IPO của Carlyle Group tạo ra hơn 100 triệu phú USD
Ngày 3/5/2012, Carlyle Group, một tập đoàn đầu tư tư nhân của Mỹ, được đánh giá là một tổ chức “lobby” siêu hạng có trụ sở chính đặt tại Washington D.C (thủ đô Mỹ) đã chính thức thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK New York.
Carlyle đã bán ra 30,5 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 10% cổ phần), với giá ban đầu là 22 USD/cổ phiếu. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/5, giá cổ phiếu của Carlyle chỉ nhích lên mức 22,05 USD/cổ phiếu, tức là tăng không đáng kể. Như vậy, IPO của Carlyle có trị giá 671 triệu USD. Đây là IPO lớn thứ 2 ở Mỹ kể từ đầu năm đến nay.
Với kết quả trên, giá trị vốn hoá thị trường của Carlyle ước đạt 6,7 tỷ USD và trên giấy tờ, tính theo giá trị của cổ phiếu tương ứng với số lượng cổ phiếu nắm giữ, hơn 100 nhà quản lý, nhân viên của Carlyle Group có tài sản trên 1 triệu USD. Báo chí Mỹ đã gọi sự kiện này là nước Mỹ có thêm câu lạc bộ hơn 100 nhà triệu phú USD.
Trong số này, 3 vị đứng đầu đều là đồng sáng lập và đồng Giám đốc điều hành (CEO) Carlyle Group gồm các ông Dan D’Aniello, William E. Conway và David M. Rubenstein (cả ba người sở hữu tổng cộng 51% cổ phần) trở thành tỷ phú USD ngay tức thì.
Trên thực tế, 3 vị thủ lĩnh này đều thuộc loại giàu “nứt đố, đổ vách”. Trong lịch sử hơn 25 năm tồn tại của Carlyle (từ năm 1987), mỗi vị đã kiếm được cỡ hàng trăm triệu USD. Chẳng hạn, riêng năm 2011, mỗi vị đều bỏ túi 138 triệu USD. Một điều thú vị nữa là, theo xếp hạng mới nhất của Tạp chí kinh doanh Forbes (Mỹ), tính đến hết tháng 3/2012, với tổng giá trị tài sản đều ở mức 2,8 tỷ USD, cả ba cùng chung nhau vị trí tỷ phú giàu thứ 418 trên thế giới.
Carlyle hiện có gần 100 quỹ lớn, nhỏ quản lý khoảng 167 tỷ USD. Các quỹ này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, như mua bán & sáp nhập (M&A), kinh doanh bất động sản, đầu tư mạo hiểm…
Ông David M. Rubenstein nhận xét về IPO của Carlyle như sau: “Chúng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra là thu hút các nhà đầu tư tổ chức có uy tín. Chính đối tượng này mới là chỗ dựa để Carlyle phát triển ổn định trong dài hạn”.
Ba “đại gia” về tài chính là JPMorgan Chase, Citigroup (đều của Mỹ) và Credit Suisse (Thuỵ Sỹ) đã được thuê làm tư vấn và bảo lãnh thực hiện IPO cho Carlyle.
Theo nhiều nhà phân tích, điều đáng chú ý nhất ở Carlyle là đội ngũ nhân viên đều là những nhà tư vấn tài chính, đầu tư tài giỏi, không chỉ về chuyên môn, mà còn có những mối quan hệ “ra vấn đề” với các thượng nghị sỹ, hạ nghị sỹ Mỹ cũng như thành viên Chính phủ Mỹ. Hơn thế nữa, nhiều chính khách Mỹ lừng lẫy một thời đều được Carlyle chiêu mộ làm cố vấn cao cấp hay là thành viên danh dự. Xin kể ra một vài cái tên tiêu biểu, như ông George H.W. Bush (bố), nguyên Tổng thống Mỹ (nhiệm kỳ 1989-1992); Frank Carlucci, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (từ năm 1987 đến 1989); James Baker, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ (từ năm 1985 đến 1989) và nguyên Ngoại trưởng Mỹ (từ năm 1989 đến 1992); Arthur Lewitt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton… Ở nước ngoài, Carlyle cũng giỏi xây dựng quan hệ thân thiết với nhiều chính khách nổi tiếng, có thế lực một thời, như ông John Major (nguyên Thủ tướng Anh) từng làm Chủ tịch Chi nhánh của Carlyle tại châu Âu (2001-2004); ông Fidel V. Ramos, nguyên Tổng thống Philippines; ông Thaksin Shinawatra, nguyên Thủ tướng Thái Lan (cả hai đều từng là thành viên Ban cố vấn cao cấp của Carlyle)…
Cách thức đầu tư phổ biến nhất của Carlyle là tìm mua những công ty làm ăn yếu kém, gần bị phá sản, sau đó tái cơ cấu, “vỗ béo” và bán đi kiếm lời. Công ty Uniboring (Mỹ) là 1 ví dụ cụ thể. Cách đây 6 năm, Uniboring này chỉ có 465 nhân viên với doanh thu hàng năm 100 triệu USD, song làm ăn thua lỗ kéo dài. Carlyle đã mua lại với giá khá rẻ, cải tổ lại bộ máy lãnh đạo, để rồi sau hơn 5 năm, Uniboring có tới 2.365 nhân viên, với doanh thu gần 600 triệu USD/năm và có lãi. Tháng 12/2011, Carlyle đã bán Uniboring, với giá hơn 400 triệu USD, kiếm lời lớn.
Bình luận về câu lạc bộ hơn 100 nhà triệu phú USD mới của Carlyle, một số nhà phân tích cảnh báo, các triệu phú trên giấy cũng đừng mừng vội, vì giá cổ phiếu của các tập đoàn hoạt động trong cùng lĩnh vực như Carlyle đều có xu hướng sụt giảm trong thời gian qua. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Blackstone Group giảm gần 63% kể từ khi thực hiện IPO vào năm 2007; giá cổ phiếu của Fortress Investment Group còn giảm mạnh hơn, tới 84,6% kể từ khi lên sàn vào năm 2006…
Gần đây nhất, tháng 4/2012, Oaktree Capital Group lên sàn với giá 43 USD/cổ phiếu, thì nay tụt xuống mức xung quanh 40 USD/cổ phiếu.
Hơn nữa, theo quy định riêng của Carlyle, tất cả các cổ đông sở hữu cổ phiếu của Carlyle chỉ được phép chuyển nhượng cổ phiếu sau vài năm nữa.
Trung Hiếu
đầu tư chứng khoán
|