EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Ngày 24-5, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc nhưng hầu như không đưa ra được biện pháp cụ thể nào để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính khu vực.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. |
Yêu cầu Hy Lạp tôn trọng cam kết
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo EU cam kết hỗ trợ Hy Lạp, giữ nước này nằm trong khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) nhưng yêu cầu Hy Lạp phải tôn trọng những gì đã cam kết.
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đánh giá cao những nỗ lực của người dân Hy Lạp, đồng thời kêu gọi Athens tiếp tục thực hiện cải cách để đảm bảo chắc chắn nhất cho một tương lai thịnh vượng hơn trong eurozone.
Tuy nhiên, bên lề hội nghị, nhiều nhà ngoại giao tiết lộ các quan chức đã được giao trách nhiệm chuẩn bị một kế hoạch đối phó trong trường hợp Hy Lạp rút khỏi eurozone, nguyên nhân làm giá cổ phiếu và đồng EUR sụt giảm trên các thị trường.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại nếu Hy Lạp rời bỏ eurozone, các nhà đầu tư sẽ hoài nghi về khả năng tài chính của các nước thành viên yếu kém khác trong khu vực và gây nên làn sóng lo ngại về tài chính toàn cầu.
Tại hội nghị này, một vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết, châu Âu nên làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục lòng tin của giới đầu tư. Hai nhà lãnh đạo đứng đầu của Pháp và Đức vẫn chưa thống nhất được giải pháp cốt yếu giúp EU phục hồi đà tăng trưởng. Chương trình nghị sự về thắt chặt tiền tệ đã vấp phải sự hoài nghi ngày càng tăng của nhiều nước châu Âu.
Hội nghị lần này cho thấy vấn đề trái phiếu châu Âu (eurobond - các nước euro cùng phát hành) hoặc bất kỳ hành động nào mạnh mẽ hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ khó được thông qua trong tương lai.
Trong khi Tổng thống Pháp François Hollande đã có đề nghị eurobond cần được đưa vào chương trình nghị sự, Đức vẫn tỏ rõ quan điểm nói không với eurobond. Một số nước còn đề nghị các trái phiếu châu Âu nên dùng để tài trợ các dự án lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, Đức cũng tiếp tục bác bỏ đề xuất này.
Thực tế, các chính khách chỉ giao trách nhiệm các thể chế quan trọng của EU như Ngân hàng Đầu tư châu Âu đưa ra đề xuất thúc đẩy tăng trưởng để chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28 và 29-6 tới. Chủ tịch Van Rompuy cho biết ông sẽ có bản cáo về giải pháp giúp tăng trưởng EU vào hội nghị tháng 6 tới.
Cảnh báo cho châu Âu
Cùng ngày, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo châu Âu đang đứng trước nguy cơ rơi trở lại vào khủng hoảng ngày càng lớn và và có thể kéo theo cả thế giới. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế 17 quốc gia thuộc eurozone sẽ là -0,1% trong năm nay, trước khi tăng trở lại 0,9% trong năm tới. OECD cũng dự kiến tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone ở mức cao 10,8% trong năm nay và trên 11% vào năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang đứng ở mức 10,9%, mức cao nhất kể từ khi đồng EUR được đưa vào lưu hành năm 1999.
OECD nhận định nợ công của nhiều nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, trong khi hệ thống ngân hàng suy yếu, ngân sách bị cắt giảm quá mức và tăng trưởng giảm sút. OECD cho rằng châu Âu cần linh hoạt trong kỷ luật ngân sách, khi chính sách khắc khổ đang gây tác hại đến tăng trưởng. OECD cũng nhấn mạnh châu Âu cần chú tâm đến vấn đề thất nghiệp và trợ giúp tầng lớp khó khăn nhất, giảm các sức ép do các chính sách thắt lưng buộc bụng gây ra.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng khu ở eurozone có thể gây tổn hại tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Á. WB kêu gọi eurozone phải vừa áp dụng chính sách tăng trưởng vừa áp dụng thắt lưng buộc bụng mới mong thoát khỏi khó khăn.
Công ty nghiên cứu thị trường Markit (Anh) ngày 24-5 công bố kết quả các cuộc thăm dò cho biết các hoạt động của khu vực tư nhân eurozone bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong gần 3 năm qua. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) đã giảm xuống 45,9 điểm trong tháng 5 so với 46,7 điểm trong tháng 4. Bất kỳ con số nào dưới mức 50 đều thể hiện sự sụt giảm đáng báo động trong sản xuất và đầu ra của dịch vụ. |
Đỗ Văn (tổng hợp)
sggp
|