Bianfishco: Sau khốn đốn của DN là quyền lợi ngân hàng?
Bình An như hôm nay có một phần do sự non kém về quản trị doanh nghiệp và một phần không nhỏ do “tín dụng dễ dãi đã tiếp tay đẩy doanh nghiệp đến bờ vực nguy hiểm”.
Bianfishco hoạt động trở lại sau khủng hoảng nợ Công ty cổ phần thuỷ sản Bình An (Bianfishco) đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu gần như đã hết. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có “lời” nhờ Công ty mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng (DATC – Bộ Tài chính) thực hiện tái cơ cấu nợ cho Bianfishco.
Theo ông Phạm Thanh Quang – Tổng giám đốc DATC, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy sụp của doanh nghiệp này trong thời gian qua là “tiền ít nhưng đầu tư nhiều”. Theo đó, số tiền đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian gần đây lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền đầu tư này lại dựa vào vốn vay khá lớn. Trong đó, những khoản vay ngắn hạn lại được dùng cho những hạng mục đầu tư dài hạn. “Bianfishco đầu tư rất hoành tráng, đổ rất nhiều tiền cho công nghệ, vùng nuôi cá. cái hoành tráng dẫn đến không kinh tế.”, ông Quang nhận định.
Thông tin từ DATC cho biết, Bianfishco đã đầu tư đến hơn 140 tỷ đông cho Viện nghiên cứu thuỷ sản, trong khi khả năng sinh lợi của viện nghiên cứu này vẫn là dấu hỏi lớn đối với doanh nghiệp. Bianfishco cũng tiên phong trong việc đầu tư vào nhà máy sản xuất nước uống collagen. Trước khi đầu tư xong nhà máy này, công ty này cũng đã chi đậm tiền cho quảng cáo. Vì vậy, nhà máy vừa đầu tư xong đã đuối.
Vị tổng giám đốc DATC đánh giá, lỗi lớn của công ty này là quản trị không tốt, sắm sắm sửa toàn đồ “xịn”, rất đắt tiền, kể cả những thứ không sinh lời như cây cảnh, sư tử đá, đồ cổ, ô tô. Ông Quang đánh giá, các khoản chi lớn này “ăn” vào vốn vay, đẩy chi phí giá thành lên cao, dẫn đến nguy cơ lợi nhuận không thể bù đắp chi phí.
Khi ngân hàng "không thích chơi" với doanh nghiệp
Những khó khăn của Bianfishco cũng đã bắt đầu từ năm 2008. Đây là giai đoạn khủng hoảng của thị trường cá nguyên liệu. DN này phải ứng tiền để nông dân nuôi trồng cá, đến khi cá chết, nông dân không trả được nợ. Vòng luẩn quẩn của tình trạng này là dân nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp lại nợ ngân hàng.
Khó khăn ngày càng chồng chất vào thời điểm năm 2011 khi một công ty thuỷ sản trong khu vực này rơi vào tình trạng vỡ nợ. Ngân hàng đến xiết nợ và phong toả tài sản của công ty này. Đồng thời, “chủ nợ” này cũng lẳng lặng thu hồi vốn vay của Bianfishco. Một ngân hàng rút vốn vay, ngân hàng khác cũng “hùa theo”. Nguồn tiền hao hụt khiến DN rơi vào tình trạng không có khả năng trả tiền cá nguyên liệu cho nông dân.
Số liệu của DATC cho biết, tổng số vốn vay bị rút khỏi Bianfishco vào thời điểm đó lên đến hơn 400 tỷ đồng. Các cỗ máy của công ty này cũng ngừng hoạt động. Đến nay, tổng số nợ của DN này lên đến khoảng 1000 tỷ đồng. “Hiện tại, vốn chủ sở hữu của công ty gần như đã hết, tài sản và công nợ là cân bằng”, ông Quang cho biết. “Vụ việc này cho thấy, một số ngân hàng đã cho doanh nghiệp này vay không dựa trên tính hiệu quả của dự án, một số ngân hàng đã vì quyền lợi cá nhân, xâu xé khi doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Quang bức xúc.
DATC cho biết, công ty này đang “nghiêng” về phương án tạo điều kiện để chủ nợ và con nợ “ngồi” lại với nhau, thay vì tìm đối tác mua lại doanh nghiệp này. DATC sẽ cho kiểm toán và đánh giá hết lại tài sản, công nợ, cơ cấu lại tài sản, bán các tài sản không cần thiết như nhà máy Collagen, Viện Nghiên cứu, vùng nuôi trồng… chỉ giữ lại tài sản lõi là nhà máy chế biến. Riêng việc cơ cấu lại tài sản cũng có thể thu về hàng trăm tỉ đồng. Tiếp theo, DATC sẽ mời cổ đông chiến lược và các chủ nợ cùng tham gia, đặc biệt là các ngân hàng. Sau khi cơ cấu sẽ để các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản tham gia điều hành.
Ông Trần Văn Trí, người toàn quyền điều hành Bianfishco cho biết đã cho chạy thử một số dây chuyền tại nhà máy giá trị gia tăng. Sản phẩm của nhà máy giá trị gia tăng cũng được sản xuất thử để các đối tác Nhật Bản xem nhằm quyết định đầu tư vào nhà máy này. Đối với nhà máy thủy sản sẽ cho bảo trì, hoạt động không tải vào ngày 3/5. Theo kế hoạch ngày 9/5 tất cả bốn nhà máy là phi lê cá, giá trị gia tăng, phụ phẩm và nước uống Collagen sẽ hoạt động trở lại. Trước mắt, mỗi ngày nhà máy thủy sản chỉ sản xuất từ 100-150 tấn cá tra nguyên liệu./.
Vũ Hạnh
VOV online
|