Cập nhật Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012
GMD nuôi ý định thâu tóm các công ty logistics
Sáng 09/05, ĐHĐCĐ của CTCP Gemadept (HOSE: GMD) đã bàn luận sôi nổi về kế hoạch 2012, việc phát hành trái phiếu và đặc biệt là các dự án đang triển khai như Nam Hải Đình Vũ và trồng cao su tại Campuchia.
Năm 2012 giảm hoạt động shipping
Năm 2012, GMD đặt kế hoạch 2012 với doanh thu 2,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Minh – TGĐ cho biết, sở dĩ công ty đặt kế hoạch thận trọng này xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hồi phục. Đến hết quý 1, khó khăn về đầu ra của doanh nghiệp đang là vấn đề hết sức nan giải trong khi xuất khẩu giảm sút, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất so với những năm gần đây, sức mua giảm rõ rệt cho thấy dấu hiệu thiểu phát, lượng hàng tồn kho lớn… Những yếu tố tiêu cực này tạo nên một sức ép lên hầu hết các doanh nghiệp nói chung và các lĩnh vực hoạt động chính của GMD như vận tải hàng hóa, khai thác cảng, logistics và bất động sản nói riêng.
Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước và thế giới trong 3 năm qua liên tục thua lỗ. Bộ phận shipping của công ty đang được cơ cấu lại và trong năm nay doanh thu sẽ giảm ở ngành này.
Năm 2011, GMD đạt 2,383 tỷ đồng tổng doanh thu và 6.2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả này, GMD xin ý kiến cổ đông không phân chia lợi nhuận và trích lập các quỹ cho năm 2011.
Đại diện công ty cho biết, năm qua, lãi suất tăng nhưng công ty được các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng thấp hơn mặt bằng bình quân thị trường khoảng 12% linh hoạt giữa nội tệ và ngoại tệ. Công ty đã đưa rủi ro tỷ giá lên hàng đầu khi cập nhật thường xuyên và có chính sách phù hợp trong từng thời điểm để giảm thiểu chi phí lãi vay. Hiện tỷ trọng của hai khoản vay này là 50-50. Ngoài ra, công ty tái cấu trúc khoản vay và nâng khoản vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi từ 3-4% để công ty cắt giảm được chi phí lãi vay.
Công ty cũng thanh lý các danh mục đầu tư tài chính kém hiệu quả để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đầu năm 2012, thị trường chứng khoán có vẻ khả quan, nên khoản dự phòng của công ty đã vượt lên 10-15%, bộ phận tài chính đang thanh lý các khoản đem lại lợi nhuận. Đến cuối năm nếu thị trường tốt thì công ty sẽ thoái hết các khoản đầu tư tài chính này để tập trung vào lĩnh vực chính.
Phát hành trái phiếu sẽ kéo dài sang năm 2013
Về việc phát hành trái phiếu, ông Đỗ Văn Nhân – Chủ tịch HĐQT cho biết, năm qua thị trường tài chính rất xấu, ngoài ra, các tổ chức cũng đòi điều kiện cao hơn như lãi suất hay thời gian chuyển đổi… nên việc phát hành chưa thể thực hiện được. Một số quỹ đã trao đổi và đề xuất ý kiến về các điều kiện phát hành. Theo đó, công ty linh hoạt trình cổ đông những thay đổi và bổ sung cho phương án phát hành.
Theo đó, công ty sẽ phát hành trái phiếu với thời hạn từ 1-5 năm (cũ 3-5 năm). Đồng thời bổ sung phương án sử dụng vốn vào dự án cản container Nam Hải Đình Vũ. Như vậy, vốn từ đợt phát hành sẽ đầu tư vào dự án phát triển dịch vụ logistics, cảng Nam Hải Đình Vũ, dự án trồng rừng tại Campuchia, khu phức hợp Vientian Lào, Saigon Gem. Tổng cộng nguồn vốn cho các dự án này trong năm 2012 là hơn 34.86 triệu USD.
Thời điểm thực hiện từ quý 2/2012 đến quý 4/2013, thay cho phương án cũ là quý 4/2011 đến quý 4/2012.
Ngoài ra, công ty cũng bổ sung thêm việc chuyển nhượng tự do theo quy định của pháp luật trong kỳ hạn trái phiếu/nợ chuyển đổi. Đồng thời đảm bảo tỷ lệ tham gia của nước ngoài theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Trái phiếu/nợ chuyển đổi có thể được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định.
Tái cấu trúc theo 4 nhóm ngành chính
Trong năm nay, GMD sẽ tái cấu trúc công ty theo hướng tập trung vào 4 nhóm ngành nghề chủ chốt gồm Khai thác cảng, Logistics, Bất động sản và Trồng rừng.
Trong đó, Khai thác cảng sẽ bao gồm: Cảng Phước Long, GML Cái Mép, Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải, Dung Quất và cảng GMD Hoa Sen. Lĩnh vực Logistics gồm: Trung tâm phân phối, vận tải biển, đường bộ, đại lý giao nhận, vận tải hàng dự án và ga hàng hóa hàng không.
Lĩnh vực Trồng rừng sẽ gồm” Công ty Pacific Pearl, Pacific Pride, Pacific Lotus. Còn lại là Bất động sản với cao ốc Gemadept, Saigon Gem, khu phức hợp Viêng Chăn.
Quá trình tái cấu trúc sẽ diễn ra trong 2-3 năm và hiện công ty đang bắt đầu tiến hành. SCIC cho biết sẽ tư vấn và trực tiếp tham gia vào quá trình này khi tham gia vào Thành viên Ban kiểm soát GMD nhiệm kỳ này.
Theo ông Minh, khi tái cấu trúc thì việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn bởi có nhiều nhà đầu tư tổ chức chỉ muốn đầu tư vào một lĩnh vực riêng nào đó.
Nuôi ý định thâu tóm các công ty logistics
Nhà đầu tư thắc mắc, tại sao dự án Gemalink lại ngừng đầu tư trong khi đó lại đẩy mạnh cảng Nam Hải Đình Vũ?
Đại diện công ty cho biết, hiện công ty đang giãn tiến độ dự án Gemalink chứ không ngừng do tình hình thị trường hàng hải Việt Nam chịu chung khủng hoảng nên sản lượng thông quan không như kỳ vọng. Vì thế, nếu đưa vào khai thác sẽ bị hạn chế khi thị trường đang sụt giảm. Ngoài ra, ở dự án này công ty giãn tiến độ do dùng biện pháp kỹ thuật gia tải tự nhiên và sẽ đưa vào khai thác phù hợp với giai đoạn thị trường phục hồi.
Có một số thông tin cho rằng CMA-CGM muốn bán cổ phần trong Gemalink, ông Nhân khẳng định không có nguồn thông tin này. |
Trong khi đó, công ty tiến hành đẩy mạnh mở rộng cảng Nam Hải Đình Vũ do cảng này hiện đang bị quá tải khi sản lượng thông quan cảng tăng trưởng từ 10-15%. Đặc biệt lượng hàng đi Trung Quốc từ cảng này chiếm rất lớn, hiện chiếm gấp đôi so với cùng thời kỳ năm ngoái. Theo kế hoạch, quý 2/2013 công ty sẽ hoàn thành cảng Nam Hải Đình Vũ với diện tích bãi, cầu tàu gấp 3 lần cảng Nam Hải hiện tại ở Hải Phòng.
Ông Minh cho biết, công ty đang thực hiện M&A khi thâu tóm được cảng Nam Hải và thời gian tới sẽ thâu tóm một số công ty có hoạt động tốt trong lĩnh vực logistics.
Lợi nhuận từ cao su bình quân từ 100-150 triệu USD
Về dự án trồng rừng, trong năm nay GMD sẽ thực hiện khai hoang 7,000-8,000 ha và trồng mới 4,000-5,000 ha.
Theo ban lãnh đạo GMD, dù đây là lĩnh vực mới đối với GMD và HAG là doanh nghiệp đi trước trong dự án trồng cao su ở Campuchia. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định, cao su là nguồn tài nguyên mà cơ hội kinh doanh không bao giờ là quá muộn. Ngoài ra, nhu cầu cao su tự nhiên hiện đang tăng cao.
Tháng 3/2011 công ty nhận giấy phép khai hoang khi Chính phủ Campuchia cấp tô nhượng lên tới gần 30,000 ha và đến tháng 7 đã bắt đầu trồng được 500 ha với chi phí khoảng 6,000 USD/1ha. Như vậy, dự kiến vốn đầu tư cho dự án này khoảng hơn 150 triệu USD. Tháng 12/2011, công ty đã tiến hành đồng loạt và đảm bảo được 70% cây giống. Hiện dự án này đang rất nhuần nhuyễn với chi phí thấp và được các đơn vị khác đánh giá cao.
Dự kiến vườn cao su có thể đi vào khai thác kể từ năm 2016. Khi toàn bộ diện tích đi vào khai thác với giá bán mủ là 3,000-4,000 USD/tấn thì mỗi năm công ty có thể thu được lợi nhuận bình quân từ 100-150 triệu USD.
Thanh Nụ (Vietstock)
Finfonet
|