Dịch vụ giữ hộ vàng: Kiểu kinh doanh biến tướng để lách luật
Những ngân hàng nắm được cơ hội bán vàng giá cao, mua lại giá thấp khi bán ra vào các thời điểm vàng sốt giá với mức 44 - 45 triệu đồng/lượng để cho vay; nay mua lại giá chỉ còn 42,6 triệu đồng/lượng, còn thu lợi cao hơn nữa.ràng, nghiệp vụ kinh doanh theo kiểu huy động vàng, bán ra rồi mua lại trên đã đem lại lợi nhuận không ít cho các ngân hàng.
Tròn một năm sau ngày các ngân hàng thương mại thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước là chấm dứt cho vay bằng vàng. Ngày 1/5 vừa qua, quy định buộc các ngân hàng thương mại phải ngưng huy động vàng thông qua hình thức phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng tiếp tục có hiệu lực.
Nhưng cũng giống như lần thực hiện quy định ngừng cho vay vàng lần trước, ở lần không còn được phép huy động vàng này, nhiều ngân hàng thương mại đã tiếp tục giở chiêu lách luật bằng dịch vụ biến tướng với tên gọi “Giữ hộ vàng” có lợi tức, mà thực tế đây là khoản lãi suất huy động các ngân hàng phải trả cho người gửi vàng. Triển khai sớm nhất, ngay từ ngày 18/2 Ngân hàng Eximbank đã tung ra dịch vụ giữ hộ vàng mang tên “Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng”.
Ngày 22/3, Sacombank cũng tiếp tục đưa ra dịch vụ giữ hộ vàng SJC và SBJ theo kiểu “Gửi vàng, trúng vàng”... Càng gần đến ngày phải ngưng huy động vàng, lãi suất gửi vàng càng được các ngân hàng đẩy lên cao, thậm chí có nơi huy động vàng với mức lãi suất tới 4,6%...
Tổng cộng đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại thực hiện huy động và giữ hộ vàng, trong đó có 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán ra thị trường 40% số vàng đã huy động. Các ngân hàng này còn được phép mở tài khoản mua - bán vàng với nước ngoài...
Theo TS Quách Đức Pháp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, thời gian qua giá vàng trong nước luôn ở tình trạng cao hơn giá vàng thế giới từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/lượng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cấp giấy phép nhập khẩu vàng để bình ổn.
Trong khi đó, chi phí huy động vàng chỉ có 3%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng cao ngất ngưởng nên các ngân hàng sẵn sàng bán toàn bộ lượng vàng được phép bán sau khi huy động; thu tiền mặt về để cho vay với lãi suất 18 đến hơn 20%/năm. Chỉ với nghiệp vụ này, các ngân hàng không chỉ kiếm khoản chênh lệch giữa chi phí huy động vàng và lãi suất cho vay tiền đồng lên đến 15% mà còn thu về lợi nhuận kép.
Những ngân hàng nắm được cơ hội bán vàng giá cao, mua lại giá thấp khi bán ra vào các thời điểm vàng sốt giá với mức 44 - 45 triệu đồng/lượng để cho vay; nay mua lại giá chỉ còn 42,6 triệu đồng/lượng, còn thu lợi cao hơn nữa. Rõ ràng, nghiệp vụ kinh doanh theo kiểu huy động vàng, bán ra rồi mua lại trên đã đem lại lợi nhuận không ít cho các ngân hàng. Vì vậy, dù cả quy định buộc ngưng cho vay vàng và huy động vàng đều đã có hiệu lực, thì các ngân hàng vẫn tiếp tục lách luật để hoạt động.
Và như vậy, thị trường vàng vẫn tiếp tục chứa đựng bất ổn nếu giá vàng thế giới tăng mạnh, cùng lúc nhiều người gửi rút vàng ra để bán và đầu tư sang lĩnh vực khác. Khi đó không còn cách nào khác buộc ngân hàng phải mua lại vàng trong dân bằng mọi giá để trả người gửi, từ đây có thể dấy lên những cơn sốt giá vàng.
Công an nhân dân
|