Thứ Sáu, 04/05/2012 21:59

DN bảo hiểm: Lãi từ đầu tư vẫn “lấn át”

Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các DN bảo hiểm, có thể thấy, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm vẫn còn rất khiêm tốn, khoản lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng đầu tư do TTCK quý I khởi sắc hơn.

Quý I/2012, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu 1.690 tỷ đồng, hoàn thành 125,3% kế hoạch; đạt 31,5% kế hoạch năm; tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2011. PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh thu bảo hiểm gốc với 1.464 tỷ đồng, tăng trưởng 24,1% so với cùng kỳ; chiếm 24,7% thị phần bảo hiểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp PVI có doanh thu quý I đứng đầu thị trường, trong đó, doanh thu từ tái bảo hiểm và đầu tư tài chính lần lượt là 142 tỷ đồng và gần 84 tỷ đồng.

Chỉ thua PVI 3 tỷ đồng doanh thu, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) về nhì với doanh thu bảo hiểm gốc 1.461 tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch năm), lợi nhuận cũng đạt được kỳ vọng.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các DN, có thể thấy, lợi nhuận từ mảng kinh doanh chính, nghiệp vụ bảo hiểm vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Đơn cử, tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH), do được hoàn nhập 212 tỷ đồng trong quý I, công ty mẹ BVH lãi 366,4 tỷ đồng, tăng 72,68% so với cùng kỳ năm trước. Hay tại Tổng công ty Tái bảo hiểm (VNR), trong quý này, doanh thu phí tái bảo hiểm đạt 436,7 tỷ đồng (chỉ tăng 2% so với cùng kỳ); LNST đạt 65 tỷ đồng. Trong đó, VNR chỉ lãi khoảng 700 triệu đồng trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm (cùng kỳ năm ngoái là 19,7 tỷ đồng). Tương tự, quý I, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lỗ trên 9 tỷ đồng từ nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng lại có khoản lợi nhuận 29,4 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Hay Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) có tổng doanh thu quý I là 254,5 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 162,3 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính đạt 43,9 tỷ đồng; LNTT đạt 30,4 tỷ đồng. Đại diện BIC chia sẻ, việc hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán đã tạo ra lợi nhuận chính cho Công ty.

Đại diện VNR cho rằng, năm 2012, khó khăn trong việc tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cũng như lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm vẫn còn đó. Năm 2011, chỉ có khoảng 6 DN trong tổng số 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và số lãi này cũng rất khiêm tốn so với tổng lợi nhuận.

Ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc VNR cho biết, năm 2012, Công ty kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ đồng phí nhận tái bảo hiểm nhưng chỉ đặt kế hoạch 39 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng kinh doanh này, dù đây là kế hoạch tăng trưởng 28,7% so với thực hiện năm 2011. Tại ĐHCĐ Pjico (PGI), dù cổ đông cũng chất vấn việc DN lãi ít từ nghiệp vụ và đề nghị Ban lãnh đạo kiểm soát chặt chẽ hơn công tác bồi thường, nhằm tăng lãi từ nghiệp vụ, nhưng cuối cùng Đại hội vẫn thông qua chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng so với năm 2011, nhưng lợi nhuận tối thiểu bằng chỉ tiêu năm 2011 (lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm là 12 tỷ đồng/tổng lợi nhuận 135 tỷ đồng).

Nguyên nhân của tình trạng lợi nhuận của mảng kinh doanh bảo hiểm chiếm tỷ trọng chưa tương xứng với quy mô doanh thu của mảng này trong thời gian qua đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ rõ. Đó là việc các DN trong ngành chạy đua giành thị phần, bất chấp rủi ro bồi thường và sự yếu kém trong quản trị rủi ro của các DN. Theo chia sẻ của ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt, DN có lợi nhuận lớn nhất thị trường từ mảng kinh doanh bảo hiểm (trên 130 tỷ đồng năm 2011), năm 2012, Công ty sẽ tiếp tục chú trọng kiểm soát rủi ro, tăng phí để đảm bảo kiểm soát rủi ro đối với các lĩnh vực như da giày, may mặc, đồng thời, tăng cường kiểm soát dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, theo đại diện BIC, nếu chạy theo con số lợi nhuận từ kinh doanh chính, có thể dẫn tới tình trạng DN phân bổ lợi nhuận từ mảng đầu tư cho nghiệp vụ bảo hiểm. Nhưng với cổ đông, điều quan trọng hơn cả vẫn là tổng lợi nhuận, là cổ tức mà DN bảo hiểm đem lại cho họ.

Diệu Minh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   REE: Lợi nhuận hợp nhất quý 1 đột biến nhờ thoái vốn tại STB (04/05/2012)

>   DXV đặt chỉ tiêu 5.7 tỷ đồng lãi sau thuế 2012 (04/05/2012)

>   HSG: Giải thể chi nhánh tại Bình Phước và Quận 12 (04/05/2012)

>   FDT: Mùa du lịch, lợi nhuận vẫn giảm 81% (04/05/2012)

>   SBS: Sau soát xét quý 1, công ty mẹ lỗ tới 681 tỷ đồng (04/05/2012)

>   LAS: Tồn kho quý 1 giảm ½, lãi ròng gần 130 tỷ đồng  (04/05/2012)

>   PVS: Công ty mẹ lãi ròng 92 tỷ đồng trong quý 1 (04/05/2012)

>   PTL: Công ty mẹ quý 1 lãi sau thuế 2 tỷ đồng (04/05/2012)

>   TV1: Lãi ròng hợp nhất quý 1 chỉ đạt 1.7 tỷ đồng (04/05/2012)

>   TST: Quý 1, lãi ròng công ty mẹ chỉ đạt 1.26 tỷ đồng  (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật