/2012)

>   Vàng rớt mốc 1,600 USD/oz do lo ngại về Eurozone (10/05/2012)

>   Vàng trong nước lao dốc một triệu đồng mỗi lượng (09/05/2012)

>   Rớt gần 35 USD/oz, vàng xuống đáy 2012 (09/05/2012)

>   Giá vàng chính thức tuột mốc 42 triệu đồng/lượng (08/05/2012)

>   DN vàng nhỏ: Đến đâu hay tới đó (08/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật