ECB bí mật bơm gần 100 tỷ EUR cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp
Các chuyên gia phân tích tại Barclays phát hiện Hy Lạp đang sử dụng 96 tỷ EUR từ chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nếu Hy Lạp sắp rời Eurozone thì nguyên nhân trước tiên có thể là quyết định rút lại khoản tiền này của ECB.
Không hề có thông báo chính thức và cũng không có điều khoản nào được công bố nhưng theo ước tính hệ thống ngân hàng Hy Lạp đã vay được gần 100 tỷ EUR từ chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp của ngân hàng trung ương nước này và đã được ECB bí mật phê chuẩn.
Việc sử dụng ELA nhằm giúp đỡ hệ thống ngân hàng tại các nền kinh tế yếu kém là một trong những biện pháp ít được chú ý của cuộc khủng hoảng Eurozone. Khác với các biện pháp cung cấp thanh khoản bình thường và với mục đích ban đầu là một công cụ tạm thời để các nhà điều hành sử dụng khi các ngân hàng gặp khó khăn, ELA chứng tỏ là “một chiếc phao” đối với hệ thống tài chính Ireland và còn hơn thế đối với Hy Lạp trong thời điểm hiện nay. Qua đó trao cho ECB - tổ chức kiểm soát hoàn toàn công cụ này - quyền lực rất lớn để quyết định số phận của các quốc gia trên.
Liệu ECB đã bao giờ sử dụng quyền hạn này chưa vẫn là một điều bí ẩn vì ELA là chủ đề mà ECB rất ngần ngại tiết lộ dù chỉ là thời điểm và đối tượng áp dụng. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bỉ, Luc Coene, giải thích trên Financial Times rằng: “Chúng ta không thể tiết lộ thời điểm chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp vì khi đó tình hình sẽ tồi tệ hơn. Vì thế tôi thực sự không nhận thấy lợi ích nào trong việc minh bạch về vấn đề này”.
Báo cáo tài chính hàng tuần công bố hôm 24/04 của ECB cho thấy số tiền trong khoản mục “khoản phải thu khác từ các tổ chức tài chính Eurozone” bất ngờ tăng 121 tỷ EUR, kết quả của việc đưa tất cả các ELA vào cùng một khoản mục. Theo định nghĩa, 121 tỷ EUR là lượng tiền tối thiểu mà các ngân hàng trung ương Eurozone cung cấp thông qua ELA.
Thông qua việc nghiên cứu các thông báo của ECB và một số ngân hàng trung ương, giới phân tích đã thu thập được thêm khá nhiều thông tin. Các chuyên gia phân tích tại Barclays phát hiện Hy Lạp đang sử dụng 96 tỷ EUR từ ELA trong khi con số này đối với Ireland là 41 tỷ EUR và Cộng hòa Síp là 4 tỷ EUR. Nếu chính xác, tổng quy mô của ELA đã vượt ngưỡng 140 tỷ EUR, tức cao hơn 10% so với tổng lượng tiền mà các ngân hàng Eurozone vay mượn từ các hoạt động chính sách bình thường.
Do rủi ro gây ra lạm phát từ nguồn thanh khoản bổ sung, ELA vượt quá 500 triệu EUR cần phải được hội đồng điều hành gồm 23 thành viên của ECB phê chuẩn và việc áp dụng ELA có thể tạm dừng nếu 2/3 số thành viên phản đối.
Điều quan trọng là rủi ro lại rơi vào từng ngân hàng trung ương cụ thể thay vì chia đều cho các ngân hàng trung ương Eurozone, tức tương tự như các biện pháp thanh khoản bình thường. Dù vậy, các ngân hàng trung ương Eurozone cũng sẽ gánh chịu tác động chung nếu một quốc gia rời khu vực. Tuy nhiên về lý thuyết, quy mô của ELA không bị giới hạn và cũng không cần phải cung cấp các thông tin như khoản thế chấp mà các ngân hàng phải áp dụng hoặc lãi suất phải trả. Chẳng hạn như trong trường hợp của Ireland, thời hạn áp dụng ELA cũng có thể được kéo dài.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bỉ, Luc Coene, cho biết ELA có thể bị tạm ngưng nếu các ngân hàng mất khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, sự bí mật của ELA lại dẫn đến các thông tin khá mập mờ.
Tuần trước, ECB đã loại một số ngân hàng Hy Lạp ra khỏi các hoạt động thanh khoản bình thường và buộc các ngân hàng này phải nhờ đến ELA. Nguyên nhân được dự báo là do những bất ổn liên quan đến kế hoạch nâng vốn của các ngân hàng này sau cuộc bầu cử bất thành hôm 06/05.
Tuy nhiên, hội đồng của ECB sẽ ngừng áp dụng chương trình này đối với quốc gia nào? Có lẽ Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ tìm kiếm khoản bù đắp mang tính chính trị trước khi rút lại ELA của Hy Lạp. Dù ủng hộ Hy Lạp ở lại Eurozone nhưng tuần trước ông cho rằng tương lai của nước này là do các nhà chính trị quyết định.
Chuyên gia phân tích Laurent Fransolet của Barclays cho rằng: “Ngừng áp dụng ELA là cách để khiến Hy Lạp rút khỏi Eurozone nếu cần thiết hoặc nếu Hy Lạp thực sự muốn điều này xảy ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng ECB sẽ không đưa ra quyết định này. Theo tôi ECB sẽ nhờ đến sức mạnh chính trị và để các chính trị gia ra quyết định”.
Tuy nhiên, sự mập mờ trong động thái thực sự của ECB trong thời gian sắp tới đã đem lại cho tổ chức này sức ảnh hưởng cao hơn so với các chính trị gia. Cuối năm 2010, nguy cơ rút lại ELA của ECB đã buộc Ireland phải chấp nhận gói giải cứu quốc tế. Như vậy, không còn nghi ngờ về việc hội đồng điều hành của ECB sẽ có động thái tương tự đối với Hy Lạp.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|