Chủ Nhật, 06/05/2012 10:02

Đại gia ngân hàng thôn tính bất động sản

Một chủ đầu tư bất động sản tại quận Tân Phú (TP HCM) phải ngậm ngùi bán lỗ dự án 200 tỷ đồng cho ngân hàng với giá 140 tỷ đồng vì dự án đang nợ nhà băng này khoảng 600 tỷ đồng.

Dự án cao ốc văn phòng tại quận 7 TP HCM vừa được chuyển nhượng cho một ngân hàng với giá 700 tỷ đồng

Theo lời giám đốc doanh nghiệp nói trên, dự án chưa thể triển khai vì không có vốn. Nếu không bán, riêng tiền lãi vay ngân hàng cũng khiến doanh nghiệp bất động sản chết từ từ. Về bản chất, ngân hàng mua lại để trừ khoản nợ của doanh nghiệp.

Ông này nói thêm, cũng đã rao bán dự án trên thị trường, nhưng vị trí không đẹp, lại trong giai đoạn đầu nên các doanh nghiệp bất động sản khác có tiềm lực cũng dè chừng. "Còn với ngân hàng, họ không hề bỏ tiền ra mua mà chỉ là trừ đi khoản nợ của doanh nghiệp với mức giá hời hơn so với thị trường”, ông này nói.

Trước đây, với số tiền 400 tỷ đồng vay ngân hàng, lãi phải trả gần 800 triệu đồng một tháng. Nay bán bớt đi một dự án trừ nợ, mỗi tháng, khoản phải trả cho ngân hàng là hơn 600 triệu đồng, giám đốc doanh nghiệp nói trên chia sẻ.

Ông cho biết, ngân hàng bao giờ cũng nắm đằng chuôi. Khi vay, doanh nghiệp phải chạy quá nhiều cửa và có những ràng buộc vô hình. "Mỗi lần tăng lãi suất, ngân hàng tự động điều chỉnh lãi vay với doanh nghiệp địa ốc. Còn khi hạ thì phía ngân hàng lại trì hoãn với đủ lý do như cơ chế chính sách mới, cần có độ trễ mới đi vào cuộc sống”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết công ty ông cũng vừa bán cao ốc đa năng trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP HCM) cho một đối tác không tiết lộ là ngân hàng hay doanh nghiệp với giá hơn 80 tỷ đồng.

Ông Đực thừa nhận, đây là giải pháp để doanh nghiệp tự cứu mình trong lúc khó khăn. Dù thế, ông cũng nói thêm, hiện có nhiều ngân hàng lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp để ép giá, mua lại. Thậm chí, nhiều trường hợp mua lại cả doanh nghiệp vì về mặt thủ tục, mua doanh nghiệp dễ hơn mua dự án. Theo ông, khi mua doanh nghiệp, các dự án đang triển khai đều về tay ngân hàng, chẳng khác gì "lấy mẹ được cả con".

Ông N.Q.T, Giám đốc công ty chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp tại quận 7 (TPHCM) cho biết, công ty đã tung ra mọi chiêu thức bán hàng như giảm giá, khuyến mãi liên tục, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không suy giảm. “Chúng tôi buộc phải bán DN bởi một phần do mẫu thuẫn lợi ích giữa các cổ đông trong bối cảnh thị trường khó khăn và nếu không bán sớm thì lợi ích của cổ đông sẽ không còn”, ông T cho biết.

Ngoài mục đích mua lại trừ nợ, nhiều ngân hàng đang có cuộc chạy đua thăm dò những dự án bất động sản có tiềm năng để đầu tư, khai thác.

Tại TP HCM, tòa nhà văn phòng cao 20 tầng ở quận 7 vừa được chuyển nhượng cho một ngân hàng thương mại làm trụ sở và khai thác tiềm năng cho thuê văn phòng. Giá bán là 700 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư, việc chuyển nhượng này xuất phát từ khó khăn về đầu ra, doanh nghiệp cạn vốn để triển khai tiếp, áp lực lãi suất... Ông nói, thời điểm này, giá chuyển nhượng cũng xuống theo thị trường. Theo ông, bản thân doanh nghiệp cũng lỗ hơn 200 tỷ nhưng không bán thì càng lỗ nặng. "Nếu như dự án chưa xây xong phần thô, vị trí không đẹp thì ngân hàng cũng không bao giờ chịu mở hầu bao. Sở dĩ chúng tôi bán cho ngân hàng bởi chỉ có ngân hàng mới có tiền mặt mua trong thời điểm này”, ông cho biết.

Tại thị trường Hà Nội, việc gom các dự án bất động sản diễn ra âm thầm và kín đáo. Doanh nghiệp sợ công bố dự án chuyển nhượng vì lo ảnh hưởng đến uy tín của mình.

Giới kinh doanh địa ốc Hà Nội xôn xao bởi thông tin một nữ đại gia đứng đầu ngân hàng S đang ráo riết mua lại các doanh nghiệp địa ốc và sáp nhập chúng với nhau. Ngân hàng nói trên sẵn sàng trả giá cao, thậm chí dùng mọi chiêu thức để mua lại doanh nghiệp địa ốc bởi họ có sẵn tiền và nhìn thấy được được tiềm năng và lợi nhuận lâu dài của các dự án mà các doanh nghiệp yếu đang nắm giữ.

Ông Đỗ Quốc Thái, Tổng giám đốc Công ty đầu tư xây dựng thương mại An Thái cho rằng, chủ yếu doanh nghiệp bán cho ngân hàng những dự án mới triển khai ở các khu vực Pháp Vân - Tứ Hiệp; Phạm Hùng - Từ Liêm; Duy Tân - Cầu Giấy... Theo ông Thái, ngân hàng như một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thu gom những dự án đó để khi thị trường ấm lên lại đẩy hàng giá cao ra thị trường.

Còn theo ông Văn Minh Thức, Giám đốc kinh doanh địa ốc Tập đoàn Hoàng Huy, doanh nghiệp không hề tiếp cận với khoản vay bất động sản lãi suất thấp mà ngân hàng tuyên bố. Ông Thức nói: "Đây chính là chiêu thức của ngân hàng nhằm đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng. Nếu chính sách không linh hoạt thì trong thời gian tới, thị trường bất động sản còn ghi nhận nhiều cuộc mua bán dự án, doanh nghiệp đều rơi vào tay các đại gia ngân hàng”.

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Thị trường bất động sản chưa thể phục hồi trong năm 2012 (05/05/2012)

>   Đất đô thị Hà Nội và TPHCM cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (05/05/2012)

>   Cuối 2013 mới sửa Luật Đất đai (04/05/2012)

>   Thị trường BĐS: Chờ xem diễn tiến... (04/05/2012)

>   Dự án ParkCity: Chỉ cỏ dại và sắt gỉ (04/05/2012)

>   Điểm mặt chung cư bị bán phá giá (04/05/2012)

>   Nhiều "chiêu" hỗ trợ vốn cho khách mua nhà đất (04/05/2012)

>   Tiền sử dụng đất: Nên nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu (03/05/2012)

>   Giá nhà ở cho thuê sẽ phụ thuộc hình thức đầu tư (03/05/2012)

>   Mở hết cỡ van tín dụng: Bất động sản có hồi sinh? (03/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật