Nhà máy đường lãi khá trong khi giá mua mía thấp
Trong khi nhiều ngành sản xuất khác gặp khó khăn từ vốn lãi suất cao và sức mua thấp thì nhiều doanh nghiệp mía đường vẫn lãi cao.
Đáng chú ý là niên vụ mía đường 2011-2012 đang sắp kết thúc, giá mía mà nông dân bán cho các nhà máy đường lại ở mức thấp so với niên vụ trước.
Công ty đường Ninh Hòa (NHS) đạt lợi nhuận sau thuế trong quí 1 hơn 12 tỉ đồng, tăng gần 8 lần so với quí 1 năm 2011. Còn ở Công ty đường Biên Hòa (BHS), mặc dù giá vốn sản xuất và chi phí bán hàng đều tăng mạnh, cá biệt chi phí bán hàng tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2011, làm giảm lợi nhuận nhưng lãi ròng của công ty vẫn đạt 32,7 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (SEC) mặc dù đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm 2011 do chi phí tài chính và giá vốn tăng mạnh, nhưng vẫn đạt 26,96 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán, chi phí nguyên liệu của công ty tăng 18%, chi phí tài chính (chủ yếu là do lãi vay) của công ty tăng đến 30% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty Mía đường Lam Sơn (LSS) đạt 24 tỉ đồng, công ty này cũng dự tính sẽ kết thúc vụ ép vào cuối tháng 5.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ sản xuất 2011-2012 dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6 năm nay sẽ ép được 14,6 triệu tấn mía, sản xuất ra hơn 1,3 triệu tấn đường, giảm 87.000 tấn so với kế hoạch ban đầu.
Trong vụ, giá mía nông dân bán cho nhà máy 900.000 đến 1.050.000 đồng/tấn ở phía Bắc. Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá từ 900.000 đến 1.070.000 đồng/tấn. Ở khu vực Đông Nam Bộ, giá từ 1.000.000 đến 1.100.000 đồng/tấn. Và ở khu vực ĐBSCL, giá giảm xuống còn 950.000 đồng/tấn. Đây là mức giá được cho là thấp hơn niên vụ trước.
Phạm Thái
tbktsg
|