Thứ Tư, 23/05/2012 19:12

Hiệu ứng domino nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone

Khả năng Hy Lạp rời khỏi Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn treo lơ lửng. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề thương mại Karel de Gucht từng cho rằng, cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lẫn Ủy ban châu Âu (EC) đều đang nghiên cứu khả năng này, mặc dù sau đó ECB và Brussels sau đó đã bác bỏ tin trên.

Nhưng dường như một số các tổ chức đang chuẩn bị để đối phó với kịch bản Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Một hãng chuyên in tiền đang sửa soạn để có thể ấn hành đồng drachme, đơn vị tiền tệ của Hy Lạp, trong một thời gian rất ngắn.

Vấn đề đặt ra là liệu đây có phải là giải pháp giúp quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng và xóa được các khoản nợ công tương đương với gần 150 % GDP hay không?

Đánh giá việc liệu "chia tay" khối euro sẽ có lợi hay không cho Hy Lạp, Giáo sư kinh tế Daniel Cohen cho rằng trong ngắn hạn, câu trả lời là "không".

Ước tính, nếu Hy Lạp rời bỏ Eurozone thì thiệt hại ban đầu có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Trước hết, một khi từ bỏ đồng euro để quay trở lại với đồng drachme, đơn vị tiền tệ quốc gia Hy Lạp sẽ bị mất giá 50%. Điều đó có nghĩa là hàng nhập khẩu vào Hy Lạp sẽ trở thành một thứ xa xỉ phẩm.

Lạm phát qua đó gia tăng, ngành ngân hàng lâm vào cảnh lao đao trong một thời gian đầu. Nhưng sau giai đoạn hỗn loạn ban đầu, sản xuất và xuất khẩu của Hy Lạp sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Tuy nhiên kịch bản này chỉ có thể xảy tới với điều kiện là chính quyền Aten thực sự có những biện pháp để vực dậy tăng trưởng để thu hút đầu tư cho giai đoạn ít nhất là từ 5-10 năm sắp tới. Nhìn từ góc độ đó, sự ra đi của Hy Lạp sẽ là một “tai họa” đối với khối euro.

Một quốc gia chỉ đóng góp 2% GDP của toàn khối, nhưng Hy Lạp sẽ làm lung lay toàn bộ Eurozone bởi vì sau Hy Lạp, một số các thành viên đang gặp khó khăn khác cũng sẽ ra đi.

Pháp, một trong những đối tác chính của Hy Lạp, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Thứ nhất, Pháp đang nắm đến 65 tỷ euro (23%) nợ công của Hy Lạp. Thứ hai là trong lĩnh vực xuât khẩu, Pháp là nước xuất khẩu đứng hàng thứ sáu cho quốc gia vùng Địa Trung Hải này, sau Đức, Nga, Ý, Trung Quốc và Hà Lan. Thứ ba là về phương diện đầu tư, theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Hy Lạp lên tới 2,8 tỷ euro, tương đương gần 3% tổng số vốn đầu tư vào nước này.

Như vậy Pháp là quốc gia đầu tư lớn hàng thứ tư đối với Hy Lạp. Chỉ riêng trong năm 2010 đã có tới 150 doanh nghiệp Pháp tham gia thị trường Hy Lạp, hiện diện trong nhiều lĩnh vực kinh tế từ ngành phân phối đến dược phẩm, từ du lịch đến năng lượng, từ công nghiệp hàng không đến ngành sản xuất xe hơi.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, theo đánh giá của ông Eric Dor, giám đốc điều hành môn quản trị kinh doanh tại đại học Lille (miền bắc nước Pháp), trong kế hoạch xóa 50% nợ công của Hy Lạp đang do các ngân hàng tư nhân quốc tế kiểm soát, các cơ quan tài chính của Pháp đã bị thiệt hại thêm 1,8 tỷ euro.

Các ngân hàng Pháp đã cấp tới gần 40 tỷ euro tín dụng cho các tư nhân ở Hy Lạp. Nếu như Aten ra khỏi Eurozone và sử dụng đồng drachme, đơn vị tiền tệ của Hy Lạp lại mất giá thêm 50% nữa thì coi như ngành tài chính của Pháp mất đi thêm một nửa khoản tiền 40 tỷ euro nói trên.

Ngoài những thiệt hại trực tiếp, giới tài chính Pháp còn phải chịu tác động gián tiếp khi các cơ quan thẩm định cho rằng phần vốn lõi của các ngân hàng Pháp bị giảm đi, nhà nước Pháp phải chia sẻ một phần gánh nặng của Hy Lạp.

Bản thân nước Pháp sẽ phải đi vay tín dụng của quốc tế với lãi suất cao hơn, nợ công của Pháp sẽ lại tăng lên và hậu quả sau cùng là những cơ quan xếp hạng tín dụng như Standard & Poor's hay Fitch có thế lại hạ điểm tín nhiệm của Pari.

Thiệt hại đối với nước Đức cũng sẽ lớn không kém khi biết rằng Đức là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Hy Lạp. Một mối băn khoăn khác cũng đang bắt đầu dấy lên - đó là điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp mất khả năng thanh toán nhưng vẫn trụ lại trong khối euro?

Nếu như Aten từ chối tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà cộng đồng quốc tế đã áp đặt, thì Hy Lạp bị khu vực đồng euro, ECB và IMF cắt viện trợ tài chính.

Hy Lạp khi đó lập tức lâm vào cảnh vỡ nợ nhưng điều đó không bắt buộc quốc gia này phải rời khỏi Eurozone. Đây thậm chí là kịch bản mà châu Âu đang lo ngại hơn cả.

Trước viễn cảnh trên, câu hỏi đang được các nhà đầu tư đặt ra là liệu ECB có còn tiếp tục hỗ trợ cho các ngân hàng Hy Lạp nữa hay không sau ngày bầu cử 17/6 sắp tới.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Syriza cánh tả vốn chống đối đường lối khắc khổ mà Brussels

đang áp đặt đối với Aten có triển vọng dẫn đầu trong cuộc bầu cử vào giữa tháng 6 tới đây. Điều đó có nghĩa là có nhiều khả năng chính phủ sắp tới của Hy Lạp sẽ không tiếp tục đi theo con đường đã được châu Âu và IMF vạch sẵn.

Theo quan điểm của cơ quan thẩm định tài chính Fitch, viễn cảnh Hy Lạp bước ra khỏi khu vực đồng euro lại càng thêm rõ nét.

Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và cũng là nghị viên châu Âu vẫn hy vọng rằng kịch bản này không xảy ra: “Tôi hy vọng Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khối euro vì 2 lý do. Thứ nhất là đối với bản thân nước này Hy Lạp không thể đơn phương giải quyết khủng hoảng kinh tế một khi bước ra khỏi khu vực đồng euro. Tình hình có nguy cơ còn xấu đi hơn, nghĩa là Hy Lạp sẽ đi từ suy thoái kinh tế đến khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa.

Riêng Liên minh châu Âu và Eurozone thì cả hai cùng chưa sẵn sàng để trông thấy một nước thành viên bị loại khỏi khối này. Đe dọa lớn nhất là sự ra đi của Hy Lạp sẽ kéo theo các mắt xích yếu kém khác của khu vực như là Bồ Đào Nha hay Ireland và kế tiếp nữa là Tây Ban Nha và Italy.

Điều đó có nghĩa là trong hai năm qua châu Âu chưa hoàn tất việc xây dựng một bức tường lửa hiệu quả, để tránh cho các nước khác trong khu vực đồng euro lâm vào khủng hoảng”./.

Việt Khoa

Vietnam +

Các tin tức khác

>   Trung Quốc có thể ấn định giá trị đồng NDT với vàng (23/05/2012)

>   Tân Tổng thống Pháp với "sát hạch" tài chính đầu tiên (23/05/2012)

>   "Nới lỏng định lượng thứ 3 lúc này không phù hợp" (23/05/2012)

>   "Không loại trừ khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone" (23/05/2012)

>   "Khủng hoảng ở Eurozone đe dọa kinh tế toàn cầu" (23/05/2012)

>   Cuộc đua M&A giữa các ngân hàng Đông Nam Á (23/05/2012)

>   Phía sau vụ thâu tóm Motorola Mobility của Google (23/05/2012)

>   Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đặc biệt về mua bán nợ (23/05/2012)

>   IMF: Anh nên xem xét hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng (23/05/2012)

>   Hy Lạp bơm vốn cho ngân hàng và cân nhắc rời Eurozone (23/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật