Tháng giảm điểm đầu tiên của S&P 500 trong năm 2012
Dow Jones nhích 0.01%/tháng, đánh dấu tháng khởi sắc thứ 7 liên tiếp, đợt tăng giá dài nhất từ 31/01/2007
Chỉ số S&P 500 trải qua tháng giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 11/2011 trước các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể đang giảm tốc và suy thoái tại Tây Ban Nha đã nêu bật các rủi ro tại Eurozone.
* Tây Ban Nha rơi vào cuộc suy thoái thứ hai kể từ năm 2009
Dù giảm điểm trong ngày thứ Hai nhưng bức tranh thị trường nhìn chung không quá tiêu cực khi S&P 500 chỉ giảm 0.8% trong tháng 4. Bốn phiên phục hồi liên tiếp trước đó đã giúp chỉ số này lấy lại phần lớn số điểm đã mất trong tháng qua.
Tuy nhiên, một loạt số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ có thể giảm tốc trong các tháng hè và là nguyên nhân khiến thị trường chững lại khi sắp chạm các mức cao nhất trong 4 năm. Đà sụt giảm mạnh hơn dự báo của hoạt động kinh tế tại vùng Trung Tây trong tháng 4 được công bố trong ngày thứ Hai là chứng cứ mới nhất về sự suy yếu của nền kinh tế.
Thêm vào đó, Tây Ban Nha thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này tăng trưởng âm trong quý 1/2012, kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm hạ thấp thâm hụt ngân sách và những khó khăn của hệ thống ngân hàng có thể trì hoãn quá trình phục hồi của nước này. Dù đã được dự báo trước nhưng thông tin trên nhấn mạnh đến những khó khăn trầm trọng mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt.
Ngân hàng là nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường do thông tin Standard & Poor's (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm của 11 ngân hàng Tây Ban Nha sau khi hạ bậc tín nhiệm của nước này trong tuần trước. Chỉ số S&P tài chính giảm 0.6%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 14.68 điểm (0.11%) xuống 13,213.63 điểm, chỉ số S&P 500 rớt 5.45 điểm (0.39%) xuống 1,397.91 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 22.84 điểm (0.74%) xuống 3,046.36 điểm.
Tính chung trong tháng 4, Dow Jones nhích 0.01% còn S&P 500 giảm 0.8% và Nasdaq rớt 1.5%. Trong 3 tháng đầu năm 2012, cả 3 chỉ số chính đều tăng ít nhất 2%/tháng.
Bất chấp tình trạng yếu kém gần đây, Dow Jones vẫn còn tăng 8%, S&P 500 tiến 11% và Nasdaq vọt 17% trong năm 2012.
Diễn biến của chỉ số S&P 500 từ đầu năm 2012 đến nay |
Khối lượng giao dịch thuộc hàng thấp nhất trong năm với khoảng 6.1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm nay là 6.8 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, tăng 5.1% sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một tuần.
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về nguy cơ điều chỉnh khi bước vào giai đoạn được xem là yếu kém của thị trường chứng khoán, bắt đầu vào tháng 5. Đặc biệt là khi kinh tế Mỹ đang suy yếu và châu Âu phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 30/04:
Nguồn: VietstockFinance |
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|