Thứ Hai, 21/05/2012 22:20

Cần quản lý chặt thương lái Trung Quốc mua nông sản

Cứ sau một thời gian lại rộ lên thông tin thương lái Trung Quốc mua hải sản không trả tiền hay chuyện đầu tư trồng khoai lang bán cho thương lái Trung Quốc nhưng họ lại đột ngột dừng mua khiến mặt hàng này liên tục rớt giá... Xung quanh vấn đề này,

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch trung ương Hội nông dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Lượng.

Hiện nông dân ĐBSCL bỏ lúa trồng khoai lang để bán cho thương lái Trung Quốc nhưng giờ họ không mua nữa khiến giá đột ngột giảm. Ông có nhận xét gì?

- Ông Nguyễn Duy Lượng: Nông sản cũng như những mặt hàng khác đều phải chịu ảnh hưởng của yếu tố cung cầu, Nghĩa là khi nhu cầu mua nhiều thì giá lên, qua đó, khuyến khích người dân tập trung vào mặt hàng đó. Mặt hàng khoai lang tím ở ĐBSCL là một ví dụ.

Ngoài ra, yếu tố tự phát cũng khiến người dân đầu tư trồng quá mức khoai lang quá nhiều trong khi việc xử lý thông tin về dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ không tốt nên mới có tình trạng nói trên.

Cũng không thể trách người dân được, vì cuộc sống khó khăn nên thấy trồng cây gì có lợi cho mình thì họ trồng. Điều này, tương tự như Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo trồng lúa IR 50404 chỉ từ 15-20% mỗi mùa vụ nhưng vụ đông xuân vừa qua có tỉnh diên tích lúa này lên trên 50%. Nguyên nhân là do giá lúa RI 50404 bán được.

Tuy nhiên, dù có nói gì đi nữa thì việc này cũng là một phần lỗi của nhà nước khi chưa lo được đầu ra cho các mặt hàng nông sản.

Còn đối với hiện tượng thương lái Trung Quốc quỵt nợ khi mua hàng thì ông giải thích thế nào?

- Lỗi này phần lớn nằm ở chính quyền các xã. Chuyện thương lái Trung Quốc quỵt nợ đã diễn ở các địa phương trong một thời gian dài nhưng chính quyền một số xã không làm kiên quyết nên khi có chuyện chỉ còn biết kêu trời.

Hiện các văn bản, luật cư trú với người nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam đều có nhưng không được thực hiện. Đây là một phần lỗi của chính quyền địa phương quản lý không chặt nên mới xảy ra tình trạng quỵt nợ của thương lái Trung Quốc. Nếu chính quyền không làm tốt khâu này thì có thể thời gian tới một mặt hàng nông sản nào đó cũng lại bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ.

Vây theo ông, cần phải làm gì để không có tình trạng trồng khoai lang không ai mua, không có tình trạng thương lái Trung Quốc quỵt nợ?

- Đây là một việc khó vì giá cả các mặt hàng nông sản đều phải theo quy luật cung cầu. Chuyện thương lái Trung Quốc sang mua nông sản thì chính quyền địa phương cần phải quản lý lại chặt chẽ hơn. Từ những gì đã xảy ra, đã đến lúc chính quyền các xã, huyện phải quản lý chặt chẽ hơn với lực lượng thương lái này. Bên cạnh đó, phải làm sao vận động người dân khi làm ăn với thương lái Trung Quốc thì không bán nợ, khi giao hàng thì giao tiền.

Hiện Hội Nông dân Việt Nam đang tiến hành ra soát lại quỹ đất nông nghiệp tại các địa phương, làm việc với một số tỉnh về quy hoạch phát triển cây nông nghiệp, không cho phát triển cây trồng ngoài quy hoạch. Như vậy, mới hy vọng câu chuyện khoai lang ở Vĩnh Long không bị lặp lại lần thứ 2.

Xin cảm ơn ông!

Lâu nay, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều thương lái mua cua ở Cà Mai quỵt nợ của các đại lý nhiều tỉ đồng. Chuyện này không có gì mới vì trước đó, tình trạng quỵt nợ mua hải sản của thương lái Trung Quốc ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng xảy ra.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ban đầu những thương lái Trung Quốc đến ăn ở tại các nhà đại lý thu mua nông sản và nhờ các đại lý làm người môi giới, làm việc với các cở sở chế biến bằng cách trả hoa hồng cao. Nghĩa là họ mua và trả tiền liền sau khi nhận hàng.

Khoảng thời gian này kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Đây cũng là khoảng thời gian khá lâu để các thương lái tạo lòng tin từ các đại lý. Để tạo lòng tin, một số đại lý còn được những thương lái mời sang Trung Quốc thăm gia đình họ và du lịch một số nơi.

Sau khi trở lại Việt Nam những thương lái này vẫn làm ăn bình thường, trả tiền sau mỗi chuyến hàng đầy đủ.

Một chi tiết quan trọng mà những thương lái Trung Quốc khi làm ăn ở Việt Nam là chỉ thuê hoặc mua hàng nông sản qua những đại lý, còn khâu vận chuyển lại thuê một lực lượng khác mà những đại lý này không được biết đến. Đây là một mắt xích để các thương lái Trung Quốc chuẩn bị cho chuyện quỵt nợ sau này.

Sau khi tạo được lòng tin từ các đại lý những thương lái này lấy lý do bận việc gia đình nên về lại Trung Quốc và gửi lại một số tiền để nhờ các đại lý mua hải sản chuyển sang như những lần trước. Do có tâm lý đã biết cửa biết nhà, lâu nay, thương lái mua bán sòng phẳng nên chuyện họ nợ một vài chuyến hàng trả tiền sau được các đại lý chấp nhận.

Ở Nha Trang, Khánh Hòa những thương lái Trung Quốc quỵt nợ của các đại lý đều có quan hệ làm ăn trên dưới 2 năm. Nghĩa là họ đã có một khoảng thời gian khá lâu để tạo lòng tin với các đại lý thu mua nông sản trước khi quỵt nợ. Số tiền trung bình mỗi đại lý mua hải sản ở Nha Trang thấp nhất là 500 triệu đồng, cao nhất là 2 tỉ đồng.

Ngọc Hùng thực hiện

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Giá cao su tăng vọt bởi Thái Lan sắp nhập khẩu (21/05/2012)

>   Trà Vinh: Gần 900 triệu con tôm giống nuôi bị chết (21/05/2012)

>   Áp lực giảm giá hạt tiêu khi châu Á vào vụ thu hoạch (21/05/2012)

>   Xuất khẩu hồ tiêu: Dẫn đầu thế giới nhưng ít lợi nhuận? (21/05/2012)

>   Chương trình phát triển bông vải khó đạt mục tiêu (21/05/2012)

>   Oil World: giá đậu tương vẫn duy trì mức hỗ trợ (18/05/2012)

>   Giá cao su kỳ hạn TOCOM giảm do khủng hoảng Euro zone (18/05/2012)

>   Cà phê Robusta ở mức cao, đường đạt mức cao nhất một tuần (18/05/2012)

>   Ngành điều thiếu 300.000 tấn nguyên liệu (18/05/2012)

>   Giá cà phê tăng chạm mốc 42 triệu đồng/tấn (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật