KPMG: M&A ở Việt Nam đã thực chất hơn
Nếu trước đây trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) có nhiều thương vụ chủ yếu là đầu tư tài chính, thì hoạt động này đã thực chất hơn, với việc nhiều công ty nước ngoài thông qua M&A để đầu tư lâu dài tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG.
|
Vietcombank sau gần 4 năm IPO mới có đối tác chiến lược nước ngoài |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 28-5, ông Nguyễn Công Ái cho biết, theo các số liệu Công ty TNHH KPMG có được thì tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2011 là 4,4 tỉ đô la Mỹ, so với 3,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010. Con số này cho thấy tổng giá trị M&A trong năm ngoái là có tăng, nhưng không tăng đột biến.
Tuy nhiên, khác biệt là năm ngoái có nhiều thương vụ hơn. Cụ thể, số thương vụ thành công trong năm ngoái là 262, trong khi năm 2010 là 236. Điều đáng nói là, ngoài các khoản đầu tư tài chính từ các quỹ tư nhân, đã có nhiều khoản đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược.
Trong các nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm qua thông qua M&A, có nhiều doanh nghiệp lớn và có thương hiệu nổi tiếng. Nhiều trong số họ, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản vốn đang tìm cơ hội đầu tư ở những nước ít rủi ro sau thảm hoạ động đất tháng 3-2011, vào Việt Nam với mục đích làm ăn lâu dài.
Thường các thương vụ M&A của Nhật Bản phải mất 2-3 năm, nhưng năm rồi nhiều thương vụ mất xấp xỉ một năm, cho thấy sự năng động thực sự của doanh nghiệp Nhật Bản. Những biểu hiện tích cực này trong M&A dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2012, vị phó tổng giám đốc của công ty vốn có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn M&A cho biết.
Lý do số giao dịch thành công trong năm qua tăng, theo ông Ái, là các chủ doanh nghiệp của Việt Nam đã hiểu được sự cần thiết của việc hợp tác để cùng phát triển. Ông Ái cũng cho rằng đây không chỉ đơn thuần là bán doanh nghiệp mà là hợp tác thực sự giữa hai bên.
“Ngoài ra, trong năm 2011 do tình hình kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nhiều khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam không đòi giá cao một cách phi lý như trước, mà thường có sự thỏa hiệp để tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ với 80 triệu dân của Việt Nam thực sự hấp dẫn, bên cạnh chiến lược dài hạn phân bổ rủi ro của họ”, ông Ái nói.
Doanh nghiệp Nhật Bản mua nhiều dự án bất động sản
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG, cho biết hiện doanh nghiệp Nhật Bản mua nhiều dự án bất động sản, như các dự án cao ốc văn phòng đã hoạt động rồi và có giá cả hợp lý.
Theo ông Ái, trong năm 2011, số thương vụ thành công trong ngành bất động lên đến 29 vụ so với 18 vụ trong 2010. Ông Ái cho biết không rõ số thương vụ do các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện trong ngành này, nhưng chắc chắn là không ít.
Đây là điều khá mới vì doanh nghiệp Nhật Bản trước đây đầu tư chủ yếu vào ngành sản xuất, và rất hiếm khi đầu tư vào bất động sản. Ông Ái giải thích, doanh nghiệp Nhật Bản không phải là những nhà đầu cơ, nên khi thị trường bất động sản tại Việt Nam nóng thì không thấy bóng dáng của họ, nhưng khi giá xuống và về giá trị thực thì họ vào.
Người Nhật Bản là các nhà đầu tư lâu dài, nên khi thấy rõ tiềm năng là họ sẵn sàng tham gia. Năm 2012 có lẽ tiếp tục là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, nhất là vào các dự án cao ốc văn phòng giá hợp lý, theo ông Ái.
T.Thu
TBKTSG Online
|