Hy Lạp: Bế tắc chính trị gây rủi ro cho gói cứu trợ
Hy Lạp có thể sẽ phải tiến hành bầu cử lại khi các cuộc thương lượng vào cuối tuần về việc thành lập chính phủ liên minh đã không đạt được những tiến triển rõ ràng và điều này có thể ảnh hưởng tới những cải cách, đồng thời đặt nước này trước nguy cơ phải ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone).
Theo thủ lĩnh Liên minh các lực lượng cực tả Syriza, Alexis Tsipras, trong cuộc thảo luận khẩn cấp ngày 13/5, ba đảng gồm đảng Dân chủ mới bảo thủ, đảng Xã hội Pasok và đảng Dân chủ cánh tả đã đạt được một thỏa thuận khung để thành lập một chính phủ trong hai năm.
Mặc dù được cho là đảng duy nhất có thể tham gia liên minh với đảng Dân chủ mới bảo thủ và đảng Xã hội Pasok, song trong phản ứng mới nhất đảng Dân chủ cánh tả đã bác bỏ thông tin trên.
Nếu các thủ lĩnh chính trị ở Hy Lạp không thể thành lập được một chính phủ đoàn kết vào ngày 17/5, nước này sẽ phải tiến hành bầu cử lại vào giữa tháng Sáu, với khả năng giành thắng lợi của các lực lượng chống các biện pháp khắc khổ có thể còn lớn hơn.
Việc chưa có được một chính phủ đoàn kết đang gây rủi ro cho gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, khi không có gì đảm bảo nước này sẽ thực thi các điều kiện của gói cứu trợ đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và IMF.
Trong khi hai đảng ủng hộ các biện pháp khắc khổ là đảng Dân chủ mới bảo thủ và đảng Xã hội Pasok đã không thể thành lập được liên minh sau cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 6/5, thủ lĩnh Liên minh các lực lượng cực tả Syriza hay đảng Dân chủ cánh tả lại lên tiếng ủng hộ việc hủy bỏ các biện pháp khắc khổ vốn là điều kiện của gói cứu trợ.
Các nhà tài trợ quốc tế của Hy Lạp đã cảnh báo sẽ không có thêm khoản tiền mới nào trong gói cứu trợ thứ hai được cấp cho Hy Lạp nếu nước này lơ là các cải cách cơ cấu đã được yêu cầu nhằm phục hồi nền kinh tế.
Ủy ban châu Âu đã dự báo kinh tế Hy Lạp vốn đang trong năm suy thoái thứ năm sẽ giảm 4,7% trong năm nay và không tăng trưởng trong năm tới.
Trong khi đó, Fitch cảnh báo việc Chính phủ Hy Lạp không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các điều khoản cứu trợ đang làm gia tăng nguy cơ nước này phải ra khỏi Eurozone.
Khi bế tắc chính trị tại Hy Lạp chưa được khơi thông, các Bộ trưởng tài chính Eurozone nhóm họp tại Brussels trong ngày 14/5 để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới các đảng phái chính trị ở nước này rằng đất nước đang ngập trong nợ nần sẽ phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận cứu trợ đã ký, nếu không sẽ đứng trước lựa chọn là ra khỏi Eurozone.
Ngoài Hy Lạp, cuộc họp trên cũng sẽ tập trung vào vấn đề của Tây Ban Nha, khi có nhận định rằng nước này sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu hạ thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP vào cuối năm tới.
Những cải cách trong lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu căn bản đối với Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, khi sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã để lại khối nợ xấu khổng lồ cho các ngân hàng nước này./.
Lê Minh
vietnam+
|